Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc: Ích nước, lợi dân
Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đang được Bộ Tư pháp xây dựng, chuẩn bị lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan trước khi hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2015. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được kì vọng góp phần giảm thiểu chi phí về quản lý cho Nhà nước cũng như giảm phiền hà cho người dân.
Bất cập, rối rắm vì cách làm ...thủ công
Theo Bộ Tư pháp đăng ký hộ tịch là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận và ghi vào hệ thống đăng ký các thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, tạo cơ sở để xác lập mối quan hệ giữa cá nhân với Nhà nước, đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để cá nhân thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự khác của mình.
Thông tin hộ tịch cơ bản, sau khi được đăng ký trở thành dữ liệu đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì thế, theo Luật Hộ tịch, đây là dữ liệu gốc, mang tính nguồn hoặc tính đối chiếu xác thực của bất kỳ hệ thống cơ sở dữ liệu nào liên quan đến dân cư.
Thực tế, việc lưu trữ sổ hộ tịch bài bản, hệ thống chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1999 khi triển khai thực hiện Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ khẩu. Việc lưu trữ hệ thống sổ hộ tịch giấy tuy có ưu điểm là bảo đảm an ninh thông tin nhưng lại có nhiều hạn chế, như: cồng kềnh, tốn diện tích; bảo quản khó khăn, dễ rủi ro (do thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, mối mọt); dữ liệu hộ tịch cá nhân bị phân tán, thiếu đồng bộ, không xâu chuỗi/kết nối được với nhau; cơ quan đăng ký hộ khẩu không quản lý được đầy đủ các dữ liệu hộ tịch cá nhân; khả năng tra cứu, khai thác phục vụ yêu cầu của người dân rất hạn chế; khi cần chứng minh tình trạng hộ tịch thì người dân phải nộp cùng lúc nhiều loại giấy tờ, gây khó khăn, phiền hà...
Nhanh chóng triển khai trên toàn quốc
Xuất phát từ thực tế trên, Bộ Tư pháp cho rằng, mục tiêu mà Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc hướng tới là ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch trên phạm vi toàn quốc, hình thành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tập trung, có sự quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương, có sự phân quyền, phân cấp hợp lý giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch theo đơn vị hành chính, theo cấp quản lý; bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, từng bước hiện đại hóa công tác đăng ký hộ khẩu, tiến tới đăng ký trực tuyến; bảo đảm kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu chuyên ngành có liên quan.
Trên thực tế việc hiện đại hóa công tác đăng ký hộ tịch đã được tiến hành ở nhiều địa phương, nhưng theo lộ trình, mức độ khác nhau. Theo thống kê của ngành tư pháp, hiện có 14 tỉnh, thành phố trang bị cho 100% công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã máy tính có kết nối internet phục vụ riêng cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch; 11 tỉnh đã trang bị cho trên 55% số công chức tư pháp – hộ tịch trên địa bàn máy tính có kết nối internet phục vụ riêng cho công tác đăng ký hộ tịch.
Theo đánh giá của các địa phương, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch và xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã mang lại nhiều thuận lợi, khắc phục được tình trạng đăng ký và quản lý hộ tịch có sai sót, giảm thời gian thao tác, thuận tiện cho việc tra cứu, thống kê hộ tịch tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm tiết kiệm, giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch.
Điển hình như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý hộ tịch tại 3 cấp với 82 xã, phường, thị trấn; 8 thành phố, huyện và tại Sở Tư pháp và hiện phần mềm được kết nối 3 cấp theo mô hình đồng bộ dữ liệu liên thông từ cấp huyện - xã.
Dự kiến, sau khi Đề án chính thức được phê duyệt, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc nhằm phục vụ một cách tốt nhất công tác quản lý nhà nước về hộ tịch cũng như nhu cầu của nhân dân.