Loạn mỹ phẩm
Theo quy định hiện nay, mỹ phẩm nước ngoài sản xuất, nhập khẩu phải được Cục Quản lý Dược cấp phép, còn mỹ phẩm sản xuất trong nước thì đăng ký kinh doanh qua Sở Kế hoạch đầu tư hoặc các quận huyện một cách đơn giản. Sau đó tự công bố sản phẩm rồi đăng ký ở ngành y tế để đưa ra thị trường.
Hà Nội tiêu thụ 47% mỹ phẩm giả
Dạo quanh thị trường Hà Nội, dễ nhận thấy, một trong những mặt hàng phong phú nhất về chủng loại, mẫu mã, giá cả chính là mỹ phẩm. Có một điều lạ là, mặc dù không có các chuyên gia về lĩnh vực làm đẹp, không có các thiết bị, máy móc soi da, chỉ có duy nhất người bán hàng, song những cửa hàng mỹ phẩm dọc trên các tuyến phố của Hà Nội như Khâm Thiên, Hàng Ngang, Hàng Đào, Gia Ngư... khách hàng luôn tấp nập ra vào chọn mua mỹ phẩm. Lý do rất đơn giản là bởi, giá các loại mỹ phẩm ở đây giá cực rẻ.
Tương tự, nếu gõ chữ “mỹ phẩm xách tay” trên google, lập tức hàng loạt các trang bán hàng mỹ phẩm online hiện ra, người mua có thể dễ dàng mua được bất kỳ một sản phẩm nào, từ sữa tắm, kem dưỡng da, sữa rửa mặt, nước hoa hồng… và được dịch vụ đưa đến tận nhà với giá vô cùng mềm. Chỉ từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng là khách hàng đã có thể sở hữu một sản phẩm của những hãng mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ… Tuy nhiên, mức độ thật giả của các sản phẩm đó đến đâu, thì thật khó đoán định.
Chị Nguyễn Minh Tâm, Quận Hoàn Kiếm – Hà Nội chuyên sử dụng sản phẩm của hãng Shishedo cho biết, chị không dám mua mỹ phẩm qua mạng vì không có một cơ sở nào đảm bảo đó là hàng thật. “Tôi thường nhờ một người bạn ở Nhật Bản gửi các sản phẩm của hãng Shishedo về sử dụng. Nếu sử dụng phải hàng giả, hàng nhái, thực sự là nguy hiểm đối với sức khỏe con người, nếu dùng phải hàng giả, có khi tiền mất, tật mang” – chị Tâm chia sẻ.
Một khảo sát gần đây của Công ty Nielsen và Tổ đặc trách quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cho biết, 47% mỹ phẩm ở Hà Nội là mỹ phẩm giả. Đặc điểm chung của các sản phẩm này là đều rất rẻ, thậm chí được khuyến mãi tới 50 -60%...
Không chỉ ở Hà Nội, tại nhiều địa phương mỹ phẩm giả cũng đang làm mưa làm gió. Tại TP Hồ Chí Minh, trung tuần tháng 7 vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) phối hợp với lực lượng PC46 - Công an TP. Hồ Chí Minh cùng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan phía Nam đã phát hiện và bắt giữ hàng chục tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với các sản phẩm chuyên làm đẹp như: chất tẩy trắng da, kem dưỡng da các loại, viên giảm béo…
Tại Bắc Giang, liên tiếp trong tháng 7 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã phát hiện và bắt giữ hàng loạt đối tượng vận chuyển và chứa mỹ phẩm giả. Cụ thể, ngày 16/7, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ một đối tượng đang vận chuyển 1.600 hộp mỹ phẩm không nhãn mác, không nguồn gốc, xuất xứ. Liền sau đó, ngày 17/7, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện đối tượng vận chuyển hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ.
