Truyện Kiều sau hai thế kỷ tiếp nhận

PGS.TS Trần Nho Thìn Hoàng Minh (ghi) 09/08/2015 09:35

Nhìn lại lịch sử nghiên cứu và tiếp nhận Truyện Kiều chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, phê bình Truyện Kiều đã đi từ nguyên lý truyền thống “xúc cảnh sinh tình”, “cảm vật ngôn chí” đến tìm kiếm các nguyên nhân khiến cho tác phẩm thành công lớn như vậy - tức là tìm kiếm chân lý vốn là đặc trưng của lý luận phê bình văn học phương Tây.

Truyện Kiều sau hai thế kỷ tiếp nhận

Bìa cuốn “Truyện Kiều”

Tại hội thảo quốc tế kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765- 2015) diễn ra sáng 8-8 tại Hà Nội, các đại biểu trong và ngoài nước đã tập trung phân tích di sản Truyện Kiều và Nguyễn Du dưới nhiều góc độ. Theo đó cho đến nay, kiệt tác Truyện Kiều đã được chuyển ngữ và giới thiệu trong 37 bản dịch với hơn 20 thứ tiếng khác nhau. Các đại biểu đã phân tích sự tương đồng văn hóa giữa Việt Nam và Thái Lan nhìn từ Truyện Kiều; Truyện Kiều từ góc độ so sánh văn học Đông Nam Á; Nguyễn Du- Truyện Kiều và hiện tượng song ngữ trong văn học Việt Nam; Sự phong phú trong tư tưởng của Nguyễn Du với sự giao thoa tinh thần Phật giáo, Nho giáo…

Minh Quân

Vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều được bàn đến ở đây giới hạn trong khuôn khổ các văn bản đọc chưa hề đề cập đến tiếp nhận trong phạm vi diễn xướng (như đố Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều, sân khấu hóa Truyện Kiều…). Trong đời sống văn học, tác giả làm ra tác phẩm có nghĩa khởi đầu. Nhưng nói đến câu chuyện tiếp cận là nói đến vai trò trung tâm của người đọc. Các nghĩa của văn bản luôn được các kiểu người đọc làm mới, làm phong phú, khác biệt.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, Truyện Kiều chính là tác phẩm có một lịch sử tiếp nhận phong phú nhất, phức tạp nhất đến mức có thể lập được một bảo tàng trưng bày các phương pháp đọc khác nhau, đem lại những kết quả khác nhau.

Tuy rất bề bộn và có những ngoại lệ, song về cơ bản có thể phân kỳ lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều thành 4 giai đoạn chủ yếu: Giai đoạn đọc mang dấu ấn của quan niệm mỹ học trung đại trong thế kỷ thứ XIX; Giai đoạn đọc chịu ảnh hửng của các lý thuyết phương Tây ở nửa đầu thế kỷ XX; Giai đoạn đọc chịu ảnh hưởng chủ yếu của lý luận văn học Nga Xô Viết; Giai đoạn đọc Truyện Kiều từ sau năm 1975.

Ở mỗi giai đoạn, việc tiếp nhận chịu sự chi phối của nhiều nhân tố chính trị - văn hóa – xã hội khác nhau, trong đó nổi bật là kiểu người đọc riêng biệt của mỗi giai đoạn. Nói đến lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều thì trước tiên phải nói đến các kiểu người đọc khác nhau. Nhìn từ góc độ văn hóa và triết học, chúng ta có thể qui về hai kiểu người đọc chính: người đọc trung đại và cách đọc truyền thống; đọc hiện đại chịu ảnh hưởng của tư tưởng triết học phương Tây.

Những độc giả sớm nhất của Truyện Kiều chính là các nhà nho, kiểu người đọc tồn tại suốt thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX. Ngoại trừ một số nhà văn nhà thơ hiện đại có kiêm việc phê bình Truyện Kiều như Xuân Diệu, hầu hết các nhà phê bình chuyên nghiệp hiện đại đều không sáng tác hoặc rất ít sáng tác.

Khác với kiểu đọc hiện đại, người đọc nho gia là người sáng tác thơ văn. Chủ trương dĩ thi thủ sĩ thời trung đại đã biến đất nước ta thành thi quốc, mỗi trí thức nho sĩ qua thập niên đăng hỏa đều có thể và đã làm thơ. Đọc một tác phẩm văn học đối với người nho gia cũng là một dịp để sáng tác.

