Nhớ lời dạy của Bác Hồ

Nguyễn Hữu Châu 11/08/2015 09:50

Ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VHTT&DL có lý khi cho rằng, người ta vĩ đại ở những đóng góp cho nhân loại chứ không phải ở những tượng đài khổng lồ, quá tốn kém.

Trước lúc ra đi, Bác Hồ để lại Di chúc nhắc nhở chúng ta: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Lời dạy bất hủ của Người về “Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” luôn nhắc nhở chúng ta trong mọi công việc của dân của nước. Mấy năm gần đây rộ lên phong trào xây tượng đài, bảo tàng, quảng trường quá tốn kém, làm lãng phí tiền bạc của nhân dân. Ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VHTT&DL có lý khi cho rằng, người ta vĩ đại ở những đóng góp cho nhân loại chứ không phải ở những tượng đài khổng lồ, quá tốn kém.

Ngược dòng lịch sử, cách đây 65 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, triệu người như một, dưới lá cờ chính nghĩa của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, nhân dân miền Nam cùng đồng bào miền Bắc ruột thịt quyết giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Động lực thôi thúc mọi người để giành thắng lợi ấy chính là hình ảnh của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong trái tim của mọi người, luôn nêu cao tinh thần “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Lúc bấy giờ không có tượng đài, nhưng dù ở địa phương nào có tấm hình của Bác là đồng bào quyết bảo vệ đến cùng dù phải hi sinh tính mạng. Năm 1969, Bác qua đời, nhưng quân và dân miền Nam đã biến đau thương thành sức mạnh và giành thắng lợi cuối cùng với Bác Hồ luôn luôn ở bên cạnh mỗi người.

Thời kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ kêu gọi văn hóa kháng chiến mà nội dung cốt lõi là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết”. Cuối cùng nhân dân Việt Nam đã thắng, thực dân Pháp đã thua.

Những bài học quý báu, vô giá ấy vẫn còn đó. Chúng ta lắng nghe cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên nghiệp, chuyên gia nhưng còn phải biết lắng nghe dân, để từ đó hạn chế những sai sót, hậu quả khó lường.

Trong thời bình, đương nhiên cần có những công trình lịch sử như: Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở đường Bắc Sơn (Hà Nội), Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Bến Dược (TP HCM) tuy quy mô vừa phải nhưng rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, Sơn La là một tỉnh nghèo, khiến dư luận xôn xao về việc địa phương này có kế hoạch xây dựng quần thể quảng trường - trong đó có tượng đài Bác Hồ với 1.400 tỷ đồng, trong khi hàng năm ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ tỉnh này 6.500 tỷ đồng.

Tại TP HCM, có tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi có quy mô nhỏ, vốn đầu tư vừa phải giữa một quảng trường không quá lớn, đủ để hàng ngày có hàng trăm người kể cả người nước ngoài đến viếng Bác Hồ và đi đứng có trật tự. Sau đó tại đây có xây dựng tượng đài Bác kèm theo quảng trường và đường đi bộ với quy mô lớn: vốn đầu tư hơn 600 tỉ đồng nhân kỷ niệm 125 ngày sinh của Bác Hồ. Vậy nhưng, trong vòng không đầy 4 tháng, bên cạnh mặt khen ngợi về nhiều mặt, dư luận vẫn có nhiều băn khoăn với công trình đường đi bộ.

Ở các nước phát triển nói đường đi bộ là chỉ dành cho người đi bộ, chính là ghé qua các cửa hàng nằm ở 2 bên đường để mua sắm; cần thiết thì vào quán ăn, giải khát gần đó. Quảng trường là quảng trường, đường đi bộ là đường đi bộ. Ở ta thì vào đường đi bộ muốn mua sắm thì phải băng qua 2 con đường lúc nào cũng xe đông đúc. Đường đi bộ thì quá dài, lúc trời nắng thì ít ai đi bộ. Vì đường dài, quá trống trải nên người ta ngồi, nằm, thậm chí ngủ đêm v.v… và đến 3/8/2015 xảy ra việc có nhiều thanh niên tụ tập làm rối loạn trật tự xã hội. Bây giờ tại TP HCM phải có đội patin để canh giữ đường đi bộ.

Nhân dân ta còn nghèo, cả nước có đến 14 triệu người nghèo; nợ công của nước ta theo đánh giá của Quốc hội đã gần chạm ngưỡng nguy hiểm 65% GDP. Để thiết thực chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XII sắp tới, nhân dân mong đợi Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc chỉ đạo các cấp đề cao trách nhiệm với cả lương tâm, tập trung chăm lo những yêu cầu bức thiết của người dân. Với những công trình tượng đài đầu tư lớn cần phải được nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi tiến hành.

Hãy ra sức học tập làm theo những gì mà Bác Hồ căn dặn trong cuốn “Đời sống mới” viết năm 1946 với giá trị nguyên vẹn. Bác nói: “Về tinh thần, đời sống mới phải “cần, kiệm, liêm, chính”; nêu không làm được như vậy thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Phải yêu Tổ quốc, quan tâm đến lợi ích chung, không kiêu căng, không nịnh hót, không tham lam, không bủn xỉn. Về hành động, để thực hiện đời sống mới không ngoài năm việc là: ăn, mặc, ở, đi bộ, làm”.

Người còn chỉ ra: “Thực hành đời sống mới là công việc của mọi người, gia đình, làng xã; việc gì có lợi cho nước phải ra sức làm, việc gì hại cho nước phải hết sức tránh; bất cứ việc to, việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm, cái gì mới mà hay thì ta phải làm”.

Nguyễn Hữu Châu