Không 'ngủ quên' sau thành công của chiến dịch tiêm chủng

Ngọc Kha 08/08/2015 08:35

Ông Lokky Wai, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục đầu tư và đảm bảo nguồn ngân sách cần thiết, nhân lực cũng như vaccine luôn sẵn sàng để có thể tiêm chủng một cách kịp thời cho tất cả trẻ em.

Không 'ngủ quên' sau thành công của chiến dịch tiêm chủng

Ảnh minh họa.

Cách đây ít ngày, bạn tôi thật vui bao nhiêu khi đứa con trai duy nhất của vợ chồng anh chào đời thì họ cũng buồn bấy nhiêu vì cháu bị bệnh tim bẩm sinh, phải mổ. Bác sĩ cho hay, đó là hậu quả do di chứng để lại của căn bệnh Rubella ở người mẹ lúc mang thai. Chuyện ảnh hưởng thai nhi từ căn bệnh quái ác như thế này không phải là duy nhất xảy ra trong chúng ta. Những người mẹ này không tiêm phòng Rubella trước khi mang thai theo đúng hướng dẫn.

Hôm qua (7/8), có dịp nhắc đến những hậu quả khôn lường tương tự nói trên tại lễ tổng kết chiến dịch này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vui mừng cho hay: Những thảm cảnh ấy đang lui dần vào dĩ vãng và sẽ tắt hẳn cùng với việc loại trừ vĩnh viện căn bệnh sởi, vào năm 2017 sắp tới.

Niềm tin của bà Bộ trưởng không phải không có căn cứ khi nhìn lại thành công của sự nghiệp tiêm chủng hàng chục năm qua nói chung, chiến dịch tiêm phòng sởi-rubella mới đây nói riêng. Từ năm 2000 chúng ta thanh toán được bệnh bại liệt, năm 2005, thanh toán được bệnh uốn ván sơ sinh và tại chiến dịch tiêm chủng sởi-rubella vừa qua, 20 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 1-14, chiếm 1/4 dân số thế giới, hơn 98% tổng số trẻ em được bảo vệ trong vòng tay âu yếm mang tên vaccine của ngành y tế.

“Cho dù với bất kỳ tiêu chuẩn nào thì đây cũng là một thành tự vô cùng to lớn mà không phải nước nào cũng có thể làm tốt được như vậy” - khẳng định và cũng là ghi nhận của TS Lokky Wai, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại lễ tổng kết chiến dịch.

Thay mặt Liên hiệp quốc, ông bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến Bộ Y tế và nhân dân Việt Nam đã góp phần không nhỏ bảo vệ sức khỏe toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới. Là người đồng hành với ngành y tế bao nhiêu năm qua, những người làm báo chúng tôi không khỏi vui mừng trước thành quả này.

Bởi, nếu nhớ lại sự hoành hành dữ dội của dịch sởi chỉ mới cách đây hơn 1 năm nay thôi trên cả nước, ta mới thấy những ngày tháng an lành vừa qua quý giá biết nhường nào - rất ít người còn mắc sởi và không hề xảy ra bất kỳ một ổ dịch sởi tập trung nào cũng như không ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào do sởi hoặc liên quan đến sởi nữa trên phạm vị toàn quốc trong 7 tháng đầu năm 2005.

“Đây là một kết quả, một minh chứng đồng thời cũng là một thông điệp sâu sắc mà ngành y tế muốn gửi đến tất cả mọi người, rằng: Các bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng hãy thực hiện tốt phương châm: Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ để tránh việc mắc phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Thành công lớn là thế nhưng, nói như ông Lokky Wai, “với thành công mà chúng ta đạt được, chúng ta không có thời gian để lơ là hay ngủ quên trên đó”.

Ông khuyến cáo: Hiện tại chúng ta cần tập trung vào tiêm chủng thường xuyên và mặc dù công việc này có thể không được đăng tải rộng rãi, nhưng công tác này lại không thể thiếu được cho sức khỏe và hạnh phúc của các thế hệ tương lai.

Ông Lokky Wai kêu gọi Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục đầu tư và đảm bảo nguồn ngân sách cần thiết, nhân lực cũng như vaccine luôn sẵn sàng để có thể tiêm chủng một cách kịp thời cho tất cả trẻ em.

Trước mắt, theo GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong năm 2015, 2 loại vaccine mới sẽ được đưa vào tiêm phòng thường xuyên là vaccine bại liệt dạng tiêm IPV và vaccine Rota phòng tiêu chảy cấp trẻ em. Lâu dài, chúng ta sẽ bổ sung thêm nhiều loại vaccine mới người bệnh mới vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Ngọc Kha