Cẩn thận khi trẻ đi thang cuốn

Minh Vũ 11/08/2015 10:05

Một lần nữa câu chuyện về việc sử dụng chiếc thang cuốn hiện đại lại được nhiều người quan tâm khi vừa mới đây, câu chuyện một bé trai hơn 3 tuổi tại Hà Nội đã bị kẹp chân vào thang cuốn phải đưa đi bệnh viện (BV).

Cẩn thận khi trẻ đi thang cuốn

Đi thang cuốn đúng cách sẽ hạn chế được rủi ro.

1. Chuyện vừa xảy ra vào khoảng 12h trưa ngày 9/8, tại tầng 3 tòa nhà 335 đường Cầu Giấy (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) một tòa nhà cao tầng kiêm tổ hợp siêu thị, văn phòng, nhà hàng. Khi đó, ở đây đang tổ chức đám cưới. Trong lúc bữa tiệc đang diễn ra, cháu nhỏ này đã chạy ra chơi ở thang cuốn từ tầng 3 xuống tầng 2.

Các nhân chứng kể lại, vào thời gian trên cháu bé đi dự đám cưới cùng gia đình. Sau nhiều lần đi lên xuống, mũi giày của bé đã bị mắc kẹt vào khe của thang cuốn. Rất may, tại thời điểm xảy ra tai nạn có rất nhiều người qua lại khu vực đó nên tình huống nhanh chóng được xử lý kịp thời. Sau đó, cháu bé đã được gia đình đưa đến BV kiểm tra.

Qua sự việc này, các chuyên gia khuyến cáo: cha mẹ phải hết sức cảnh giác khi cho trẻ nhỏ đi thang cuốn ở các trung tâm thương mại, siêu thị. Bởi ngày nay, thang cuốn được sử dụng ở hầu hết các tòa nhà, siêu thị, trung tâm mua sắm, khu vui chơi... Trong khi đó, trẻ con vốn hiếu động và tò mò. Thấy thang cuốn, thang máy là muốn nghịch, muốn thử đi thử lại.

Theo ông Phạm Văn Hiến, chuyên gia về kỹ năng an toàn tại một công ty của Hàn Quốc ở VN, “Trẻ nhỏ nên được người lớn bế khi di chuyển bằng thang cuốn, kiểm soát không cho trẻ dùng que chọc vào các khe kỹ thuật”. Ngoài ra, ông Hiến cũng cho rằng, ngay cả với người lớn việc di chuyển bằng thang cuốn cũng phải cảnh giác. “Việc đi guốc cao của chị em cũng cần chú ý. Gót nhọn của giày có thể bị vướng vào rãnh kỹ thuật, làm người dùng bị ngã, cuốn vào thang”, ông Hiến cho biết.

2. Mặc dù thang cuốn là thiết bị hiện đại, được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng, nhưng cũng vẫn thường xảy ra những tai nạn đáng tiếng. Cách đây ít lâu, ở Trung Quốc cũng xảy ra tai nạn hết sức thương tâm đối với 1 đứa trẻ và 1 phụ nữ. Tại Mỹ cũng không thiếu những vụ tai nạn từ thang cuốn.

Trong một nghiên cứu do Ủy ban an toàn tiêu dùng của Mỹ thực hiện, tai nạn thang cuốn liên quan đến 7.300 trường hợp cấp cứu ở Mỹ, trong đó 75% các thương tích là do té ngã và khoảng 20% xảy ra khi bàn tay và bàn chân của người sử dụng bị mắc kẹt trong các thang cuốn.

Để an toàn cho trẻ nhỏ khi đi thang cuốn, người lớn cần lưu ý: Kiểm tra trang phục cho trẻ trước khi bước vào thang cuốn: Trẻ đi thang cuốn cần phải ăn mặc gọn gàng, không luộm thuộm, gấu quần xắn cao. Nếu bé gái mặc váy xòe rộng và có dây buộc, duy băng trang trí thì bố mẹ cần chú ý thu gọn gàng, không để lủng lẳng trên cơ thể để tránh trường hợp váy bị kẹt dưới băng chuyền thang cuốn. Bố mẹ cũng cần kiểm tra thêm dây giày của bé. Vì nếu dây giày không may bị tuột khiến bé vấp, vướng víu gây mất an toàn.

Ngoài ra, tùy vào độ tuổi của trẻ nhỏ đề có cách hướng dẫn, xử lý. Ví dụ như trẻ dưới 4 tuổi, tốt nhất nên bế con khi di chuyển bằng thang cuốn. Với trẻ trên 4 tuổi, nên hướng dẫn con, và luôn nắm chắc lấy tay con để bước vào thang, tránh để trẻ chạy trước vào thang hoặc chạy nhảy không có sự kiểm soát của bố mẹ.

Khi đang đi trên thang cuốn, cần nắm chắc tay trẻ để giữ thăng bằng và chủ động khi có tình huống khẩn cấp. Còn đối với những trẻ từ 6 tuổi trở lên, có thể cho bé tự đứng nhưng bố mẹ cầm tay và dắt bé để đảm bảo an toàn. Tư thế tốt nhất là một tay trẻ được bố mẹ nắm chắc, một tay bám vào thành thang cuốn.

Không để trẻ tự đi một mình, hoặc thiếu quan sát để bé leo trèo lên tay cuốn, cho chân tay vào rãnh cuộn. Đặc biệt, phải yêu cầu trẻ đứng cả 2 chân lên cùng một bậc, không nên đứng trên 2 bậc khác nhau; tránh cho trẻ ăn uống, hoặc cầm đồ ăn trên tay gây mất tập trung khi đi thang.

Một lưu ý khác là khi chuẩn bị rời thang cuốn, thì phải nhắc nhở báo trước để trẻ chủ động chuẩn bị. Người lớn có thể dùng sức để hỗ trợ trẻ thoát ra khỏi thang cuốn một cách cẩn thận, nhưng phải nhanh nhẹn và dứt khoát.

Minh Vũ