Xâm ngập mặn phải bị coi là thảm họa
Công cuộc “ngọt hóa” vùng đồng bằng sông Cửu Long đang rất khó khăn khi vài năm gần đây tình trang xâm nhập mặn diễn ra bất thường và khốc liệt, ảnh hưởng nghiêm trong tới đời sống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản của người dân. Từ tháng 7 đến nay, dù đã vào mùa mưa nhưng nhiều vùng ngọt hóa bị nước mặn tấn công dữ dội, người dân trở tay không kịp.
Trở tay không kịp
Chắc phải vài năm nữa nhiều hộ dân của xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng mới tính tới chuyện nuôi lại cá lóc, vì vụ cá lóc năm nay khiến họ phải “rùng mình”.
Ông Võ Văn Đẹp ở ấp Phương An 2, xã Hưng Phú không muốn nhắc tới chuyện cá lóc khi chúng tôi hỏi thăm. Chỉ biết rằng, gia đình ông đã hoảng hồn khi thấy cá nổi trắng bụng trên mặt ao, tưởng bị đánh thuốc, đang tính báo cho chính quyền. Nhưng tìm hiểu kỹ lại thì biết nguồn nước sông bị nhiễm mặn là nguyên nhân dẫn tới cá chết.
Ông Đẹp cho biết, vụ cá lóc năm nay gia đình ông đầu tư trên 150 triệu đồng mua 25.000 con cá lóc giống, toàn bộ tài sản đổ hết vào đây, cá lớn từng ngày, chỉ khoảng giữa tháng 8 này là có thể thu hoạch ấy vậy phút chốc trắng tay...
Cùng với thiệt hại về thủy sản, xâm nhập mặn còn khiến cho bà con trồng lúa ở Sóc Trăng phải điêu đứng. Lão nông Nguyễn Văn Khải ở sóc Mồ Côi, phường 8, TP Sóc Trăng cho biết: Năm nay triều cường bất ngờ đẩy nước mặn vào sớm và sâu hơn dự tính. Nhiều cánh đồng của bà con và của gia đình tôi đã trổ đòng, xanh tốt dính phải đợt nước mặn, thiệt hại từ 30% có nơi đến 70%. Năm nay vụ 3 coi như “xong”…
Còn ở Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Tâm- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cũng công nhận đợt hạn hán và xâm nhập mặn từ đầu tháng 7 đến nay hết sức bất thường, chưa từng xảy ra suốt 15 năm qua.
Ở ĐBSCL đợt xâm nhập mặn năm nay có lẽ Hậu Giang là địa phương bị bất ngờ nhất. Nhiều huyện trước chưa hề có mặn, năm nay đã “dính đòn” và thiệt hại không hề nhỏ. Xâm nhập mặn đã đe dọa khoảng 18.000ha đất nông nghiệp của tỉnh này.
Các xã của huyện Phụng Hiệp như Phương Phú, thị trấn Búng Tàu, hàng chục năm qua chưa từng có mặn nhưng năm nay đã phải “nếm mùi”, độ mặn tại khu vực này đo được từ 2,6 đến 4,4 phần ngàn.
Cụ thể, độ mặn có lúc đo được tại thị trấn Trà Lồng của huyện Long Mỹ là 6,1 phần ngàn; tại trụ sở xã Phương Phú và thị trấn Búng Tàu của huyện Phụng Hiệp từ 2,6 đến 4,4 phần ngàn; cách thị trấn Búng Tàu 5km về hướng thị xã Ngã Bảy (giáp với Cần Thơ) là trên 1,1 phàn ngàn. Đây là lần đầu tiên các xã, thị trấn kể trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước mặn xâm nhập với nồng độ cao và bất ngờ nhất trong vòng 20 năm qua.
Bà Đoàn Thị Đèo, ngụ tại ấp Phương Bình, xã Phương Phú xót xa cho biết, gần 800 gốc cam đang cho trái, trước giờ vẫn tưới bằng nước sông Quản Lộ - Phụng Hiệp do phát hiện trước được nước bị nhiễm mặn nên bà chuyển qua tưới nước máy bơm, nhưng nước máy cũng bị mặn. Còn 12 công quýt đường và cam sành của ông Lâm Văn Nghệ, ở ấp Phương An A, xã Phương Phú, cũng bị các biểu hiện rụng lá, rụng trái khoảng 10% do thiếu nước ngọt để tưới.
