Quản lý quán bar, karaoke: Qui hoạch…buông
Khó khăn lớn nhất trong quản lý quán bar, vũ trường, karaoke hiện nay là những biến tướng trong hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn như quán bar không do Bộ VHTT và DL quản lý (vì Bộ này không thể cấp phép kinh doanh), nhưng trong đó vẫn có hoạt động ca hát nhảy múa- chỗ này lại liên quan tới ngành văn hóa, tới quản lý văn hóa. Để quản lý được, không dễ.
Một vũ trường tại Hà Nội
Cũng bởi giấy phép kinh doanh vô thời hạn
Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTT và DL đã chia sẻ như vậy tại hội nghị đánh giá việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý nhà nước về karaoke, vũ trường cách đây ít lâu. Và một trong những giải pháp quan trọng được đề xuất trong báo cáo của Bộ VHTT và DL: để nâng cao hiệu quả quản lý đối với cơ sở kinh doanh karaoke và vũ trường, cần phải siết thời hạn giấy phép kinh doanh loại hình dịch vụ này. Hiện tại, phương thức kinh doanh cho thấy, nhiều tổ chức cá nhân trốn tránh các nghĩa vụ tài chính, tình trạng biến tướng trong hình thức kinh doanh, quán bar nhưng thực tế chuyển sang vũ trường, buôn bán sử dụng vũ khí, ma túy, rượu lậu, gái mại dâm… Đáng chú ý là cấp phép hoạt động kinh doanh hiện nay rất dễ phát sinh tiêu cực bởi việc cấp giấy phép karaoke, vũ trường chỉ cấp 1 lần không có cấp đổi, không quy định thời gian gia hạn, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý cấp phép, thu phí, kiểm tra hoạt động kinh doanh…
Xuất phát từ thực tế bất cập trong quản lý loại hình dịch vụ kinh doanh nói trên, các Sở VHTT và DL địa phương, Bộ Công an, Bộ Tài chính đều có kiến nghị nên đưa ra thời hạn 2 năm cấp phép lại một lần đối với việc kinh doanh loại hình dịch vụ này. Phân tích cho thấy, trong tay những người kinh doanh loại hình này đang có tới 4-5 loại giấy phép: văn hóa, PCCC, an ninh trật tự, tài nguyên… Vì vậy, Bộ VHTT và DL đã đề xuất tới đây từ khâu xét hồ sơ xin giấy phép kinh doanh, các cơ quan quản lý phải ngồi lại với nhau. Điều này cũng nhằm để tránh giải quyết việc đã rồi, khi có những cơ sở kinh doanh đã chi ra những khoản tiền không nhỏ để đầu tư cơ sở vật chất, rồi các cơ quan quản lý, hoặc các đoàn thành tra mới đến nói là không đồng ý cấp phép. Còn về thời hạn của giấy phép kinh doanh như đề xuất ở trên, đại diện Vụ Pháp chế- Bộ VHTT và DL cho hay, giấy phép có thời hạn hay không, rồi thủ tục cấp đổi thế nào…Tới đây các cơ quan chức năng sẽ phải góp ý trong thông tư hướng dẫn Luật Doanh nghiệp để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Sẽ kiểm tra tại những thành phố lớn
Dẫu vậy, đã hơn nửa năm trôi qua kể từ Hội nghị bàn giải pháp quản lý nhà nước về quản lý kinh doanh karaoke, vũ trường…dường như mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ. Bộ VHTT và DL cho biết, tới đây Bộ sẽ thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về hoạt động karaoke, vũ trường và nắm tình hình thực tế hoạt động văn hóa trong nhà hàng, quán bar (theo tinh thần văn bản số 2535/QĐ-BVHTTDL ngày 30/7/2015).
Công tác kiểm tra sẽ diễn ra vào cuối quý III đầu quý IV-2015 tại một số địa phương, gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và TP Hà Nội.
Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào công tác quản lý nhà nước, thực trạng hoạt động karaoke, vũ trường; tình hình quy hoạch, thủ tục hành chính cấp phép hoạt động karaoke, vũ trường; Hồ sơ, thủ tục cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường tại các địa phương; Nắm tình hình thưc tế về hoạt động văn hóa trong các nhà hàng, quán bar. Đồng thời nghe báo cáo của địa phương về những bất cập, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động karaoke, vũ trường; những đề xuất kiến nghị.
Theo thống kê từ Bộ VHTT và DL, hiện cả nước có hơn 17,3 nghìn cơ sở kinh doanh karaoke, 77 vũ trường đang hoạt động. Qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 4,6 nghìn lượt cơ sở kinh doanh vi phạm trong năm 2014, xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,2 tỷ đồng. Đa số các cơ sở bị xử lý chưa bảo đảm các điều kiện kinh doanh hoặc cố tình lợi dụng sự sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý của chính quyền địa phương để thu lợi, gây mất an ninh, trật tự.
Hệ thống văn bản quản lý nhà nước hiện hành còn những kẽ hở nhất định khiến các cơ sở có thể lách luật. Cùng với đó, việc thực hiện quy hoạch karaoke, vũ trường giai đoạn 2006 – 2010 đã hết hiệu lực. Một số tỉnh thành chưa kịp điều chỉnh, bổ sung để xây dựng quy hoạch bày cho các giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, từ năm 2010 đến nay, việc cấp giấy phép cho các cơ sở mới đăng ký còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Từ thực tế đó, Bộ VHTT và DL đang kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 103/2009-NĐ-CP về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa; Nghị định 158/2013-NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo…