Công viên giải trí Truyện Kiều: Ý tưởng và hiện thực

Hoàng Minh (lược ghi) 10/08/2015 09:10

Việc đưa các di sản văn hóa của Nguyễn Du vốn xưa nay được gìn giữ hoặc trưng bày một cách hết sức thành kính thành một đề tài cho một bảo tàng hay một công viên theo chủ đề không phải là sự hạ thấp hay tầm thường, dung tục hóa sáng tác của Nguyễn Du.

Khu lưu niệm Nguyễn Du tại Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Nằm trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du vừa được tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua, nhiều ý tưởng bước ra cuộc sống từ “Truyện Kiều” đã được chia sẻ. Chẳng hạn như sáng tác Kiều ca, xây dựng Vườn Kiều… Ý tưởng về việc xây dựng công viên giải trí “Truyện Kiều” đã được Ths. Lư Thị Thanh Lê, Khoa Văn học, ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) đề xuất đã thu hút sự chú ý của đông đảo diễn giả.

Trên thế giới, các công viên giải trí theo chủ đề lấy cảm hứng từ một tác giả hay một tác phẩm nghệ thuật đã trở nên quen thuộc đối với người dân. Đã có những công viên giải trí theo chủ đề về các tác phẩm văn học tên tuổi được mở ra nhằm phục vụ sự mến mộ của người đọc.

Chẳng hạn, Tây Ba Nha có bảo tàng Don Quixote dựa trên tác phẩm cùng tên của Xéc - van - téc, Trung Quốc có bảo tàng Hồng Lâu Mộng dựa trên tác phẩm cùng tên của Tào Tuyết Cần, bảo tàng Tây Du Ký dựa trên tác phẩm cùng tên của Ngô Thừa Ân, Nga có bảo tàng Chiến tranh và hòa bình dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Tolstoi, Nhật Bản có bảo tàng Hoàng Tử Bé dựa trên tác phẩm cuàng tên của Saint Exupery, Thổ Nhĩ Kỳ có “Bảo tàng của sự ngây thơ” dựa trên tác phẩm cùng tên của Orham Pamuk…

Những bảo tàng này giúp công chúng trải nghiệm tác phẩm một cách sống động bằng nhiều giác quan, chứ không chỉ bằng cách thức truyền thống duy nhất là đọc…

Nguyễn Du, một đại thi hào của Việt Nam, cũng để lại cho chúng ta những cơ hội lớn để khai thác những giá trị di sản mà ông để lại, để biến chúng thành các sản phẩm văn hóa lành mạnh giá trị. Trước đây, việc trưng bày tư liệu liên quan đến Nguyễn Du đã phần nào được thực hiện ở Khu lưu niệm Nguyễn Du tại quê hương ông (Nghi Xuân- Hà Tĩnh). Tuy nhiên, việc trưng bày chủ yếu mới huy động các tư liệu về tiểu sử, thân tế sự nghiệp và một số sáng tác tiêu biểu của ông, chủ yếu ở hình thức văn bản.

Giờ đây, chúng ta nên bàn về một hướng tiếp cận khác đối với di sản “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, nhằm tạo dựng một công viên giải trí theo chủ đề, một không gian nghệ thuật, du lịch có sự hấp dẫn đối với đại chúng, chứ không chỉ với đối tượng hẹp là những người học tập, nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn học.

Mặc dù vị trí của Nguyễn Du trong nền văn học Việt Nam là không thể phủ nhận, nhưng trong nền giáo dục chính quy, giới trẻ Việt Nam, không bao gồm những người học chuyên sâu về văn chương, mới chỉ được tiếp cận sáng tác của Nguyễn Du chủ yếu qua một số trích đoạn “Truyện Kiều” trong các sách giáo khoa phổ thông. Tuy nhiên, sự hưởng ứng đối với các sáng tác của Nguyễn Du trong công chúng hiện nay có thể khẳng định rằng vẫn hết sức mạnh mẽ, bằng chứng là “Truyện Kiều” vẫn hiện diễn trong các sinh hoạt văn hóa của giới trẻ quá những câu thơ “chế” Truyện Kiều, hay những bài thơ dài Truyện Kiều phiên bản thời hiện đại…

