Kênh thấp hơn đồng nên khô không khốc

Chí Đại 10/08/2015 09:35

Những cánh đồng của xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đang phải chịu cảnh khát nước. Nguyên nhân hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ tưới cho các cánh đồng lại bị xuống cấp nghiêm trọng. Đáng nói là hệ thông kênh mương này lại thấp hơn so với đồng lúa, hoa màu của người dân.

Người dân bức xúc phản ánh, hệ thống kênh mương K10 ở xã Tịnh Hiệp được xây dựng từ 1995, với tổng chiều dài 5.564 mét và đưa vào phục vụ tưới cho khoảng 307 ha hoa màu. Nhưng 10 năm nay, tuyến kênh mương nay không còn khả năng cung cấp nguồn nước tưới cho diện tích đất nông nghiệp nữa, do kênh mương nằm thấp hơn các cánh đồng hoa màu và nhiều đoạn sạt lở, xuống cấp. Người dân chủ yếu trông chờ vào nguồn nước mưa.

Dọc theo hệ thống kênh mương K10 và cánh đồng của thôn Hội Đực, xã Tịnh Hiệp, ruộng lúa khô hạn, kênh mương trơ đáy, nứt nẻ không còn nước dưới mương.

Anh Nguyễn Văn Tải (56 tuổi) ở thôn Hội Đức cho biết: “Từ khi con kênh K10 xây dựng đến nay, chỉ cung cấp nước tưới được cho một vụ đông xuân, còn vụ hè thu người dân đành bỏ hoang. Nếu muốn, chúng tôi phải dùng máy bơm để hút nước từ kênh cho cánh đồng lúa nên mất thêm khoản tiền mua xăng dầu. Bà con rất muốn chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế gia đình, nhưng do nguồn nước không đủ tưới nên nhiều kế hoạch đành bỏ ngỏ. Ai đời xây dựng hệ thống kênh mương lại thấp hơn cánh đồng thì làm sao mà dẫn nước? Trước tình cảnh này, người dân ở đây hay mỉa mai hát câu ca thán: “Con kênh ta đào mà không có nước chảy qua”.

Anh Nguyễn Thủy (53 tuổi) ở thôn Hội Đức tâm sự: “Gia đình tôi có 5 sào ruộng, nhưng chỉ làm được một vụ đông xuân, năng suất trung bình 1 sào/ 3 tạ lúa, còn lại vụ hè thu thì không sản xuất được do thiếu nước tưới nên đành bỏ hoang. Để khắc phục tình trạng đó, chúng tôi đã đào các ao bên cạnh chân ruộng để dự trữ nguồn nước mưa để tưới cho hoa màu nhưng cũng không thấm vào đâu”.

Theo người dân trong vùng, nguyên nhân là do một phần mưa lũ làm sạt lở, cộng với thiết kế kênh mương không phù hợp địa hình nên khi đưa vào sử dụng không phát huy hiệu quả. Cũng cần nói thêm rằng, hệ thống kênh mương này có chiều rộng khoảng 2 mét, nhiều đoạn chưa được bê tông. Kênh mương bị sạt lở gây ra thất thoát lớn nguồn nước ở đầu nguồn. Dưới lòng kênh mương trơ đáy cỏ cây mọc um tùm.

Ngoài ra, tuyến kênh mương dẫn nước thấp hơn so với các cánh đồng hoa màu nên người dân rất khó khăn trong việc lấy nước vào ruộng. Bên cạnh đó, hàng trăm hecta hoa màu bỏ hoang hoặc có trồng hoa màu cũng không có nước để tưới, đất nứt nẻ làm cho năng suất rất kém.

Lý giải vì sao hệ thống kênh mương K10 một số đoạn bị bỏ hoang, ông Võ Tấn Hồng- Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp cho biết: “Một phần do ở đầu nguồn trạm bơm thấp hơn so với các tuyến kênh mương ở cuối nguồn, hơn nữa các mương lại thấp hơn so các cánh đồng ruộng nên một số đoạn kênh dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng trên, UBND xã mỗi năm thường tổ chức duy tu nạo vét kênh mương và kêu gọi người dân sắm máy bơm để hút nước”.

Ông Hồng cũng cho biết, UBND xã mới được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí 10 tỷ đồng để cải tạo duy tu bảo dưỡng tuyến kênh mương K10 để phục nước tưới cho người dân và các xã lân cận.

Như vậy, liệu có khả năng dòng mương này sẽ có nước? Người dân trong vùng nói: Hãy chờ đấy!

Chí Đại