Đăng ký 4 ngành trong nguyện vọng 1: Thí sinh cần cẩn trọng
Tính đến thời điểm này, việc xét tuyển nguyện vọng 1 đã đi được gần 1 nửa chặng đường. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều phụ huynh, học sinh hoang mang lo lắng chưa dám nộp hồ sơ, mà tích cực thăm dò trường mình yêu thích.
Thí sinh nộp hồ sơ vào trường ĐH Ngoại thương.
Mặc dù được xét tuyển 4 ngành khác nhau trong một trường, nhưng nhiều thí sinh (TS) tỏ ra bối rối khi ngành nguyện vọng 1 thứ nhất ở quãng điểm thấp so với mặt bằng chung TS cùng nộp. Còn nếu bị xét xuống ngành 2, 3, 4 thì cũng không biết chính xác vị trí của mình ở đâu, có thật sự thích học không...
Không bắt buộc điền đủ cả 4 ngành
Năm nay ĐH Ngoại thương khu vực phía Bắc lấy 2.550 chỉ tiêu, trong đó có 2.350 chỉ tiêu tại Hà Nội, còn lại 200 chỉ tiêu ở cơ sở 2 (Quảng Ninh). Theo ĐH Ngoại thương cho biết, mỗi ngày nhà trường nhận từ 100 đến 400 hồ sơ xét tuyển. Tính đến hết ngày hôm qua, nhà trường đã nhận được khoảng gần 2.000 hồ sơ, và chỉ có một vài em rút hồ sơ.
Có mức điểm đăng kí vào ngành top đầu của ĐH Ngoại thương hơi “sát”, còn đăng kí thêm nguyện vọng vào các ngành dưới thì cũng chưa biết cách tính chuẩn xác ra sao, mẹ em V. Dũng (chuyên Hà Nội - Amsterdam) lo lắng: Đợt thi vừa rồi Dũng thi 3 khối (A, A1 và D). Trong đó khối A em đạt 26 điểm, khối A1 em đạt 26,5 điểm, còn khối D đạt 24 điểm. Với mức điểm của từng khối, Dũng dự định sẽ xét tuyển tổ hợp khối A1 vào ngành được cho là cao điểm nhất của ĐH Ngoại thương là Kinh tế đối ngoại.
Tổ tư vấn tuyển sinh của trường cho rằng với mức điểm này đã có thể yên tâm xét tuyển, vì năm ngoái mức sàn của A1 là 22 điểm, còn điểm chuẩn vào ngành Kinh tế đối ngoại là 24 điểm. Đặc biệt, nếu em có không may trượt ngành 1 thì sẽ được xét tuyển xuống những ngành sau. Tuy nhiên đến ngày hôm qua, Dũng vẫn do dự chưa nộp hồ sơ… Em băn khoăn không biết những ngành tiếp sau sẽ cạnh tranh với chính xác số lượng bao nhiêu, cũng như mong muốn lớn nhất của em là ngành Kinh tế đối ngoại.
Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục tư vấn: Các TS không bắt buộc phải điền đủ cả 4 ngành ở nguyện vọng 1, đặc biệt là không nên đăng ký vào các ngành mà mình không muốn học. Vì khi đã đăng ký và đỗ vào ngành đó thì các em không có quyền ĐKXT ở đợt xét tuyển tiếp theo. Khi TS đăng ký nhiều ngành trong một trường, trước hết trường đó sẽ xét ngành thứ nhất, nếu TS đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành thứ nhất, nguyện vọng vào các ngành sau sẽ không được xem xét.
Nhưng nếu TS không trúng tuyển vào ngành thứ nhất, trường sẽ xét đến ngành thứ 2, và nếu không trúng tuyển vào ngành thứ 2 trường mới xét đến nguyện vọng vào ngành thứ 3… Như vậy, một mặt TS không nên đăng ký những ngành mình không muốn học, nhưng nếu đăng ký nhiều nguyện vọng trong một trường thì khả năng trúng tuyển của TS sẽ tăng lên rất nhiều.
