Nước nghèo mà ăn toàn đồ ngoại
Giá trị tổng mức tiêu thụ thực phẩm, đồ uống trên thị trường cả nước ước tính khoảng 40 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, những ngành hàng với con số khổng lồ ấy lại đang đứng trước áp lực đến từ các doanh nghiệp ngoại. Nói như giới chuyên gia, nếu không sớm “thức giấc” thì nguy cơ mất thị phần ngay trên sân nhà là rất lớn.
Ít cơ sở chế biến
Chỉ trong 6 tháng đầu năm cả nước nhập khẩu khoảng 66.000 tấn thịt gà, chủ yếu về TP HCM và Hải Phòng. Câu chuyện đùi gà Mỹ quá rẻ chỉ 20.000 - 25.000 đồng làm lao đao thị trường Việt Nam đang được dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Khi bỏ qua câu chuyện giá, và đặt câu hỏi tại sao gà Mỹ lại xâm nhập sâu vào nội địa trong khi gà nội không thiếu. Một nguyên nhân được chỉ ra: Các sản phẩm thịt gà được nhập về đã được chế biến thành nhiều loại để cung ứng ra thị trường.
Cũng liên quan đến câu chuyện thực phẩm, đồ uống, khi khảo sát tại các chuỗi siêu thị lớn như Big C, Fivimart, Coop- Mart…. các sản phẩm được chế biến từ thịt như giăm bông, xúc xích, thịt xông khói…đều mang xuất xứ ngoại lai. Nếu không phải là sản phẩm có nguồn gốc từ DN có vốn đầu tư nước ngoài thì cũng được một công ty nội nhập khẩu về làm nhiệm vụ phân phối.
Số lượng sản phẩm “Made in Việt Nam” khá hiếm và chiếm tỷ lệ khá nhỏ. Các DN có vốn ngoại này xây dựng cả chuỗi giá trị sạch khép kín từ nguồn nguyên liệu tới chế biến thực phẩm.
Gần đây, nhiều DN trong nước như Tập đoàn Sao Mai, Công ty Ba Huân, Vissan, Dabaco, SG Food, Đức Việt… đã và đang chạy đua đầu tư theo chuỗi khép kín và đầu tư sâu vào công nghiệp chế biến thực phẩm. Sự bứt phá của các DN này đáng ghi nhận nhưng so với mỏ vàng ngành thực phẩm chưa tương xứng.
Số liệu dự báo của Bộ Công thương cũng cho biết, sức tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam vào năm 2016 sẽ tăng 5,1%/năm, ước đạt 29,5 tỷ USD. Mức tiêu thụ thực phẩm bình quân đầu người vào thời điểm đó vào khoảng 5,8 triệu đồng (tương đương 316 USD/năm).
Nhu cầu tiêu dùng có xu hướng ngày càng tăng điều này cũng đồng nghĩa, rằng cơ hội lớn cho ngành chế biến thực phẩm. Và hiện nay Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, châu Âu…
Trở lại với vị thế của DN chế biến trong nước, chỉ riêng trong lĩnh vực chế biến thịt lợn, theo khảo sát của Công ty Ausfeed, năm 2014, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam vào khoảng 2,245 triệu tấn, song cả nước mới có khoảng 20 công ty có nhà máy chế biến thịt với công nghệ hiện đại, tổng công suất chưa đến 200.000 tấn/năm. Tỷ lệ nhóm sản phẩm thịt chế biến mới chiếm khoảng 7% tổng sản lượng thịt.
Hay trong hoạt động xuất khẩu cá tra, dù kim ngạch xuất khẩu lên tới 1,8 tỷ USD nhưng chủ yếu là dạng phi lê (80%) hoặc nguyên con, cắt khúc, cắt khoanh (5%), sản phẩm có giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Trong cuộc hội thảo công bố Báo cáo thường niên DN 2014 của Phòng thương mại và Công Nghiệp Việt Nam, TS Phạm Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Phát triển DN đưa ra lời nhận xét, là một trong những nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, nhưng đáng ngạc nhiên là chỉ có khoảng 3.500 DN kinh doanh nhưng cũng chủ yếu là DN cung cấp dịch vụ .
Ví dụ như lĩnh vực thủy sản, tuy là ngành có độ ổn định cao nhất về tốc độ phát triển cơ sở chế biến, nuôi trồng nhưng giữa nơi nuôi và nơi chế biến lại rời rạc, tiêu biểu như ở khu vực ĐBSCL. Hay ở lĩnh vực chăn nuôi, cũng có sự chia cắt khi ở các vùng miền núi, trung du phía Bắc chăn nuôi nhiều nhưng lại ít cơ sở chế biến.
Điểm yếu tiếp cận thị trường
Những khó khăn trong tiếp cận thị trường đã trở thành hiện hữu và đẩy các DN trong ngành thực phẩm khốn khó trên sân nhà. Các DN thường ít đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu thị trường và phân phối sản phẩm ở trong cũng như ngoài nước.
Cùng với đó, điểm yếu ngành thực phẩm nói riêng và nhiều ngành khác nói chung là chưa được đầu tư khép kín, công nghệ cũ, lạc hậu lại bị chia tách, căn cứ theo chỉ đạo của các cấp chủ quản và thiếu sự hợp tác giữa các đơn vị khiến ngành này không có sức mạnh cạnh tranh. DN chế biến vẫn chủ yếu làm gia công cho DN nước ngoài. DN Việt do vậy chọn cách xuất khẩu sản phẩm thô để tồn tại.
Một báo cáo chỉ ra trong năm 2013, Việt Nam sản xuất hơn 60 tỷ USD hàng thực phẩm và đồ uống, trong đó tiêu thụ trong nước gần 43 tỷ USD, xuất khẩu chiếm phần còn lại.
Nhiều chuyên gia chỉ ra, cần thay đổi tư duy để mạnh trên sân nhà. Tư duy hớt váng của DN, không chịu đầu tư vào chế biến khiến cho DN chỉ thu được lượng mà mất đi chất. Nếu được đầu tư, định hướng tốt thì ngành công nghiệp chế biến thực phẩm không chỉ đáp ứng được tối đa nhu cầu thị trường trong nước, nhất là nhu cầu thực phẩm chế biến ngành càng tăng cao, mà còn giúp nâng cao giá trị hàng xuất khẩu và cạnh tranh với thực phẩm nhập khẩu, có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.