Gỡ rào cản để thăng hạng cạnh tranh
Dù quy mô kinh tế không thể so sánh với các đô thị lớn trong khu vực phía Nam như TP HCM, Bình Dương hay Cần Thơ, tuy nhiên bằng cách tháo gỡ nhiều rào cản về thủ tục hành chính cũng như chính sách thu hút đầu tư thì lần đầu tiên, Long An đã vươn lên hạng 7 cả nước và hạng 2 khu vực Tây Nam Bộ về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Thị Nhanh cho biết, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Long An vào ngày 7/8, tại TP Tân An.
Cải thiện chỉ số PCI
Theo bà Trần Thị Nhanh, kết quả chỉ số PCI của Long An năm 2014 vừa được công bố, đã tăng đến 12 bậc, từ hạng 19 (năm 2013) lên hạng 7 (năm 2014). Và, nếu chỉ xét trong khu vực ĐBSCL thì PCI của Long An đã vào top 2, chỉ sau Đồng Tháp.
Đây là một kết quả đột phá, cũng như cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Bà Trần Thị Nhanh đánh giá, việc tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư vào Long An, cùng với những cải cách hành chính là một trong những đổi mới quan trọng của UBND tỉnh Long An trong kết quả đột phá về cải thiện chỉ số PCI trong năm qua.
Còn theo ông Lê Công Đỉnh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Long An, chủ trương của tỉnh Long An có thay đổi là thay vì cứng nhắc cho chấm dứt các dự án chậm tiến độ hoặc gặp các khó khăn khác thì UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở ngành chuyên môn gặp gỡ trực tiếp để lắng nghe, ghi nhận và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.
Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường, giải phóng đền bù, cải thiện môi trường đầu tư đến các cải cách thủ tục hành chính để thu hút thêm nguồn đầu tư mới.
Theo ông Đỉnh, trong đó có 6 chỉ số được cải thiện tăng điểm số trong PCI thì những lĩnh vực mà Long An làm rất hiệu quả, gồm: Tính minh bạch, thiết chế pháp lý, gia nhập thị trường,chi phí thời gian, đào tạo lao động và cạnh tranh bình đẳng.
Trong khi đó, một số chỉ số có tụt giảm so với năm trước đó, như: chi phí không chính thức; chỉ số tiếp cận đất đai đai; và chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN…. vẫn đang được UBND tỉnh quan tâm để cải thiện trong năm tiếp theo.
“Vừa qua chúng tôi đã gặp gỡ để tháo gỡ khó khăn cho DN Nhật, Hàn đầu tư trên địa bàn. Mục đích chính không phải là thu hồi dự án mà chúng tôi xác định để lắng nghe, tìm rào cản, khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời cho DN” - ông Lê Công Đỉnh nhấn mạnh.
Áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại Long An.
Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Về việc liên quan đến nhiều dự án sai phạm hoặc thi công “rùa bò” trên địa bàn tỉnh Long An, quan điểm chung của lãnh đạo tỉnh là tìm cách tháo gỡ, giúp các DN tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ, thay vì các giải pháp mạnh trong bối cảnh DN vẫn gặp khó về vốn.
Liên quan đến các thông tin phản ánh về Công ty TNHH Dương Vũ (Bình Cang 2, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa), bà Huỳnh Thị Phép, Phó GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Long An, Sở đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra tại Công ty này.
Kết quả, phát hiện hàng loạt các sai phạm tại Công ty này, như: Chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng; Chưa làm thủ tục về giấy phép thăm dò, khai thác; vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi...
Đáng chú ý, Công ty Dương Vũ đã san lấp trái phép mặt bằng có diện tích 1,6 ha, hiện đã tiến hành xây dựng hàng rào trong phần đất sai phép lại.
“Chúng tôi cũng đã có tham mưu cho Ủy ban về hướng xử lý các vi phạm của Công ty Dương Vũ và riêng đối với diện tích 1,6 ha đất nông nghiệp sẽ xử lý theo quy định pháp luật, tuy nhiên trên tinh thần đưa ra giải pháp để DN khắc phục”- bà Phép cho biết.
Đối với Trại chăn nuôi gà tại ấp 9 xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của hàng chục hộ dân xung quanh, Sở Tài nguyên - Môi trưởng tỉnh Long An cho biết, cũng đã làm việc với Phòng TN-MT huyện Bến Lức, đồng thời các cơ quan chức năng cũng đã nắm tình hình và kiểm tra để có hướng giải quyết kiên quyết.
Theo khảo sát của cơ quan này thì hiện có 12 hộ dân thuộc khu vực ảnh hưởng trực tiếp của trại chăn nuôi gà nêu trên và trên tinh thần sẽ tham mưu cho huyện Bến Lức giải quyết rốt ráo.
Tại buổi họp báo, ông Lê Công Đỉnh, Phó GĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Long An cũng cho biết, liên quan đến 12 dự án lò gạch không phép ở huyện Đức Hòa và thị xã Kiến Tường thì UBND tỉnh đã giao cho công ty CP địa ốc Hồng Phát (Long An) làm chủ đầu tư hạ tầng và cho thời hạn cụ thể để DN này hoàn thành các thủ tục về đầu tư, xây dựng.
Trong đó, trong tháng 8/2015 nếu DN này không có động thái làm việc với các công ty đầu tư hạ tầng thì sẽ thu hồi chủ trương, và giao lại cho Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh.
Đối với Dự án cảng quốc tế Long An (tại huyện Cần Giuộc), ông Đỉnh cho biết, dự kiến cầu cảng số đầu tiên sẽ được hoàn thành vào quý IV-2015. Tin vui là TP HCM đã đề xuất Chính phủ nạo vét luồng Xoài Rạp, và như vậy sẽ có lợi cho “đầu ra” của cảng này trong tương lai.
“Đúng như chủ trương ban đầu của tỉnh là tập trung vào tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN để đẩy nhanh tốc độ dự án thì địa phương sẽ nỗ lực từng bước một để tỉnh nhà sẽ tiếp tục thăng hạng về chỉ số PCI trong năm 2015 và những năm tiếp theo”- ông Đỉnh cho biết.
Liên quan đến vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vào các phong trào phòng chống tội phạm và bảo vệ an ninh quốc gia, Đại tá Nguyễn Văn Đức, Phó GĐ Công an tỉnh Long An cho biết, tỉnh Long An có đường biên giới dài hàng trăm km, tiếp giáp 2 tỉnh của Campuchia, do đó được công an tỉnh, BĐBP và Ủy ban MTTQ tỉnh quan tâm, phối hợp tổ chức tốt các mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”; cũng như các phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, nhằm tăng cường công tác phối hợp chính quyền, biên phòng; xây dựng biên giới đoàn kết, hữu nghị.