GS Hoàng Tụy: Kỳ thi THPT Quốc gia đã thành công bước đầu
"Tôi nghĩ Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 diễn ra suôn sẻ là một thắng lợi đáng kể bước đầu của ngành giáo dục. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cần chú ý đến những vướng mắc, thiếu sót trong quá trình thực hiện để tìm cách khắc phục, cải tiến", GS Hoàng Tụy nhận xét.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký vào Học viện Ngân hàng.
Ảnh: VNE
Đã bước sang tuổi 88 nhưng GS Hoàng Tụy, học giả hàng đầu của nền khoa học giáo dục Việt Nam vẫn luôn tâm huyết, trăn trở với nền giáo dục nước nhà. Đánh giá về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, ông khẳng định đây là thắng lợi bước đầu của Bộ GD&ĐT trong cải cách giáo dục. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. PV Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với GS Hoàng Tụy để làm rõ hơn về nhận định này.
PV: Thưa GS, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. GS nhận định như thế nào về những thay đổi của kỳ thi này?
- GS Hoàng Tụy: Muốn đánh giá về kỳ thi năm nay, trước hết chúng ta phải nhìn lại cách thi và mùa thi những năm trước. Suốt một thời gian dài, chúng ta đã quá quen với hình ảnh người người đi thi, nhà nhà đi thi, cả nước đi thi khi mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT và thi đại học đến. Cách thi ấy không tiêu cực chỗ này thì chỗ khác… Trên thế giới không ai thi như vậy.
Giảm tiêu cực thi cử cũng cần nhưng chưa đủ, phải xem thay đổi bản chất của kỳ thi. Về nguyên tắc, sau THCS trở đi, mỗi cấp học đều phải đào tạo chuyên (ở mức độ thích hợp) một hoặc một vài ngành nghề hay lĩnh vực. Một số học phần học sinh phải nắm vững khi ra trường, bởi vậy học xong sẽ thi ngay, cuối cấp không thi lại nữa. Nói “có học có thi” phải hiểu là như vậy, không phải học môn gì thì cuối cấp phải thi lại hết. Giống như trong một nhà máy làm ra một sản phẩm gồm nhiều bộ phận, chi tiết riêng rẽ (môđun) lắp ghép lại thì từng môđun phải được kiểm tra kỹ chất lượng ngay khi sản xuất; đến khi có thành phẩm cuối cùng, nếu có kiểm tra thì chỉ kiểm tra chất lượng lắp ráp, không ai lại lôi từng môđun ra kiểm tra chất lượng.
Do đó, để kiểm tra chất lượng “thành phẩm” cuối cùng đó, kỳ thi tốt nghiệp chỉ cần tổ chức một kỳ thi nhẹ nhàng hoặc làm một tiểu luận với mục đích chủ yếu để kiểm tra trình độ tổng hợp (giống như kiểm tra chất lượng lắp ráp các môđun). Như vậy không phải là bỏ thi như một số người hiểu lầm mà là thay kiểu thi tốt nghiệp nặng nề cũ bằng một cách thi khác, hiệu quả và ít tốn kém hơn.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 với hình thức thi cử mới, xét tốt nghiệp có đánh giá cả quá trình học tập của thí sinh ở bậc THPT thể hiện được sự đánh giá toàn diện. Với hình thức thi 3 môn chính Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn tự chọn là rất đúng đắn, tạo điều kiện cho thí sinh phát huy được năng lực và sở trường của mình. Cách thi này phù hợp với tính chất của bậc học THPT, tránh được rủi ro “học tài thi phận”, tránh được các tiêu cực thường xảy ra trong các kỳ thi tốt nghiệp kiểu cũ, đồng thời cung cấp thông tin để các trường đại học dựa vào đó tuyển sinh.
Những thay đổi đó sẽ có tác động như thế nào đến ngành giáo dục, thưa GS?
- Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 đang là vấn đề thời sự được xã hội quan tâm. Trong Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, cải cách thi cử là khâu đột phá của cải cách, một khâu cực kỳ quan trọng. Thay đổi khâu đó sẽ tác động đến việc giảng dạy, học tập và mở đường cho những cải cách về chương trình, sách giáo khoa. Tôi nghĩ Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 diễn ra suôn sẻ là một thắng lợi đáng kể bước đầu của ngành giáo dục. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cần chú ý đến những vướng mắc, thiếu sót trong quá trình thực hiện để tìm cách khắc phục, cải tiến.
Nhìn vào phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, GS đánh giá thế nào?
- Phổ điểm đó phù hợp với thực tế, số học sinh xuất sắc không nhiều. Qua phân tích phổ điểm của kỳ thi, các trường phổ thông sẽ thấy được chất lượng giảng dạy của mình như thế nào, thấy được những vấn đề gì cần chú ý để cải tiến trong giảng dạy. Điều đó cũng giúp cho việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa. Đó cũng là ưu điểm của kỳ thi này.
Theo GS, thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như vừa qua có hợp lý?
- Theo tôi thời gian thi nên tổ chức vào tháng 5, tháng 6 chứ không nên kéo dài sang tháng 7.
Việc chia ra hai cụm thi riêng rẽ là cụm thi địa phương và cụm thi đại học có ý nghĩa gì trong việc nâng cao chất lượng đầu vào đại học?
- Người ta thường lo có sự chênh lệch giữa cụm thi địa phương và cụm thi quốc gia do trường đại học chủ trì. Tôi nghĩ đó chỉ là thành kiến. Trên thực tế nếu tổ chức thi nghiêm túc cùng một đề, cùng một cách thức coi thi, chấm thi thì thi ở đâu cũng như nhau.
Đây là một việc rất khó, chúng ta phải làm thật tốt để hướng tới sự công bằng cho tất cả các thí sinh.
Vậy theo GS, sau kỳ thi này, việc tiếp theo cần làm sẽ là gì?
- Trước hết, Bộ cần lắng nghe ý kiến của dư luận về các hạn chế và thiếu sót của kỳ thi đổi mới để rút kinh nghiệm, năm sau có một kỳ thi càng tốt hơn nữa.
Thứ hai, sau thành công đổi mới thi cử điều xã hội đang mong và kỳ vọng là đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Khâu này sẽ động chạm rất nhiều vấn đề về tư duy, quan niệm, cách làm, tất cả đều cần suy nghĩ đổi mới.
Theo tôi biết, Bộ GD&ĐT đang tích cực chuẩn bị nhưng Bộ nên có những hình thức động viên, khuyến khích các nhà giáo và nhà khoa học tham gia phát biểu, góp ý kiến trong quá trình chuẩn bị. Việc này cần thiết, thậm chí là rất quan trọng. Chẳng hạn vừa rồi tôi có được đọc bộ sách về văn (đến lớp 6) của nhóm Cánh Buồm, gợi ra rất nhiều vấn đề hay và lý thú, bổ ích.
Trân trọng cảm ơn GS!