Cần bổ sung tội ép buộc người khác phạm tội
Quá trình phát triển của đời sống xã hội đã nảy sinh nhiều hành vi gây tác hại cho xã hội và cá nhân. Trong đó, có những hành vi đã được đưa vào Dự thảo. Tuy nhiên, vẫn có những hành vi gây ra nhiều tác hại cho xã hội, người dân, nhưng chưa được thể hiện trong Dự thảo. Theo luật sư Lê Luân - Đoàn luật sư Hà Nội, cần bổ sung “Tội ép buộc người khác phạm tội” vào luật trong lần sửa đổi này.
Diễn giải về tính cấp thiết đưa thêm “Tội ép buộc người khác phạm tội”, luật sư Lê Luân cho rằng: Trên thực tế đã xuất hiện hành vi có người dùng lợi thế về tiền bạc, chức vụ, vị trí trong gia đình, dòng họ... để khống chế, ép buộc người khác phải giết người, gây thương tích, hủy hoại tài sản, trộm tài sản... để đạt mục đích hại người khác. Những hành vi này gây nguy hiểm cho xã hội và là tội phạm.
Về hành vi ép người khác phạm tội, không nên lầm lẫn với hành vi thuộc trường hợp “đồng phạm” hay “xúi giục người khác phạm tội”.
Theo Điều 20 Bộ luật Hình sự (Điều 17 trong Dự thảo) quy định: “1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. 2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. 3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”.
Như vậy, xét về hành vi của tội đồng phạm thì người trực tiếp phạm tội có ý thức chủ quan phạm tội, chủ động phạm tội chứ không bị “ép” phải thực hiện. Còn hành vi của việc “ép người khác phạm tội” là người “bị ép” thụ động, không chủ ý, không muốn thực hiện hành vi phạm tội.
Trong Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định những hành vi cụ thể của “tội ép buộc người khác phạm tội”.
Ví như Điều 252 “Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp”; Điều 297 “Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật”; Điều 146 “Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ”. Tuy nhiên, theo luật sư Lê Luân, những hành vi phạm tội “ép buộc” này là đơn lẻ, chủ thể đặc biệt và không bao quát.