Chủ động với dạy học tích hợp liên môn
Dự thảo giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra nhằm lấy ý kiến góp ý của xã hội. Có thể nói, đến thời điểm hiện nay dự thảo đã nhận được nhiều sự đồng thuận. Tuy nhiên làm được đến đâu, làm tốt đến đâu còn phụ thuộc vào sự cố gắng của từng trường, từng giáo viên…
Học sinh sẽ có nhiều lợi thế hơn trong chương trình GDPT mới.
(Ảnh minh họa).
Trao đổi với một số lãnh đạo các trường trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm lớn nhất của các thầy cô là vấn đề dạy học tích hợp liên môn. Nói về điều này, nhiều nhà trường cho rằng đã được làm quen từ nhiều năm trước, và tin tưởng rằng việc đổi mới phương pháp dạy sẽ thành công.
Dạy học tích hợp liên môn là cần thiết
Ông Vũ Tá Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Trị (Hai Bà Trưng) cho biết: Năm học mới sắp đến, cùng những yêu cầu về đổi mới giáo dục, nhà trường đã bắt tay vào chuẩn bị rất nhiều việc. Nhà trường chúng tôi cũng đã theo sự chỉ đạo của Bộ, tập huấn cho đội ngũ giáo viên về giảng dạy tích hợp liên môn cũng như chương trình giảng dạy ngoại ngữ. Thứ hai là chuẩn bị về cơ sở vật chất…
Trong quá trình dạy tích hợp liên môn, ông khẳng định: cơ bản mà nói thì thế hệ giáo viên mới bây giờ có đầy đủ trình độ về mặt tin học, nắm bắt được khá nhiều thông tin. Tôi cho rằng về việc này chỉ cần làm sao cho thật tốt lên thôi, còn khó khăn thì không nhiều lắm.
“Lộ trình đến 2018 mới bắt đầu thực hiện, nhưng nhà trường chúng tôi đã được chỉ đạo áp dụng triển khai từ mấy năm nay. Trong năm học vừa qua việc giảng dạy liên môn đã có thầy cô giảng dạy tốt. Nhà trường làm tương đối thuận lợi”, ông Dũng cho hay.
Tương tự, cô Lưu Thị Lập, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa) chia sẻ: Đứng ở góc độ nhà quản lý tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đổi mới của Bộ, tôi cho rằng rất nhiều hình thức đổi mới thực sự phục vụ cho nhu cầu của người học, đáp ứng được mong mỏi của những phụ huynh. Về phía nhà trường, thầy cô cũng đang triển khai phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố thì trường chúng tôi đã họp và có sự chuẩn bị từ ban đầu. Thầy và trò nhà trường đều có định hướng, cũng như phụ huynh cảm nhận được chủ trương đường lối của Bộ, hoàn toàn ủng hộ, từng bước định hướng cho các em lựa chọn môn học ngành nghề từ năm lớp 10. Đó là cái tôi cho rằng hoàn toàn khả thi đối với tương lai của các em. Các em được định hướng từ năm lớp 10 chứ không phải đến năm lớp 12 mới định hướng chọn nghề gì, và nghề sẽ được chọn sớm hơn.
Theo cô Lập: việc dạy học tích hợp liên môn, ngay từ những năm trước nhà trường đã được triển khai bằng những giờ dạy thực tế, bằng những giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp cụm, cấp thành phố… “Và không chỉ dạy học tích hợp liên môn, mà việc đánh giá kiểm tra cũng mang hình thức tích hợp liên môn, để cho HS có kiến thức. Không phải là bộ môn đứng riêng lẻ, mà đây là việc nhận thức về học tập, kiến thức HS, là phải được liên môn với các môn khác, như thế sẽ mang tính đồng bộ và hiểu quả hơn. Các em sẽ có kĩ năng sống, hiểu biết nhận thức về cuộc sống, và có cơ hội vận dụng kiến thức vào trong thực tiễn. Nó sẽ mang tính khả thi và thực sự hiệu quả đối với người học hơn, và thật sự sẽ làm sáng lên, tốt hơn, làm hiệu quả phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất HS".
