Thanh Hóa: Mưa lũ làm hai người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị ngập trong lũ.
Mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn sông Mã đổ về, ngoài Quan Hóa, các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy tiếp tục ngập lụt. Đã có 2 người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà của đồng bào bị hư hỏng và ngập trong nước, các tuyến đường sạt lỡ khiến gia thông bị cô lập tại các huyện miền núi Thanh Hóa.
Theo thông tin từ Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đến trưa nay 4-8, lũ lụt đã mở rộng ra nhiều xã ven sông Mã của các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Cho đến cuối buổi chiều ngày hôm nay 04-8, đã có một người mất tịc là anh Phạm Văn Giang (SN 1995), trú ở xã Điền Hạ, huyện Bá Thước bị lũ cuốn trôi khi đi qua tràn Khéo, thuộc xã Lương Trung. Tại Bá Thước, chính quyền địa phương và công nhân Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 cũng phối hợp và vớt xác một người đàn ông (chưa rõ danh tính) trôi dạt trên sông Mã thuộc hồ thủy điện, xã Điền Lư.
Trước đó, chiều 3-8, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các huyện tổ chức sơ tán 112 hộ dân sống dọc sông Mã đến nơi an toàn (Quan Hóa 92 hộ, Bá Thước 5 hộ, Cầm Thủy 15 hộ). Trước tình hình mưa lũ và phân tích những nguy cơ trong thời gian tới, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thị xã, thành phố và các ngành: Phải tố chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cảnh báo dân cư sống ở các vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp biết thông tin để chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ có thể xảy ra. Vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét phải rà soát và chủ động sơ tán dân, đảm bảo an toàn. Tại tuyến Quốc lộ 15C đoạn qua xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát bị sạt lở 3 đoạn, với khoảng 2.000 m3 đất đá sạt lở, gây chia cắt giao thông. Quốc lộ 15A từ thị trấn Cành Nàng đi xã Thiết Ống và nhiều tuyến đường của huyện Bá Thước bị ngập sâu trong nước. Một cầu treo phục vụ thi công Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa cũng bị nước lũ cuốn trôi. Hàng chục ngôi nhà, hàng trăm héc ta lúa, hoa màu của người dân các địa phương nói trên cũng bị ngập trong nước lũ.
Các địa phương phải bố trí lực lượng để cảnh báo và hướng dẫn giao thông qua các đoạn đường có nguy cơ ngập lụt, tràn ngầm qua suối, bến đò ngang; chỉ đạo vận hành các hồ chứa, chủ động xả nước còn 70% dung tích để đón lũ, có phương án đảm bảo cho công trình và hạ du. Đối với các hồ chứa không đảm bảm an toàn, tuyệt đối không được tích nước
Các huyện có đê tăng cường kiểm tra các hệ thống đê điều, chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt là các cống dưới đê, các trọng điểm xung yếu, các tuyến đê đang thi công dở dang; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sang hộ đê khi xảy ra sự cố. Các địa phương phải thực hiện tuần tra, canh gác và hộ đê theo quy định; kiểm tra, rà soát và có phương án tiêu nước đệm, tiêu úng cho vùng trũng thấp, giải tỏa ách tắc lòng sông và các trục tiêu để bảo đảm tiêu úng và thoát lũ; có biện pháp bảo vệ diện tích lúa và hoa màu; đồng thời chủ động vận hành ngay các trạm bơm tiêu khi có mưa lớn.
Ngành Điện lực ưu tiên cấp điện cho tất cả các trạm bơm tiêu, cống tiêu.
Các địa phương ven biển chú ý thông báo kịp thời diễn biến sóng, gió cho các chủ tàu thuyền biết để tránh chú kịp thời.
Một số hình ảnh PV tổng hợp tại các huyện miền núi Thanh Hóa bị ngập lụt.