Diễn biến bất ngờ của xâm nhập mặn cũng khiến cho chính quyền cũng như ngành chức năng của địa phương trở tay không kịp. Ông Hồ Thanh Hùng, cán bộ tổ kỹ thuật xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp cho biết mặn xâm nhập quá bất ngờ, khi ngành chức năng thông tin thì nước mặn đã len lỏi sâu vào nội đồng qua hệ thống kênh mương.
Xâm nhập mặn không chỉ tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt, nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến qúa trình canh tác, sản xuất của người dân. Theo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, tại các địa phương trên, nhiều nơi nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng từ 50 đến 60km, độ mặn cũng cao hơn những năm trước, khiến hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, cân ăn quả bị thiệt hại nặng nề.
“Khát” giữa mùa mưa
Xã Biển Bạch nằm cặp với con sông Trẹm, là một trong những con sông lớn của tỉnh Cà Mau. Ấy vậy mà nơi đây lại diễn ra nghịch cảnh: Trong số gần 2.000 hộ dân của xã này có tới 1.400 hộ dân sống cặp với sông Trẹm lại đang thiếu nước ngọt trầm trọng. Nhiều năm qua, dòng sông này bị nhiễm mặn mức độ ngày càng nặng nề hơn.
Chị Phạm Thị Hận ngụ ấp 18, xã Biển Bạch, sống ở đây trên chục năm nên chị hiểu được những đổi thay ở con sông này. Từ chỗ dùng nguồn nước ngọt của sông “thả ga”, giờ đây đầu tư hàng triệu đồng để khoan cây nước mà không có nước ngọt chỉ nước phèn và nhiễm mặn.
Trước tình trạng xâm nhập mặn, người dân Cà Mau ồ ạt khai thác nguồn nước ngầm, chủ yếu là phục vụ cho thủy sản và nông nghiệp. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở TN&MT tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có khoảng 140.000 giếng nước ngầm, nhiều nhất khu vực ĐBSCL (cứ 2km có 30 giếng nước ngầm). Mỗi ngày đêm, người dân Cà Mau lấy trên 370.000m3 nước ngầm.
Trở lại chuyện xâm nhập mặn ở Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Liệt, ấp Phương Hòa, xã Phương Phú, nói: “Tắm bằng nước mặn người nó khó chịu và rít lắm. Xả bằng nước mưa thì uổng quá. Sợ thiếu nước nên chúng tôi tắm tiết kiệm. Nấu cơm cũng vậy, phải vo gạo bằng nước mặn rồi mới nấu bằng nước mưa dự trữ”.
Đợt xâm nhập mặn này Nhà máy nước tinh khiết của ông Ngô Ngọc Nhàn ở thị trấn Trà Lồng, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) thiệt hại cả trăm triệu đồng, gần nửa tháng cơ sở của ông phải ngưng hoạt động vì nguồn nước xử lý bị nhiễm mặn. Nước phèn thì xử lý được. Chứ nước mặn thì thua- ông Nhàn nói.
Mùa mưa diễn ra được hơn 1 tháng nhưng một số địa phương của tỉnh Kiên Giang như An Biên, An Minh vẫn trong tình trạng khan hiếm nước ngọt, người dân đành phải đi mua nước từ nơi khác về xài.
Ông Nguyễn Văn Tiến, ngụ tại xã Nam Thái A, huyện An Biên nhớ lại gần chục năm trước: Khắp vùng này nước ngọt mênh mông, từ khi người dân quây lại nuôi tôm, cua, dần dần nước ngọt bị mặn dần, ao, đìa cũng khô queo. Người dân chúng tôi phải mua cả 100 ngàn đồng mới được 1 khối nước ngọt để xài…Hơn 2.000 hộ dân xã Nam Thái A đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng- ông Nguyễn Việt Bình, Bí thư Đảng ủy xã Nam Thái A lo lắng.
