Cũ và mới

Thảo Nguyên 06/08/2015 10:00

Vở ballet kinh điển Hồ Thiên Nga vừa tới Hà Nội, được làm mới nhờ công nghệ 3D, dù đã kết thúc vẫn để lại nhiều dư âm trong lòng khán giả. Sở dĩ Hồ Thiên Nga nhận được nhiều sự quan tâm cũng bởi đây là vở diễn được đầu tư kinh phí khủng tới hàng triệu USD chỉ cho một đêm diễn duy nhất; giá vé xem kịch cũng không hề rẻ, nghe nói mức cao nhất ngót nghét cả chục triệu/ cặp. Không ít người trong số khán giả xem Hồ Thiên Nga 3D hôm rồi là những người đã từng học tập ở Nga, yêu và hiểu về văn hóa Nga.

Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Sở dĩ Hồ Thiên Nga nhận được nhiều sự quan tâm cũng bởi đây là vở diễn được đầu tư kinh phí khủng tới hàng triệu USD chỉ cho một đêm diễn duy nhất; giá vé xem kịch cũng không hề rẻ, nghe nói mức cao nhất ngót nghét cả chục triệu/ cặp. Không ít người trong số khán giả xem Hồ Thiên Nga 3D hôm rồi là những người đã từng học tập ở Nga, yêu và hiểu về văn hóa Nga.

Theo TS Nguyễn Thị Minh Thái, nếu tiếp xúc theo cách truyền thông đa phương tiện và hiện đại, cũng như chấp nhận được cách dàn dựng mới- thì đây là một vở ballet hoàn hảo cho nhu cầu nghe- nhìn của công chúng Việt, nhất là cho khán giả trẻ Hà Nội mới xem Hồ Thiên Nga lần đầu. Còn với những người đã xem và đã yêu vở ballet Hồ Thiên Nga kinh điển rồi, thì sự hỗ trợ của công nghệ 3D mang tới sự lạ hóa. Điều đó tạo ra sự phấn khích với người xem.

Ngay cả với người dân Matxcơva, việc được bước chân vào Nhà hát Lớn nước họ để được xem trình diễn ballet Hồ Thiên Nga cũng vẫn là một khát khao, mơ ước lớn. Vì thế mà việc có không ít người Việt bỏ tiền túi mua vé đi xem Hồ Thiên Nga đã chứng tỏ văn hóa Nga vẫn có sức hút đặc biệt với một bộ phận không nhỏ người Việt.

Nói rộng hơn là những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, luôn chứng tỏ sức sống trường tồn trong mọi hoàn cảnh.

Làm mới Hồ Thiên Nga theo cách của nhà hát ballet Talarium Et Lux danh tiếng đến từ nước Nga, thực chất cũng là một cách bảo tồn di sản, bảo tồn những giá trị Nga cổ điển cho phù hợp với xu thế đương đại. Lại so sánh với vở xiếc Làng tôi của Việt Nam được lưu diễn khắp thế giới trong hơn bốn năm qua, với tổng cộng khoảng 400 suất diễn. Sở dĩ làng tôi đắt khách cũng bởi ở đó có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại; giữa ý tưởng dàn dựng hiện đại với nghệ thuật dân gian- xẩm, ca trù, chèo, tuồng….

Mà dù lưu diễn ở quốc gia nào, thì người ta vẫn nhận ra chất rất Việt Nam. Và điều đó cũng chứng tỏ nếu được đầu tư một cách nghiêm túc, công phu, thì những tác phẩm nghệ thuật “made in Việt Nam” cũng có thừa cơ hội tỏa sáng. Chỉ tiếc số lượng những tác phẩm như vậy chưa nhiều- còn vì nhiều lý do.

Kết hợp giữa cũ và mới có làm giảm những giá trị vốn có không? Hẳn còn tùy vào từng góc nhìn. Nhưng theo TS Tô Duy Hợp, thực ra những giá trị truyền thống được nâng tầm theo cách mà cộng đồng cho là hợp lý thì hoàn toàn chấp nhận được. Hiện tại nhiều làng quê, người ta đang quay lại những giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng truyền thống được hiện đại hóa để thắng cái hiện đại hóa không bản sắc thì chiếm ưu thế hơn. Chẳng hạn như việc thắp hương điện, đốt nến điện ở đình chùa miếu mạo, đọc và học kinh qua băng nhạc… Đó là những cái mới trên nền giá trị cũ.

Thảo Nguyên