Xem xét kĩ để tránh hoang mang
Là trường luôn lấy điểm ở mức cao, tính đến hết ngày công bố danh sách xét tuyển lần 2, ĐH Y Hà Nội chưa có ngành nào có số hồ sơ đủ chỉ tiêu. Ngành “hot” nhất trường, cũng là ngành luôn có điểm chuẩn cao nhất là Bác sĩ đa khoa, số hồ sơ nhận được là 415 (chỉ tiêu 500). Ngành cử nhân Khúc xạ nhãn khoa, hồ sơ nhận được là 32 (chỉ tiêu 50); Bác sĩ y học cổ truyền: 29/50 chỉ tiêu; Bác sĩ y học dự phòng: 31/100 chỉ tiêu; cử nhân Dinh dưỡng: 10/50 chỉ tiêu; Bác sĩ Răng - hàm - mặt: 34/80 chỉ tiêu... Thấp nhất là ngành cử nhân Y tế công cộng, hiện mới chỉ có 6 hồ sơ trên tổng số 30 chỉ tiêu…
Còn tại ĐH Cần Thơ, tính đến hết tuần đầu tiên đã có khoảng 10 ngàn hồ sơ ĐKXT (chỉ tiêu ĐH dự kiến 8.600). Mọi việc diễn biến thuận lợi và được xã hội đánh giá cao. Bởi ĐH Cần Thơ đã có cách thức nộp hồ sơ, xem điểm xét tuyển khoa học theo từng ngành. Khác với các trường đang trong thời gian nhận số lượng lớn hồ sơ, đến thời điểm hiện nay số lượng TS đến nộp hồ sơ vào ĐH Cần Thơ đã giảm dần.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, ông Đỗ Văn Xê chia sẻ: TS nào bị “hoang mang” khi xem danh sách TS trong ngành mình đăng ký thì tôi có lời khuyên: “Đừng xem nữa”. Tôi biết rằng nói câu này sẽ làm nhiều TS không hài lòng, nhưng điều tôi nói là lời khuyên thật tình. Điều này cũng giống như đi tàu lượn. Khi thấy khủng khiếp quá thì nhắm mắt lại.
Có thể nói: So với tất cả các trường ĐH khác thì ĐH Cần Thơ có hệ thống thông báo đứng số 1 về việc cung cấp đầy đủ thông tin và kịp thời. Khi TS vừa được đánh dấu hoàn thành hồ sơ thì tức khắc tên của TS được hiện lên trong danh sách các ngành TS đã đăng ký. Ngoài ra bên cạnh tổng số điểm, nhà trường còn cho hiện lên thứ tự nguyện vọng của mỗi TS… Việc các trường công bố danh sách không khoa học, hợp lý cũng là một trong những lí do hàng đầu khiến TS loay hoay không biết vị trí của mình ở đâu, nhất là cách nắm bắt vị trí của mình nếu không may trượt nguyện vọng ngành thứ nhất.
Theo ông Xê: Nếu TS chịu khó đọc các bài hướng dẫn, dựa vào thông tin nhà trường cung cấp thì có thể đoán được một cách tương đối chính xác thứ hạng của mình. Hãy tự đặt mình vào trường 3 ngày mới công bố thông tin một lần để thấy được TS nộp hồ sơ vào ĐH Cần Thơ được thuận lợi đến mức nào? “Nói hơi xa một chút. Nhiều TS phàn nàn là mỗi thí sinh được đăng ký vào 4 ngành gây nhiễu làm khó phán đoán. Hồi xưa Mỹ lái máy bay B52 bỏ bom Hà Nội, họ cũng gây nhiễu nhưng bộ đội ta cũng tìm được cách lọc nhiễu để bắn chính xác”, ông Xê hài hước chia sẻ.
Có thể nói như TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM mới đây: “Năm nay TS nộp hồ sơ như chơi chứng khoán. Sau khi thấy “thị trường” điểm thi phổ điểm cao, khó có khả năng đậu, nhiều TS đã bắt đầu rút hồ sơ để chuyển sang trường khác”.