Bỡ ngỡ là điều không thể tránh khỏi
Với đề án đổi mới như vậy, một giáo viên sẽ dạy tích hợp nhiều môn, theo cô Lập, “bỡ ngỡ là điều không thể tránh khỏi”: Bắt đầu với cái mới thì không ai là không bỡ ngỡ. Tuy nhiên, khi các cô giáo thầy giáo thi vào trường sư phạm thì đều phải thi 3 môn. Ngay cả phần đầu tư từ khi đặt chân vào trường sư phạm cho đến khi được đào tạo trong quá trình học ở trường ĐH Sư phạm hoặc học cao hơn đều được đào tạo rộng hơn ở bộ môn mà các cô đứng lớp. Nền tảng của giáo viên, tôi nghĩ rằng ban đầu chưa được thực hiện thì chắc chắn là khó khăn nhưng mà khi đã đưa vào rồi, trở thành phong trào chung của toàn ngành thì tất cả đều tự học tự bồi dưỡng và nâng cao trình độ của mình, và tôi tin rằng điều đó sẽ thành công. Tức là việc dạy học liên môn sẽ thành công.
Trước chủ trương đổi mới của Bộ, trường THPT Hoàng Cầu cũng đã có cuộc họp để thảo luận về vấn đề này. Theo cô Lập chia sẻ: Đến với chủ trương mới có thầy cô rất hào hứng vì đã đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước, chuẩn bị tinh thần suy nghĩ trước. Nhiều khi suy nghĩ này không rõ nét vằng chủ trương của Bộ nhưng đã có tiềm ẩn trong mỗi thầy cô. Nhưng cũng có những thầy cô thấy bỡ ngỡ, nhưng sau khi đã được triển khai một cách toàn diện, đại trà thì nó sẽ trở thành một phong trào của toàn ngành. Và tôi tin rằng tất cả các thầy cô đã có trình độ để đứng lớp đều có thể có khả năng dạy học tích hợp liên môn. Đương nhiên lúc ấy các cô đều phải làm những việc như tự nghiên cứu, tự học trau dồi kiến thức, và đặc biệt phần sinh hoạt chuyên môn tại trường của tổ nhóm, phải diễn ra một cách đều đặn, hiệu quả. Trước đây sinh hoạt chuyên môn chỉ từng môn sinh hoạt riêng, nhưng bây giờ tích hợp những môn nào thì các cô sẽ được ngồi với nhau, chia sẻ với nhau, chọn những đơn vị kiến thức để tích hợp vào những bài cụ thể cho phù hợp, làm sáng rõ kiến thức truyền tải cho các em. Đó là sự hỗ trợ cho nhau, tôi nghĩ tự học tự bồi dưỡng là phương pháp tối ưu nhất cho việc đổi mới này.
Nhiều người lo lắng trong chương trình đổi mới này, những giáo viên dạy các môn vẫn gọi là “môn phụ” sẽ có nhiều khó khăn. Cô Lập khẳng định “sẽ không có quá nhiều băn khoăn đâu”. Cô lí giải: Trước đây môn phụ thường không được để ý bằng bây giờ. Ví dụ như môn Giáo dục công dân, bây giờ sẽ là môn được gắn liền với Ngữ văn. Trước đây hình ảnh tích hợp với môn Giáo dục công dân ở môn Ngữ văn mờ nhạt thì bây giờ rất đậm nét, rõ nét trong các bài giảng Ngữ văn, thì đấy là tích hợp. Chính những đề thi của Bộ GD&DT của những kỳ thi tốt nghiệp cũng như THPT Quốc gia năm vừa rồi đã thấy hình ảnh của sự liên môn trong đề thi. Những giáo viên muốn bài giảng của mình thật sự hiệu quả thì chắc chắn đã phải dạy tích hợp, tức là phải liên hệ tốt. Liên hệ không chỉ ở môn mình dạy mà liên hệ cả những môn khác có liên quan đến đơn vị kiến thức, đến nội dung chương trình và liên quan đến bài giảng. Như vậy mới mở rộng phong phú thêm kiến thức cho học sinh, hướng HS đến việc vận dụng kiến thức tốt, thực hành kĩ năng tốt hơn.