Truyện Kiều cũng cung cấp chất liệu cho các vở nhạc kịch, hợp xướng có quy mô lớn được công diễn ở các nhà hát lớn của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, bên cạnh các sinh hoạt văn hóa vốn có từ xưa này, như Vịnh Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều…

Có thể nói, ở Việt Nam ngoài “Truyện Kiều” tồn tại dưới dạng văn bản, các hình thức nghệ thuật dựa trên chất liệu “Truyện Kiều” cũng đã phát triển hết sức đa dạng. Điểm hạn chế đó là chưa có một sự tập hợp các sinh hoạt văn học, văn hóa, nghệ thuật quanh quanh “Truyện Kiều” - Nguyễn Du trong một không gian tập trung, nhằm đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho khách tham quan. Việc tập hợp các hoạt động sáng tạo nghệ thuật liên quan đến “Truyện Kiều” trong một không gian văn hóa có thể giúp hình thành nên một sản phẩm văn hóa đặc sắc, lành mạnh và thú vị không chỉ đối với người Việt Nam mà với du khách quốc tế.

Ngày nay, nhu cầu về du lịch văn hóa ngày càng gia tăng cùng với nhu cầu du lịch tham quan thắng cảnh. Đến một vùng đất, người ta không chỉ quan tâm đến việc thưởng thức cảnh đẹp có thể làm họ mãn nhãn, mà còn muốn tiếp xúc với trải nghiệm văn hóa vùng đó. Nhu cầu về các tour du lịch văn hóa đã ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, và một số địa danh gắn với các tác giả, tác phẩm văn chương cũng đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách (như làng Vũ Đại - bối cảnh của truyện Chí Phèo, hay quê hương Yên Đổ của Nguyễn Khuyến, mộ Hàn Mặc Tử…).

Điều đó cho thấy, khả năng ứng dụng những tư liệu, kết quả nghiên cứu, cũng như các sinh hoạt văn hóa liên quan đến Truyện Kiều vào việc xây dựng không gian nghệ thuật - du lịch Nguyễn Du - “Truyện Kiều”, nhằm xây dựng một công viên giải trí theo chủ đề, một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn đối với khách tham quan khi đến với Hà Tĩnh là có thể.

Công viên giải trí theo chủ đề có thể bao gồm nhiều tiểu không gian: Không gian chiếu phim tư liệu và trưng bày hiện vật liên quan đến Nguyễn Du; không gian mô phỏng các tiết đoạn chính của “Truyện Kiều” bằng mô hình sống động; không gian biểu diễn “Truyện Kiều” (nhạc kịch Truyện Kiều, ngâm vịnh Kiều, bình Kiều, múa ba lê biểu diễn Kiều…); không gian bói Kiều; các khu vực chụp ảnh nhập vai nhân vật “Truyện Kiều”, có sử dụng các vật dụng được mô tả trong tác phẩm, khu vực bán, trưng bày sách và đồ lưu niệm.

Cũng xin nhấn mạnh, việc đưa các di sản văn hóa của Nguyễn Du vốn xưa nay được gìn giữ hoặc trưng bày một cách hết sức thành kính thành một đề tài cho một bảo tàng hay một công viên theo chủ đề không phải là sự hạ thấp hay tầm thường, dung tục hóa sáng tác của Nguyễn Du.

Trái lại, sự quy hoạch hợp lý, sự kết nối các nguồn nhân lực, vật lực để tạo một không gian đậm chất văn chương, nghệ thuật và có tính giải trí lành mạnh sẽ giúp thu hút nhiều đối tượng khán giả khác nhau đến thưởng thức và trải nghiệm tác phẩm của ông một cách đầy hứng khởi, từ đó giúp nhân lên giá trị và sức ảnh hưởng của những sáng tác của ông trong và trên thế giới.

Hoàng Minh (lược ghi)