Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vùng ĐBSCL
Ngày 7/8, Trường ĐH Kinh tế TP HCM phối hợp cùng với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL tổ chức tọa đàm làm sao nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL thì chính quyền các cấp cần nhận thức một cách sâu sắc về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cụ thể hóa nó thành Nghị quyết của Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020 cũng như xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực một cách dài hạn và căn cơ; tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình, dự án; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của TP Cần Thơ để trở thành trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục và đào tạo của vùng…
Ông Mai Văn Nhiều, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Long An cho biết: “Trước hết là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị để tạo động lực thu hút, phát triển nguồn nhân lực. Cần tạo môi trường cho nguồn nhân lực chất lượng cao bằng việc chuyển mạnh nền kinh tế hậu công nghiệp trong định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ hội nhập, trọng tâm là phát triển các ngành dịch vụ; Xây dựng cơ sở nghiên cứu, đào tạo chất lượng cao để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghiệp đáp ứng yêu cầu của xã hội, trước hết là cho các doanh nghiệp…”.
Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì các địa phương cần tích cực tham mưu, đề xuất với lãnh đạo các tỉnh, thành xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo lộ trình cụ thể; cần chủ động trong việc thu hút nguồn nhân lực; ần có sự liên kết trong công tác đào tạo giữa địa phương với các trường đại học.
Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM (UEH) thì việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ cấp thiết cần phải thực hiện hiệu quả. Nguồn nhân lực cần được đào tạo trên nhiều lĩnh vực, tuyển chọn những học sinh đang học tại các trường ĐH để có chính sách hỗ trợ, thu hút về làm việc tại địa phương.
UEH cam kết triển khai các chương trình đào tạo ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ… theo chương trình nước ngoài, kể cả hệ thống giáo trình, bám sát tình hình kinh tế của Việt Nam cũng như đẩy mạnh nguyên cứu phục vụ cộng đồng; đổi mới hoạt động đào tạo theo hướng quốc tế hóa ĐH…
Được biết, hiện toàn vùng ĐBSCL có 42 trường ĐH, CĐ với 7.389 giảng viên cơ hữu, bình quân khoảng 1,2 triệu dân có 1 trường ĐH. Số sinh viên/vạn dân của vùng năm 2015 đạt 175 sinh viên/vạn dân, trong khi đó cả nước là 277 sinh viên…