Cấp bách các giải pháp
TS Lê Anh Tuấn- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) lý giải: Sở dĩ tình trạng xâm nhập mặn diễn biến phức tạp và mức độ ngày càng khốc liệt trên địa bàn ĐBSCL thời gian qua là do vùng thượng nguồn sông Mekong Trung Lào giáp với Thái Lan mưa năm nay rất ít.
Vùng ĐBSCL mưa nhiều nhưng ở thượng nguồn sông MeKong chưa có mưa. Tuy nhiên lượng mưa ở ĐBSCL chỉ đóng góp khoảng 10% lượng nước ngọt, trong khi lượng nước ở thượng nguồn sông Mekong đổ về khu vực ĐBSCL chiếm tới 85%.
Từ đó, theo TS Tuấn, một khi nguồn nước khan hiếm như vậy, chúng ta không nhất thiết dồn nước cho nông nghiệp. Thời gian qua chúng ta hay kêu rằng cần phải ưu tiên nước cho nông nghiệp, hay cần có nước ngọt cứu lấy ngành nông nghiệp. Trong khi ngành nông nghiệp tiêu tốn rất nhiều nước ngọt, nếu chúng ta lại tập trung hết cho nông nghiệp thì lại dẫn tới càng thiếu thêm.
Vì vậy chúng ta nên ưu tiên nước cho sinh hoạt là chính và cho một số ngành công nghiệp chế biến, vì nếu các ngành này nước mà không đầy đủ nhà máy sẽ bị đóng cửa, mức độ thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều lần. Về nông nghiệp thiệt hại do xâm nhập mặn thì Nhà nước cần xem như thiên tai cần phải cứu trợ.
“Tới lúc nào đó chúng ta phải xem, hạn hán, xâm nhập mặn là một thảm họa cho địa phương”- theo TS Tuấn.
Tuy nhiên các địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản các địa phương đều cho rằng, sở dĩ tình trạng xâm nhập mặn dễ dàng xâm nhập sâu vào nội đồng là do hệ thống thủy lợi ngăn mặn chưa hoàn chỉnh.
Theo ông Lê Phước Đại- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, biện pháp trước mắt cần tiến hành khảo sát thực tế nhu cầu đầu tư xây dựng hành xây dựng hệ thống đê và cống đồng bộ, đáp ứng nhu cầu ngăn mặn, trữ ngọt khi nước mặn xâm nhập gay gắt trong thời gian dài nhằm bảo vệ ruộng, vườn cho bà con địa phương khi có mặn bất ngờ xảy ra…
Trao đổi với Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Anh Tuấn- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết: Thời gian qua tình trạng nhiễm mặn diễn biến bất thường ở ĐBSCL. Tùy vào giai đoạn và mức độ lên xuống của thủy triều cho ra những con số khác nhau. Tuy nhiên có thể kết luận năm nay nguồn nước ngọt đưa vào ĐBSCL rất là ít. Mặc dù đang mùa mưa nhưng nhiều nơi vẫn bị nhiễm mặn xâm nhập sâu hơn so với những năm trước và thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Theo TS. Tuấn, các viện nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định hiện tượng El Nino đang trở lại, nhưng có vẻ chu kỳ của hiện tượng này sớm hơn và khốc liệt hơn. Hiện tượng rất kỳ lạ: miền Bắc thì mưa lũ dữ dội còn miền Nam thì khô hạn. Trước đây biến đổi khí hậu là dự báo xa, nhưng giờ đang rất gần. Lúc này chúng ta cần phải xem xét lại các kịch bản và những phỏng đoán về khí hậu. Cảnh báo, những phỏng đoán của con người không thấy hết được diễn biến xấu của thời tiết. Những cam kết giảm phát thải nhà kính không được tuân thủ nên biến đổi khí hậu đang dẫn tới sớm hơn tăng theo cấp số nhân. Cùng với việc tiết kiệm nước ngọt, sử dụng hợp lý thì theo TS. Tuấn cần tính đến chuyện kiểm soát chặt việc khai thác nguồn nước ngầm. Vì nếu khai thác ồ ạt nguồn nước ngầm thì ĐBSCL sẽ càng bị sụt lún dần. |