Rất nhiều bài thơ vịnh các nhân vật Truyện Kiều do nhà nho sáng tác trong thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đều triển khai theo thi pháp xúc cảnh sinh tình. Vì Nho giáo là học thuyết chính trị đạo đức nên nhà nho thường tìm từ Truyện Kiều những nguồn cảm hứng bình luận chính trị, đạo đức, nhân đó bộc lộ con người chính trị đạo đức của mình. Những mổ xẻ, phân tích tác phẩm để tìm nguyên nhân của sức hấp dẫn, thành công của tác phẩm nằm ngoài tầm quan tâm.

Ngày nay, nhìn lại lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều theo cách rất riêng của các nhà nho, chúng ta có thể phát hiện được những đặc trưng của kiệt tác này. Những ý kiến mâu thuẫn, trái ngược của các nhà nho, kẻ khen người chê về nhân vật Truyện Kiều là điều có thực.

Xung đột thoạt nhìn bề ngoài của các ý kiến nhắc chúng ta nghĩ về tính chất phong phú, sống động, đa chiều của thế giới nghệ thuật và các nhân vật mà Nguyễn Du đã tạo ra. Nguyễn Du đã vượt qua cách nhìn cuộc sống đơn giản, một chiều, để tiếp cận tính đa chiều, tính mâu thuẫn vốn có của cuộc sống. Đây chính là đóng góp nghệ thuật lớn nhất, là chất hiện đại của một tác giả trung đại.

Trong giai đoạn ấy, bên cạnh nhóm thơ đề vịnh, lập án nhân vật Truyện Kiều, còn có một loại sáng tác mà trong đó các nho gia đọc giả tìm thấy ở thân thế cô Kiều sự tương đồng thân phận của những người nghệ sĩ. Các nhà nho này đã nắm bắt được cảm hứng của Nguyễn Du về thân phận của khách hồng nhan và người tài tử, điều được Nguyễn Du thể hiện trong Truyện Kiều, nhiều bài thơ chữ Hán như Độc Tiếu Thanh ký, Long thành cầm giả ca…

Họ đã giúp chúng ta giải đáp được những ý tứ ẩn kín bên dưới những ngôn từ như “tài” “mệnh” bị ghét nhau, “bỉ sắc tư phong”, hay trời đánh ghen khách má hồng…, những ngôn từ mà nếu chỉ nhìn từ góc độ của người hiện đại, dễ có cảm giác duy tâm, siêu hình, thần bí.

Nguyễn Du đã cảm nhận rõ ràng về thân phận của những văn nhân nghệ sĩ – những kẻ không làm thứ văn chương cung đình, những kẻ không thuộc các tao đàn – một thứ câu lạc bộ văn chương cung đình – tương tự như các ca nhi kỹ nữ, rút ruột tằm hiến dâng cho đời những tác phẩm nghệ thuật mà số phận bất hạnh.

Chúng tôi cho rằng, những nhà phê bình hiện đại cần xem lại cách nghĩ của mình khi áp đặt nhận định về thứ văn chương bình điểm cho nhiều áng văn bình Kiều, vịnh Kiều của kiểu người đọc nho gia. Hãy chú ý đã tồn tại cách đọc Truyện Kiều của những thi nhân.Với họ, đọc Kiều cũng là sáng tác, là thể hiện con người bản thân.

Bước sang thế kỷ XX, lối làm thơ đề vịnh Truyện Kiều như vậy còn kéo dài đến giữa thế kỷ. Sau năm 1945, ở miền Bắc khoảng giữa những năm 1960, vẫn có thể đọc được sáng tác thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên viết về Truyện Kiều… Nhưng một xu hướng mới cần chú ý là sự hình thành một kiểu người đọc mới, kiểu nhà phê bình chuyên nghiệp, tách rời khỏi sáng tác, khiến người đọc chịu ảnh hưởng sâu sắc của lý thuyết phê bình phương Tây, và sâu xa hơn, triết học Phương Tây.

