Giáo dục nghệ thuật ở bảo tàng: Hướng tới đối tượng là học sinh

Minh Quân (thực hiện) 08/08/2015 09:40

Nằm trong khuôn khổ dự án “Phát triển chương trình giáo dục nghệ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” giữa Wallonie – Bruxelles (Vương quốc Bỉ) và Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015, Bảo tàng Mỹ thuật VN vừa tổ chức buổi báo cáo kết quả thực hiện các chương trình giáo dục nghệ thuật tại bảo tàng dành cho đối tượng các học sinh cấp 1,2 và gia đình.

Bà Marie – Aude Laoureux hướng dẫn trong chương trình
giáo dục nghệ thuật dành cho các em học sinh tiểu học, tại Bảo tàng Mỹ thuật VN

PV: Thưa bà, là người trực tiếp tham gia hướng dẫn thực hiện dự án “Phát triển chương trình giáo dục nghệ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”, bà đánh giá sao về những kết quả đã đạt được?

Bà Marie – Aude Laoureux: Trong 3 năm qua, các chuyên gia Bỉ đã thực hiện 3 chuyến công tác sang Việt Nam và tiến hành các buổi làm việc trực tiếp qua mạng internet hàng tháng để chia sẻ và hướng dẫn nhóm cán bộ Dự án phương pháp khai thác các tác phẩm nghệ thuật tại Bảo tàng nhằm xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh trong nhà trường và đối tượng gia đình. Ngoài ra, 4 cán bộ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã được cử sang học tập thực tế tại các bảo tàng tại Bỉ. Đến nay, đã có 8 chương trình dành cho học sinh trong trường và 4 chương trình cho đối tượng gia đình đã được thử nghiệm thành công.

Bà Marie – Aude Laoureux.

Trò chuyện với Đại Đoàn Kết, bà Marie - Aude Laoureux, chuyên gia Bảo tàng Hoàng gia Mariemont (Bỉ) cho rằng ở Việt Nam, sở dĩ vẫn còn nhiều khoảng cách giữa bảo tàng và công chúng là bởi lâu nay người ta quên bẵng nghệ thuật tiếp cận.

Chương trình hoạt động giáo dục được xây dựng dựa trên các chủ đề về lịch sử, tự nhiên, xã hội… thể hiện qua sưu tập hiện vật bảo tàng, sự liên kết với các môn học trong nhà trường, tâm lý lứa tuổi và nhu cầu thực tế nhằm tạo cho các em nhỏ những trải nghiệm thú vị, bổ ích, đồng thời khuyến khích sự quan sát, trí tưởng tượng, óc tò mò, sự sáng tạo… của các em.

Thông qua hoạt động trải nghiệm, các em có cơ hội được rèn luyện sự khéo léo, tính kiên trì, kỹ năng làm việc nhóm và tư duy độc lập, qua đó khơi gợi tình yêu nghệ thuật, óc thẩm mỹ, tạo lập thói quen đến bảo tàng vui chơi và làm giáo kiến thức, hình thành nên ý thức yêu mến, trân trọng những giá trị di sản của dân tộc.

Kết quả của Dự án sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Bảo tàng là tổ chức thường xuyên các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng.

Áp các tiêu chí giáo dục nghệ thuật đạt tiêu chuẩn “5 sao” của Bảo tàng Hoàng gia Mariemont (Bỉ) khi triển khai ở Việt Nam, điều gì mà bà cảm thấy khó khăn nhất?

