Bệnh giun xoắn dễ gây tử vong

BS. Phạm Văn Thân 07/08/2015 09:05

Gần đây, ở thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên (Lai Châu) chuyện cả họ ăn lợn ốm, 2 người chết, 10 người nhiễm bệnh lại tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng người dân ăn thịt lợn sống như tiết canh, nem, gỏi… Đây là bệnh nhiễm giun xoắn (nhiễm liên cầu lợn), làm cho bệnh nhân dễ tử vong do biến chứng suy tim hoặc viêm phổi.

Bệnh giun xoắn dễ gây tử vong

Một số động vật dễ nhiễm giun xoắn

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng có 4 - 5 trường hợp nhiễm liên cầu lợn nhập viện. BS. Nguyễn Trung Cấp cho biết: Giun xoắn là bệnh nặng đặc biệt nguy hiểm, dễ gây tử vong. Người bị nhiễm giun xoắn do ăn phải ấu trùng giun xoắn còn sống trong thịt động vật nấu chưa chín (tiết canh, nem, gỏi…).

Ai dễ bị nhiễm giun xoắn?

Bình thường, khi các động vật ăn cỏ ăn phải cỏ có kén giun xoắn, vào ruột ấu trùng phát triển thành giun xoắn trưởng thành. Các động vật dễ nhiễm giun xoắn là lợn, chó, mèo, chuột, một số loài động vật hoang dã như chó sói, gấu, lợn rừng, linh cẩu, chó rừng…

Người bị nhiễm giun xoắn do ăn tiết canh của động vật hoặc ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ, ấu trùng giun xoắn đóng kén trong thịt động vật vào dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị dạ dày, ấu trùng được thoát ra khỏi kén. Chúng nhanh chóng trưởng thành, chui vào niêm mạc ruột non. Chỉ trong vòng 4-5 ngày, giun cái bắt đầu sinh sản ra các ấu trùng sống, phát tán theo các mạch bạch huyết và máu đi khắp cơ thể. Các ấu trùng tới được cơ vân sẽ phát triển thành kén và sống từ vài tháng tới vài năm. Còn ấu trùng đến các tổ chức khác nhanh chóng bị phá huỷ.

Bệnh giun xoắn dễ gây tử vong - 1

Tiết canh - nguồn lây bệnh nguy hiểm

Dấu hiệu người bị bệnh giun xoắn

Một người từng ăn tiết canh động vật hoặc ăn thịt chưa nấu chín kỹ như thịt tái, sống, nem, gỏi…nếu bị nhiễm giun xoắn sẽ có thời gian ủ bệnh từ 2-7 ngày, có khi dao động từ 12 giờ - 28 ngày kể từ khi ăn thức ăn. Bệnh biểu hiện từ nhẹ không có triệu chứng gì, đến bệnh nặng gây tổn thương nhiều cơ quan và có thể bị tử vong. Các triệu chứng tương ứng các giai đoạn bệnh như sau:

Giai đoạn bệnh ở ruột: Thời gian 1-7 ngày sau khi ăn thức ăn, bệnh nhân bị đi ngoài, đau bụng và mệt mỏi. Có thể buồn nôn và nôn, ít khi thấy táo bón. Sốt, nếu xét nghiệm thấy tăng bạch cầu ái toan và tăng số lượng bạch cầu.

Giai đoạn bệnh ở bắp cơ: Bắt đầu từ cuối tuần đầu và kéo dài khoảng 6 tuần. Các cơ bị giun xoắn xâm nhập có phản ứng viêm mạnh. Bệnh nhân bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, đau cơ và nhạy cảm đau, phù nề và co cứng. Phù mi mắt, phù quanh hốc mắt và phù mặt, vã mồ hôi, sợ ánh sáng và viêm kết mạc, mệt mỏi hoặc nằm liệt. Nuốt đau. Khó thở, ho và khàn tiếng. Xuất huyết dưới kết mạc, võng mạc và móng tay chân, phát ban, có cảm giác kiến bò. Các cơ hay bị giun xoắn ký sinh là cơ nhai, lưỡi, cơ hoành, cơ liên sườn, và các cơ vận nhãn, cơ thanh quản, cơ 2 bên cột sống, cơ cổ, cơ ngực, cơ mông, cơ nhị đầu, cơ dép. Phản ứng viêm xung quanh ấu trùng ở các tổ chức khác có thể gây ra các triệu chứng: viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, viêm phế quản, viêm phổi, viêm thận, đau thần kinh ngoại biên và thần kinh sọ.

Giai đoạn hồi phục: Thường từ tháng thứ hai, nhưng các trường hợp nhiễm giun nặng thì có thể hồi phục sau 3 tháng. Bệnh nhân còn đau cơ âm ỉ và mệt mỏi trong vài tháng nữa, thậm chí có người bị teo cơ vĩnh viễn.

Bệnh giun xoắn có thể gây các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi kẽ tạo u hạt, viêm não và suy tim. Nếu nhiễm giun xoắn nặng, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 2-3 tuần do biến chứng suy tim hoặc viêm phổi.

Phòng bệnh thế nào?

Biện pháp phòng ngừa giun xoắn chủ yếu là: Ăn thịt lợn hay thịt động vật nói chung đã nấu chín kỹ. Không ăn tiết canh lợn hay tiết canh các loại động vật khác. Không ăn thịt tái, thịt chỉ nhúng vào nồi lẩu nhưng chưa chín kỹ. Không ăn nem, gỏi.

BS. Phạm Văn Thân