Khủng hoảng di cư ở Calais: Cơn đau đầu của Thủ tướng Anh
Trong khi cuộc khủng hoảng di cư ở cảng Calais vẫn tiếp diễn khi đoàn người nhập cư trái phép tìm cách tràn vào nước Anh thông qua đường hầm Chanel xuyên eo biển Manche, thì Thủ tướng Anh David Cameron phải đối mặt với cơn ác mộng: Làn sóng tẩy chay tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) gia tăng.
Khủng hoảng nhập cư ở cảng Calais được xem là cơn ác mộng
của Thủ tướng Anh David Cameron.
(Nguồn: Ibtimes)
Vấn đề chính trị
Hiện nay, ngay trong nội bộ Đảng Bảo thủ của ông Cameron cũng đang chia rẽ vì vấn đề châu Âu, với một số nhỏ các thành viên ủng hộ đề xuất nước Anh từ bỏ tư cách thành viên EU. Đây là vấn đề vốn gây chia rẽ kể từ khi Đảng Bảo thủ bắt đầu nắm giữ quyền lực từ cuối những năm 1990. Vấn đề này chính là nguyên nhân thất bại của Đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 1997.
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra hồi tháng Năm vừa qua, Thủ tướng David Cameron trong một động thái nhằm ngăn chặn làn sóng chống EU mà Đảng UKIP chủ trương, đã hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để lựa chọn giữa giữ và từ bỏ tư cách thành viên EU của nước Anh.
Cuộc khủng hoảng di cư ở cảng Calais của nước Pháp hiện đã biến thành một vấn đề chính trị to lớn đối với ông Cameron trong bối cảnh người dân Anh tỏ rõ sự phẫn nộ đối với Chính phủ về vấn đề nhập cư. Trong nhiều tuần qua, các tuyến đường chính xung quanh khu vực cảng Dover của nước này gần như bị phong tỏa, hàng dài xe tải phải xếp hàng chờ nhiều ngày mới có thể đi qua đường hầm Channel thông sang Pháp.
Con đường M20 của nước Anh vốn chỉ phục vụ xe gắn máy giờ đã được dọn dẹp để phục vụ xe tải. Chính phủ Anh dự kiến còn phối hợp với sân bay Manston ở Ramsgate để sử dụng đường băng của sân bay này như một chỗ đậu xe tải bị trễ chuyến do dòng người di cư trái phép.
Người dân phẫn nộ vì khủng hoảng di cư
Người dân xung quanh khu vực Dover của Anh ngày càng tỏ rõ sự bất bình do tình trạng giao thông tắc nghẽn kéo dài, chủ yếu do người di cư trái phép tìm cách băng qua đường hầm Channel, khiến Hãng Eurotunnel phải ngừng mọi hoạt động dịch vụ.
Xét rộng hơn, ở nước Anh, dư luận dường như phản đối việc Chính phủ cho phép người di cư tràn vào nước này. Trong một hiệp ước đặc biệt mà London ký kết với Paris – còn gọi là Hiệp ước Sangatte and Le Touquet – Cơ quan chuyên trách quản lý biên giới của Anh sẽ xử lý các trường hợp xin nhập cư trên đất Pháp. Điều này có nghĩa là, khi người di cư bị từ chối nhập cư vào Anh bằng đường tàu hỏa hoặc phà, họ sẽ bị mắc kẹt ở nước Pháp.
Đây chính là lý do mà rất nhiều người di cư trái phép tụ tập ở các khu chất hàng tại Coquelles, gần cảng Calais của Pháp, nơi họ tận dụng mọi sơ hở và tìm mọi cách để băng qua hàng rào an ninh vào nước Anh. Những người di cư trái phép thường sử dụng chiến thuật “biển người” để gây lúng túng cho lực lượng chức năng, khiến giao thông hỗn loạn ở cả hai phía của đường hầm Channel.
Ở Pháp, một số chính trị gia đã bắt đầu kêu gọi Chính phủ phá bỏ Hiệp ước với Anh và cho phép người di cư tự do băng qua đường hầm Channel, đến cảng Dover của Anh – nơi cũng chứng kiến sự phẫn nộ không kém của cộng đồng.
Cuộc khủng hoảng ở Calais rõ ràng là một vấn đề lớn đối với Thủ tướng Cameron trong lúc ông đang phải đàm phán lại về tư cách thành viên EU của Anh, nhằm giữ Anh trong khối này. Ông Cameron dự kiến sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trong năm tới. Trước đó ông Cameron từng nói rằng sẽ tổ chức trưng cầu vào cuối năm 2017, nhưng lại buộc phải tổ chức sớm hơn bởi muốn tránh trùng với cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2017.
Nếu như những nhân tố phản đối Anh ở lại EU tiếp tục trỗi dậy nhờ tận dụng cuộc khủng hoảng ở Calais, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến chiến dịch của ông Cameron trong việc giữ Anh trong khối EU.