Điều trị và chăm sóc toàn diện bệnh nhân, tại sao không?
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) một trong những biện pháp để làm hài lòng người bệnh là phải tiến tới cung cấp được cho người bệnh dịch vụ y tế toàn diện cả điều trị và chăm sóc họ đến nơi đến chốn. Thực tế này đã và đang hình thành và làm rất tốt ở một số bệnh viện (BV) tư. Trong số các BV công thì BV Lão khoa Trung ương đang lên kế hoạch thực hiện ý tưởng này.
Chăm sóc toàn diện ở khoa Hồi sức tích cực, BV Lão khoa Trung ương.
Ảnh: Trần Ngọc Kha
Sáng qua (3/8) chúng tôi chứng kiến cảnh các điều dưỡng ở đây làm tất tần tật các việc, từ chuyện thay ga trải giường, vệ sinh thân thể người bệnh đến bón từng thìa cháo, miếng nước cho họ. Người nhà bệnh nhân chỉ được vào thăm có giờ và chỉ được thăm theo đúng nghĩa của từ này, chứ không được/phải làm gì khác. Mỗi tầng nhà điều trị đều có nhân viên bảo vệ đứng gác, kiểm soát nghiêm ngặt khách ra vào, lên xuống các tầng nhà, khoa phòng. Nói chung, theo bác sĩ, họ quay như chong chóng suốt ngày mà không hết việc.
Tôi hỏi một điều dưỡng viên tốt nghiệp đại học điều dưỡng, làm ở đây hơn 2 năm nay về thu nhập, cô ngập ngừng: Khoảng từ 3-4 triệu đồng/tháng (!?). Với những ai đang thất nghiệp thì có thể đó là niềm mơ ước cháy bỏng, còn với những ai đang thích nhảy việc thì, con số này quả là đáng cho họ và chúng ta phải suy nghĩ.
Trở lại với chủ trương điều trị, chăm sóc người bệnh toàn diện đang được lên kế hoạch triển khai tại đây, sáng qua, trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc cho biết: “Có sự băn khoăn, lo lắng, tâm tư của các anh chị em khi chủ trương này được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, phải khẳng định đây là định hướng đúng và tất yếu nếu thực sự chúng ta quan tâm đến người bệnh, muốn làm hài lòng họ”.
Không tâm tư sao được khi hiện nay, trong BV, có bệnh nhân thuê người giúp việc đến 9 triệu đồng? Kể cả mai kia, thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện như thế này, liệu thu nhập trung bình của cán bộ, nhân viên ở đây có được đến mức này không? Tất nhiên, không phải người bệnh nào cũng có khả năng chi trả công cho người giúp việc như vậy, nhưng, ngay như người viết bài này cũng đã từng có lúc phải nghỉ việc đi chăm người ốm. Nghỉ việc tức cũng “nghỉ” luôn cả thu nhập của chính mình.
Mà khi nhà có người ốm phải đi nằm viện thì đâu chỉ có một người mà có khi có đến 3-4 người cùng đi theo trông nom, chăm sóc. Tiêu tốn xã hội là ở đó, chứ đâu riêng gì 9 triệu đồng cho cô “ôsin” kia. Tức là kiểu gì xã hội cũng phải tiêu tốn cùng BV để chăm sóc người bệnh. Đã vậy, hầu hết những người nhà bệnh nhân hay người giúp việc kia đều không rành về chuyên môn y tế, để mà chăm sóc người bệnh theo đúng yêu cầu.
Hệ lụy của vấn đề còn ở chỗ, sự hiện diện của họ tại đây không những đem bệnh khác đến cho người bệnh mà còn có nguy cơ lây bệnh lúc nào không biết. Vì thế, trước những tâm tư nói trên của các điều dưỡng viên ở đây, đòi hỏi mỗi người chúng ta trong xã hội phải suy nghĩ làm sao để chung tay cùng các thầy thuốc có thể làm hết chức phận người mẹ hiền?
Câu hỏi nói trên phần nào được giải đáp từ chính chị Ngọc khi được hỏi về giải pháp tiến hành. Theo chị, các công đoạn điều dưỡng, hộ lý cho một ca bệnh phải được tính đúng, tính đủ trong BHYT để BV có cơ sở cân đối thu chi cho hoạt động này - điều chưa có tiền lệ trong ngành y tế. Từng động tác một trong ca điều trị như thay ga, tắm gội, vệ sinh người bệnh… đến tiêu hao vật tư bỉm, chất tẩy rửa, thuốc đánh răng… tất tật phải được các cơ quan chức năng tính toán bù đắp chi phí.
Nghe đến đây, tôi chợt giật mình. Những phần việc tưởng như hiển nhiên, tất yếu mà các “nhà thương” theo nghĩa xưa, BV theo nghĩa hiện nay phải làm, vậy mà nay chúng còn mới đang được chúng ta bàn (!?). Mới hay, lối mòn tư duy thời bao cấp bao nhiêu năm nay còn ăn đậm, in sâu trong mỗi người chúng ta quá. Cảm giác của tôi lúc này giống như khi ngành y tế dấy lên phong trào đổi mới thái độ, tác phong làm hài lòng người bệnh. Chẳng lẽ nay chúng ta cứ phải phấn đấu để đạt tới những điều đáng lẽ phải là tất yếu?