Vì sao khó thu hồi tài sản tham nhũng?

T.Dương 04/08/2015 09:20

Công tác phòng chống tham nhũng khó có thể đạt được như mong đợi nếu tài sản tham nhũng được thu hồi thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp có phần nguyên nhân do quy định pháp luật hiện nay chưa cụ thể rõ ràng nên tổ chức thực thi còn yếu.

Vì sao khó thu hồi tài sản tham nhũng?

Ảnh minh họa.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng mới công bố gần đây cho thấy, có 12,9% công chức, viên chức được hỏi cho rằng có hiệu quả; 17,1% cho rằng không hiệu quả; 60,8% nhận định chỉ hiệu quả trong một vài trường hợp nhất định. Từ phía người dân, số người cho rằng hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng đạt 28,4%, số lượng cho rằng không hiệu quả là 24,5% và chỉ hiệu quả trong một vài trường hợp nhất định là 43,6%.

Năm 2013 tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam là dưới 10%, năm 2014 là khoảng 22%. Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra cho rằng, đây là một tỷ lệ quá thấp so với mục tiêu của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là thu hồi tài sản bị thiệt hại.

Theo ông Khanh, nguyên nhân là do pháp luật Việt Nam quy định việc thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu thông qua việc thi hành bản án hình sự nên tỷ lệ thu hồi rất thấp. Ông Khanh cũng cho rằng, cần có ngay một cơ quan chuyên trách trong việc hợp tác với các nước để thu hồi tài sản tham nhũng từ Việt Nam tẩu tán ra nước ngoài và ngược lại.

Còn ông Mai Lương Khôi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp thì cho rằng, việc thu hồi thấp tài sản trong các vụ án tham nhũng còn do những bất cập trong công tác kê biên tài sản.

Trong khi đó, thẩm phán Trương Việt Toàn, Tòa án nhân dân TP Hà Nội lại cho rằng, phía cơ quan thi hành án chỉ thi hành khi có đơn yêu cầu. Vì vậy cần xem xét đến việc sửa Luật Thi hành án, và cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng khối tài sản của Nhà nước cũng như tăng trách nhiệm đối với cơ quan thi hành án trong việc thu hồi tài sản công.

Ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra đề nghị bổ sung các quy định cụ thể chi tiết hơn về vấn đề thu hồi tài sản trong lần sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng sắp tới.

“Cần đưa vào luật quy định không chỉ người phạm tội mới có nghĩa vụ trả lại tài sản mà bất kỳ ai đang chiếm hữu không có căn cứ hợp pháp cũng có nghĩa vụ trả lại tài sản. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thể thu hồi lại tài sản đã bị chiếm đoạt do hành vi tham nhũng nhưng đã bị tẩu tán. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về việc cho phép cơ quan điều tra được áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt đối với tội phạm tham nhũng để có thể nhanh chóng phát hiện, làm rõ hành vi cũng như tài sản tham nhũng” -ông Minh bày tỏ.

Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp có phần nguyên nhân do quy định pháp luật hiện nay chưa cụ thể rõ ràng nên tổ chức thực thi còn yếu. Vì vậy trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự, Thanh tra Chính phủ tham gia Tổ biên tập và có đề cập 2 điểm để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản đó là xác định thời điểm hoàn thành tội phạm sớm hơn để việc phát hiện, xử lý sớm hơn tránh chuyện tẩu tán và che giấu tài sản, đơn giản hóa hơn cấu thành tội phạm tham nhũng để cân bằng với trách nhiệm chứng minh phía các cơ quan tiến hành tố tụng.

Nói như lời Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng thì thu hồi tài sản là vấn đề lớn liên quan không chỉ đến pháp luật hình sự mà các hệ thống pháp luật khác nhất là tố tụng hình sự và thiết chế, thể chế quản lý thu nhập, tài sản.

Đề cập đến các quy định về phòng chống tham nhũng, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng cần khuyến khích người dân thực sự đấu tranh chống tham nhũng thì mới ngăn chặn được tham nhũng. Nếu đưa hối lộ rồi tố cáo mà cũng coi là phạm tội thì người dân dù có bị vòi vĩnh, đòi hối lộ cũng không muốn tố cáo.

T.Dương