- Theo tôi, cái khó nhất đó là việc tạo dựng mối quan hệ giữa bảo tàng với trường học. Bản thân tôi cũng lần đầu tiên đến Việt Nam, nên trước khi thực hiện các hoạt động cụ thể chúng tôi phải tìm hiểu rõ cách vận hành của các trường học tại Việt Nam. Trên cơ sở thu thập thông tin chi tiết của các trường chúng tôi mới có thể tìm ra những phương pháp nhằm thích ứng được cách hoạt động của nhà trường với bảo tàng. Đặc biệt, điều tôi quan tâm đầu tiên đó là chính là việc các trường học mong chờ gì ở phía Bảo tàng. Bên cạnh đó, nhóm giáo dục của Bảo tàng cũng phải trực tiếp tham gia dự các giờ học ở các trường, để tìm ra mối liên kết giữa trường học và Bảo tàng. Tham gia dự án, tôi thấy nhóm cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã làm việc rất nghiêm túc.

Vậy theo bà nguyên nhân của việc giáo dục nghệ thuật tại Bảo tàng ở Việt Nam bị bỏ quên bấy lâu nay do đâu?

- Tôi cho cách tiếp cận cũng là một nguyên nhân. Để thực hiện được nội dung cụ thể cho từng chương trình chúng ta phải nghiên cứu đối tượng thực hiện là ai để đưa ra những phương pháp cụ thể. Xin ví dụ như với đối tượng trẻ mầm non thì chúng tôi sẽ hướng đến những gì rất đơn giản.

Tại chương trình các em sẽ được học về màu sắc và thông qua đó tiếp cận với nghệ thuật, chứ không thể nào giảng dạy về câu chuyện lịch sử như nghệ thuật thế kỷ 19 khác với thế kỷ 20 như thế nào. Bởi giáo dục trẻ em phải rất là đơn giản, dễ hiểu.

Sau thành công bước đầu, trong thời gian tới, dự án có tiếp tục triển khai ở Việt Nam nữa không, thưa bà?

- Tương lại của dự án là sẽ tiếp tục theo đuổi các chương trình đã xây dựng với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian tới chúng tôi sẽ gửi các chương trình giáo dục nghệ thuật tại Bảo tàng đến các trường học.

Cũng như tiếp tục duy trì các hoạt động đã được xây dựng để thu hút khách tham quan. Bởi như thế mới có thể đưa ra các chương trình đáp ứng được nhu cầu của khách.

Theo kinh nghiệm của Bảo tàng Marienmont (Bỉ), hàng năm có đến 50% khách đến Bảo tàng do nhóm Giáo dục hướng dẫn, tổ chức các hoạt động. Do đó, nhóm Giáo dục phải thường xuyên đưa ra các chương trình mới để phù hợp với các đối tượng, cũng như nhu cầu của công chúng.

Hầu hết mọi khó khăn trong việc thực hiện các dự án giáo dục nghệ thuật ở các bảo tàng tại Việt Nam hiện nay chính là vấn đề kinh phí. Xin bà chia sẻ một vài kinh nghiệm để có thể cải thiện được thực trạng này ở Việt Nam?

- Bắt đầu từ năm 2008, Bảo tàng Mariemont đã bắt đầu triển khai các dự án giáo dục nghệ thuật trong bảo tàng và nhận cũng được hỗ trợ về kinh phí. Trong đó, đối tượng chúng tôi tập trung chủ yếu chính là các em thiếu nhi.

Bên cạnh đó, mục đích chung của các hoạt động giáo dục nghệ thuật tại bảo tàng còn là một thông điệp: “Bảo tàng không chỉ để là nơi để học mà còn là chỗ vui chơi”.

Do đó phải biến bảo tàng thành một điểm đến hấp dẫn với các em nhỏ. Còn về vấn đề kinh phí, thì ngoài bảo tàng, các trường học cũng sẽ phải hỗ trợ một khoản kinh phí nhất định.

Tuy nhiên, để làm được vấn đề này cần phải có sự đồng hành, hỗ trợ từ hai phía là trường học và bảo tàng. Hiện nay, ở các nước phương Tây, tất cả các bảo tàng đều có các hoạt động giáo dục nghệ thuật để thu hút công chúng.

Trân trọng cảm ơn bà!

Minh Quân (thực hiện)