TP Hồ Chí Minh tổng kết thí điểm chế định Thừa phát lại
Ngày 3/8, UBND TP HCM đã tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP HCM qua 5 năm triển khai thực hiện.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh, thành phố vinh dự là địa phương đầu tiên được Trung ương tin tưởng giao thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và đã cho thấy bước đầu chủ trương xã hội hóa hoạt động tư pháp này đã đi được vào đời sống xã hội; giúp giảm tải áp lực công việc hiện nay đối với các ngành tòa án, thi hành án…
Báo cáo kết quả 5 năm thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn, ông Huỳnh Văn Hạnh- Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM cho biết, hiện nay thành phố đã có 11 văn phòng Thừa phát lại đang hoạt động, với tổng số 46 Thừa phát lại hành nghề, 76 thư ký nghiệp vụ và 75 nhân viên khác. Trong số này, có 7 văn phòng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và 4 văn phòng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Dù số lượng các văn phòng còn khiêm tốn nhưng tính đến nay đã ký hợp đồng tống đạt văn bản với tất cả 25 tòa án, với tổng cộng trên 500 ngàn văn bản được tống đạt (trung bình hơn 100 ngàn văn bản/năm), với tổng chi phí tống đạt là trên 34,7 tỷ đồng. Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, áp lực công việc đối với Thừa phát lại sẽ còn tiếp tục tăng lên trong năm nay, dự báo vượt ngưỡng 200 ngàn văn bản được tống đạt đến cuối năm nay.
“Tính đến nay thì số lượng thực hiện tống đạt văn bản của riêng ngành tòa án đã trên 378 ngàn văn bản; ngành thi hành án là trên 122,6 ngàn văn bản. Các số liệu về tống đạt văn bản kể từ khi bắt đầu thực hiện thí điểm đến nay đã cho thấy số lượng việc, cũng như doanh thu từ tống đạt có sự gia tăng đáng kể theo từng năm- Theo tôi thì xu hướng này cho thấy thừa phát lại đang khẳng định là một nghề phù hợp và cần thiết cho xã hội và cho hoạt động tư pháp, được người dân ủng hộ” - ông Hạnh cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng khẳng định, thí điểm Thừa phát lại là chủ trương lớn của Đảng gắn với chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Thành công trong thí điểm chế định này của TP.HCM cho thấy nhiều kỳ vọng cho chủ trương xã hội hóa hoạt động tư pháp. Theo Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, “Tính đến thời điểm này có thể khẳng định Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí trong xã hội”.