Cơ quan chủ quản 'cứu' NXB vào giờ chót
Không đáp ứng đủ tiêu chí, nhưng vào giờ chót, một số NXB đã được cơ quan chủ quản “cứu” bằng cách bơm cho đủ số vốn 5 tỷ đồng. So với các NXB liệt vào diện có nguy cơ giải thể, những NXB thuộc các trường ĐH có may mắn hơn. Một băn khoăn được đặt ra, nếu như trước đó, nhiều đơn vị chủ quản quan tâm hơn nữa đến hoạt động của các NXB, hẳn những lộn xộn trong công tác quản lý xuất bản lâu nay đã được siết ngay từ khâu đầu.
Độc giả trong ngày hội sách.
PGS.TS Đinh Trí Dũng, Giám đốc NXB ĐH Vinh chia sẻ, thực ra những NXB thuộc các trường ĐH có những cái lợi nhất định. Chẳng hạn NXB ĐH Vinh hiện có 50% doanh thu từ việc in ấn, xuất bản giáo trình. Nguồn kinh phí này ổn định qua nhiều năm. Nhưng cái khó lớn nhất của NXB các trường ĐH hiện nay là khan hiếm bản thảo, bởi có ít người tham gia viết.
Thứ hai, cơ chế tự chủ của các NXB thuộc trường ĐH hiện cũng có phần hạn chế. Mọi việc đều phải nằm trong một kế hoạch cụ thể. Thế nên việc mở rộng các lĩnh vực sách, tìm ra sự đa dạng là rất khó. Cùng với đó, việc phát hành giáo trình cũng chỉ gói gọn trong phạm vi nhà trường. NXB ĐH Vinh đã thử phát hành giáo trình rộng rãi, nhưng kết quả không được khả quan cho lắm. Thành ra, để đảm bảo tiêu chí về kinh phí theo tinh thần Nghị định 195/2013/ NĐ- TTg là hết sức khó khăn. Đây cũng là khó khăn lớn nhất không riêng với một NXB nào.
Với đặc thù là NXB trực thuộc trường ĐH, theo ông Dũng, chủ trương xã hội hóa vẫn chưa đặt ra được. Theo ông, cơ chế hoạt động của NXB ĐH Vinh chẳng hạn, chỉ nên xem là một đơn vị sự nghiệp có thu. Như vậy sẽ phù hợp hơn.Vậy NXB ĐH Vinh liệu có cách gì thoát ra khỏi nhóm 39 NXB đang có nguy cơ giải thể cao? Theo ông Dũng, vấn đề diện tích trụ sở chắc không quá khó. Tiếp đó, nếu một năm NXB được đầu tư in khoảng 50 đầu sách giáo trình thì tiêu chí 5 tỷ đồng có thể đáp ứng được. Vì doanh thu từ việc in 50 đầu sách giáo trình cũng đã được khoảng 3 tỷ đồng.
Cùng với đó, nguồn thu hàng năm 50% từ việc in các giáo trình theo nhiệm vụ, thì NXB cũng sống khỏe. Từ khi thành lập vào năm 2011 đến nay, NXB ĐH Vinh cũng chưa hề bị xử lý vi phạm. Từ kinh nghiệm của đơn vị mình: làm đúng chức năng nhiệm vụ của NXB, theo ông Dũng con đường phát triển của các NXB trực thuộc các trường ĐH cũng không đến nỗi.
Tất nhiên, ông Dũng cũng khẳng định, nếu cứ áp tiêu chí hoạt động của các NXB như hiện nay, thì rất nhiều đơn vị không đạt. Chẳng hạn việc qui định diện tích trụ sở trên 200m2 trở lên, thì NXB ĐH Vinh cũng chưa đạt yêu cầu, bởi NXB này chỉ đạt 150 m2. Trước những nguy cơ bị xóa sổ, ĐH Vinh đang hứa sẽ xem xét để sớm có có những giải pháp nhằm đảm bảo cho sự hoạt động của NXB của trường.
Tương tự như vậy, trước thời điểm 30/7/2015 NXB ĐH Huế hiện còn thiếu 2 tiêu chí (trong tổng số 5 tiêu chí). Ông Nguyễn Thanh Hà- Giám đốc NXB ĐH Huế cho hay, từ 1 – 8 vừa qua, ĐH Huế đã bổ sung cho NXB 5 tỷ để đáp ứng nhu cầu về vốn. Về đội ngũ nhân lực, NXB cũng đã có phương án trình bày với Cục Xuất bản, In và phát hành là cuối tháng 8 này, NXB sẽ cử cán bộ đi học để đảm bảo tiêu chí có 5 biên tập viên có chứng chỉ hành nghề. Như vậy, tính đến thời điểm này NXB ĐH Huế đã bổ sung nốt 2 tiêu chí còn thiếu để đảm bảo các yêu cầu hoạt động theo Luật Xuất bản.
Cũng giống như tình cảnh của NXB ĐH Vinh, xuất bản phẩm của NXB ĐH Huế không thể phong phú và đa dạng, mà chỉ là các giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ việc dạy và học của nhà trường. Vì thế, nguồn vốn đảm bảo theo đúng qui định thì có, nhưng đòi hỏi phải đạt doanh thu cao, thì quá khó.
Theo chia sẻ của đại diện các NXB thuộc các trường ĐH, từ trước tới nay, các NXB trực thuộc các trường ĐH cũng chưa thực sự được quan tâm nhiều. Chỉ sau khi có cú hích Nghị định 195 của Chính phủ, các đơn vị như NXB ĐH Huế chẳng hạn mới được cơ quan chủ quản quan tâm hơn. Cũng là nhằm để đáp ứng các tiêu chí còn thiếu trước thời hạn 31/8. Được biết, trước những để xuất của NXB ĐH Huế, nhà trường đã phải tổ chức nhiều phiên họp để giải quyết các vướng mắc. Sau đó, đơn vị chủ quản đã tạo điều kiện cho NXB hoạt động.
Âu cũng là điều may và mừng cho NXB ĐH Huế. Nhưng số lượng các NXB được “cứu” để đáp ứng đủ các tiêu chí: có nguồn tài chính để hoạt động; đảm bảo chức danh lãnh đạo NXB; số lượng BTV hữu cơ hơn 5 người trở lên; diện tích trụ sở phải từ 200 m2 trở lên; có đủ trang thiết bị để tổ chức xuất bản hiện không nhiều. Trong khi các NXB của các cơ quan nhà nước tồn tại như một cái vỏ đã quá lâu, gây nhiều hệ lụy cho thị trường xuất bản, thì việc làm trong sạch thị trường xuất bản, góp phần nâng cao văn hóa đọc là thực sự là yêu cầu cần thiết.