Phát hiện bãi đá cổ có niên đại khoảng 300-400 năm
Bảo tàng tỉnh Yên Bái vừa phát hiện bãi đá khắc cổ nằm rải rác ở các xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Lao Chải, Dế Xu Phình…
Qua cuộc thám sát đầu tiên, bảo tàng tỉnh đã phát hiện bãi đá cổ ở các thôn Tàng Ghênh, Hú Trù Lìn, Hồng Nhì Pá, trong đó tập trung nhiều nhất ở thôn Tàng Ghênh thuộc xã Lao Chải, cách thị trấn Mù Cang Chải 13km về phía Lai Châu bên kia dòng Nậm Kim.
Các khối phiến đá sa thạch khắc cổ nằm rải rác, cách nhau từ 20m đến 10km, có khối chìm, khối nổi trên sườn dốc cách các khe suối nhỏ khoảng 100-200m. Các nhà nghiên cứu xác định theo trục dọc 1km chiều Đông-Tây của sườn đông dãy núi thoải, theo dòng suối nhỏ Mí Háng.
Thống kê sơ bộ có khoảng 20 tảng đá mồ côi nằm rải rác trên các nương rẫy, ven đường và quanh các thôn bản. Các tảng đá có khối lượng từ 2m3 -50m3. Những tảng đá được người xưa chọn khắc là những tảng đá nằm ở vị trí thoáng, đứng trên các tảng đá có thể nhìn ra khắp bốn phương trời.
Hình dạng các tảng đá gồm có hình tháp, hình trái núi, hình con rùa hoặc như một trang giấy mở ra trước thiên nhiên hùng vĩ. Các hình khắc trên các tảng đá phần lớn là ruộng bậc thang, chim hạc, ngựa trời, bản đồ thiên văn, âm dương ngũ hành… cùng rất nhiều ký tự, có thể ngờ rằng đó là chữ viết cổ xưa...
Theo các chuyên gia ở Bảo tàng tỉnh Yên Bái, chủ nhân của những hình khắc trên bãi đá cổ ở Mù Cang Chải là tộc người Mông khắc vào thế kỷ 16-17, cách nay khoảng 300-400 năm.
Điều đặc biệt, dường như có mối liên hệ giữa người xưa và người hôm nay nên mặc dù các khối đá cổ đó nằm trên nương rẫy hay quanh các thôn bản nhưng người dân không phá phách hay làm biến dạng các hình khắc.
Hiện tại, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã chọn sáu khối đá có hình khắc tiêu biểu có thể tích từ 2-50m3 đá liền khối còn nguyên vẹn để nghiên cứu.