Lỗ hổng quản lý
Trên thực tế, cơ quan quản lý đã hết sức nỗ lực vào cuộc, thậm chí đã có Ban chỉ đạo quốc gia chuyên đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái được thành lập, song dường như, vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn chưa được xử lý một cách triệt để. Người tiêu dùng, vẫn phải đối diện với nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đáng chú ý, ngày 14/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã phát động đợt cao điểm chống dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả. Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn chen chân vào thị trường với số lượng không nhỏ.
Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ mỹ phẩm giả vẫn tràn lan thị trường là bởi trong quy định của pháp luật hiện đang tồn tại lỗ hổng. Cụ thể, theo quy định hiện nay, mỹ phẩm nước ngoài sản xuất, nhập khẩu phải được Cục Quản lý Dược cấp phép, còn mỹ phẩm sản xuất trong nước thì đăng ký kinh doanh qua Sở Kế hoạch đầu tư hoặc các quận huyện một cách đơn giản. Sau đó tự công bố sản phẩm rồi đăng ký ở ngành y tế để đưa ra thị trường.
Điều này cũng có nghĩa, không hề có một khâu hậu kiểm (khảo sát, kiểm định chất lượng…) đối với các sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước của cơ quan chức năng. Đây chính là kẽ hở khiến cho các đối tượng lợi dụng sản xuất hàng kém chất lượng ngay ở trong nước rồi tuồn ra thị trường. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt cũng còn nhẹ tay nên cũng không đủ sức răn đe.
Theo Luật sư Lê Xuân Lộc, Giám đốc Công ty Luật T&G, tình trạng hàng giả hàng nhái tràn lan trên thị trường hiện nay là rất nhức nhối.
Luật sư Lộc cho rằng, ngoài việc “bít” các kẽ hở trong quy định của pháp luật, các chế tài xử lý cũng cần mạnh tay hơn mới có đủ sức răn đe, mới có thể bảo vệ được người tiêu dùng và các DN làm ăn chân chính.
Thông tin từ BCĐ 389 Quốc gia, hiện nay trên thị trường có đến hơn 50% sản phẩm mỹ phẩm đang bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc xử lý, bắt giữ và trên thực tế hàng ngàn tấn mỹ phẩm giả đã được BCĐ 389 các địa phương phanh phui, tuy nhiên, việc bắt giữ, xử lý này cũng chưa thấm vào đâu, bởi lợi nhuận mang lại từ việc làm giả, làm nhái lĩnh vực này quá lớn. Bởi vậy, theo giới luật sư, khi mà kẽ hở pháp luật chưa được “vá” lại, thì chắc chắn vấn nạn mỹ phẩm giả vẫn còn nhiều đất sống.
Đình chỉ lưu hành gần 2.100 loại mỹ phẩm Việc đình chỉ lưu hành số mỹ phẩm nói trên đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế thông báo và đưa ra lộ trình thực hiện 4 tháng qua, kể từ khi phát hành Công văn 6577 ngày 13/4/2015 mà theo đó, các sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa các dẫn chất paraben: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben, Pentylparaben chỉ được phép lưu hành đến hết ngày 30/7. Trước đó, từ ngày 2/9/2003, các nước trong khối ASEAN, trong đó có Việt Nam thực hiện Hiệp định Hoà hợp mỹ phẩm ASEAN, mà mấu chốt căn bản vẫn là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Các DN phải chịu trách nhiệm công bố sản phẩm ra thị trường, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra các sản phẩm này. Đến ngày 1/1/2008 Hiệp định mới bắt đầu có hiệu lực thi hành. Paraben là chất bảo quản, được sử dụng rất rộng rãi từ năm 2011, có tới 22.000 sản phẩm có chất này. Đây là tất cả các loại paraben nói chung chứ không riêng gì 5 dẫn chất paraben nói trên. Việc thu hồi nói trên được Cục Quản lý dược phối hợp với các sở y tế địa phương và các cơ quan chức năng liên quan công an, hải quan, quản lý thị trường thực hiện. Trần Ngọc Kha |