Giới nghiên cứu từ lâu đã bàn về ảnh hưởng của Gustave Lanson - một giáo sư chuyên về lịch sử văn học Pháp - đến thế hệ những nhà phê bình Việt Nam đầu thế kỷ XX, thế hệ được học văn học pháp qua cuốn “Lịch sử văn hóa Pháp”. Trong đó, Lanson nhấn mạnh phải tìm hiểu tiểu sử tác giả, khảo sát các bản thảo, chú ý đối chiếu văn bản tác phẩm qua các lần tái bản, phải quan tâm phân tích kỹ lưỡng bản thân tác phẩm, thực sự tạo ra một xu hướng mới có ý nghĩa khoa học trong công tác nghiên cứu văn học.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Lanson chỉ là sự thể hiện một phần của toàn bộ tư tưởng văn học phương Tây. Nếu chỉ qui các bài phê bình văn học nói chung, phê bình văn học nói riêng ở đầu thế kỷ XX về ảnh hưởng của Lanson thì hơi đơn giản hóa vấn đề.

Ở đây cần nói đến nền tảng triết học của cả nền văn luận phương Tây mà tất cả các lý thuyết phê bình dẫu mâu thuẫn nhau, đều nảy nở trên nền tảng đó. Muộn hơn vài thập kỷ, Phan Ngọc cũng tuyên bố “chúng tôi muốn chứng minh giá trị và sự đóng góp của một thiên tài”.

Trong công trình này, nhà nghiên cứu muốn xác lập lại các thao tác làm việc như các nút bấm trên một cỗ máy mà nếu ai muốn có tác phẩm lớn cần phải học. Ông chủ trương “biến một nhà thơ vĩ đại thành một người thợ thơ không phải hạ cấp thấp nhà thơ, trái lại, đó là cách nào đề cao nhà thơ đúng đắn nhất.” Đó cũng là một hướng đi tìm tòi chân lý tiêu biểu.

Tất nhiên, nếu đi vào thực tế sẽ thấy bức tranh phê bình Truyện Kiều vô cùng phức tạp. Cũng thuộc nhóm lý thuyết mô phỏng, nhưng các nghiên cứu và phê bình Truyện Kiều lại đưa lại những kết luận khác nhau. Ví dụ, khi áp dụng lý luận về mô phỏng, bắt chước, ở nước ta giới phê bình thường sử dụng khái niệm “phản ánh hiện thực”.

Trong cách nghĩ mang tinh thần cách mạng chống phong kiến, đế quốc thì phản ánh hiện thực lại gần như đồng nghĩa với phản ánh hiện thực đấu tranh giai cấp trong xã hội. Con người – trung tâm của hiện thực được phản ánh – dưới cách nhìn này bị lược vào con người giai cấp, hoặc thống trị, hoặc bị trị. Các phương tiện phong phú khác, ngoài thuộc tính giai cấp của con người, đã bị xem thường, không được chú ý.

Thuộc về nhóm lý thuyết đọc văn bản như là một thế giới khép kín, một thế giới nghệ thuật có giá trị tự thân mà không quan tâm nó phản ánh hiện thực nào, có thể kể đến 2 công trình đáng chú ý của Phan Ngọc là “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” và Trần Đình Sử với “Thi pháp Truyện Kiều”. Hai công trình này xuất hiện trong thời kỳ mà cái nhìn về các lý thuyết và phương pháp có phần khai phóng, cởi mở.

Trong khối bộn bề sách báo viết về Truyện Kiều ở thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, chúng tôi chỉ điểm một số hiện tượng chính yếu. Nhìn chung, việc tiếp nhận ảnh hưởng tư duy nghiên cứu, tìm tòi chân lý của văn học và triết học phương Tây đã giúp phê bình văn học thế kỷ XX đạt được những thành tựu quan trọng. Ở đây có thể nêu ra một nhận xét vể lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều trong hai thế kỷ qua.

Nhìn lại lịch sử nghiên cứu và tiếp nhận Truyện Kiều chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, phê bình Truyện Kiều đã đi từ nguyên lý truyền thống “xúc cảnh sinh tình”, “cảm vật ngôn chí” đến tìm kiếm các nguyên nhân khiến cho tác phẩm thành công lớn như vậy - tức là tìm kiếm chân lý vốn là đặc trưng của lý luận phê bình văn học phương Tây.

Chúng tôi lưu ý những vấn đề mà giới nghiên cứu hiện vẫn để trống như vấn đề nghiên cứu các tác động, chi phối của tác phẩm đối với người đọc và có những hệ vấn đề cần được điều chỉnh. Văn học Việt Nam trong đó có Truyện Kiều là thực tế văn học phương Đông, cần hiểu đúng thực tế của nền văn học này trước khi áp dụng lý thuyết văn học chủ yếu được khái quát từ nên văn học phương Tây.

PGS.TS Trần Nho Thìn Hoàng Minh (ghi)