Việc gì cần trưng cầu ý dân?

T.Dương 12/08/2015 07:05

Chủ tịch Quốc hội gợi mở những việc dứt khoát phải trưng cầu ý dân như: Việc liên quan đến quốc phòng - an ninh; đối ngoại quan hệ tới đất nước, ảnh hưởng tới sự phát triển tồn vong của đất nước; hay vấn đề kinh tế - xã hội lớn làm ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh.

Dù đã được thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, song đến ngày 11/8 khi Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Trưng cầu ý dân, thì vẫn chưa xác định được vấn đề gì sẽ đưa ra trưng cầu ý dân.

Cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng, Dự án luật có khả thi và có thực hiện trong thực tế được hay không nằm ở nội dung nào được trưng cầu ý dân. Theo ông Khoa, hiện đang có 2 phương án là cụ thể và nguyên tắc. Viết cụ thể là khó còn viết chung như Luật Tổ chức Quốc hội là chưa khả thi, bởi nội dung trưng cầu ý dân mới là thực tiễn.

“Ví dụ nội dung quan trọng của đất nước là vấn đề Hiến pháp thì sau khi lấy ý kiến nhân dân thì Quốc hội quyết; hay vấn đề quyết định chiến tranh và hòa bình thì đó cũng là thẩm quyền của Quốc hội. Vì vậy theo tôi vấn đề vượt quá thẩm quyền Quốc hội thì mới đưa ra trưng cầu ý dân. Ví dụ như vấn đề liên quan đến: an ninh, chiến tranh và hòa bình, hay vấn đề quốc kế dân sinh liên quan ảnh hưởng lớn đến người dân”- ông Khoa bày tỏ.

Nhận định “đây là vấn đề tưởng đơn giản nhưng không đơn giản vì thế nên cân nhắc thận trọng bởi đây là vấn đề thực hiện quyền dân chủ của nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng luật chưa đưa ra được nguyên tắc trưng cầu ý dân. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, những nội dung quan trọng mà Quốc hội thấy rằng phải xin ý kiến của dân, dân đồng ý mới làm.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở những việc dứt khoát phải trưng cầu ý dân như: Việc liên quan đến quốc phòng - an ninh; đối ngoại quan hệ tới đất nước, ảnh hưởng tới sự phát triển tồn vong của đất nước; hay vấn đề kinh tế - xã hội lớn làm ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh.

“Theo tôi như vậy là khái quát chứ không phải cụ thể. Như vậy người trình mới có căn cứ để trình mà người quyết mới có căn cứ để quyết”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về việc công dân khi bỏ phiếu, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đặt vấn đề: Ví dụ công dân trên 18 tuổi thì được bỏ phiếu nhưng còn quyền cung cấp thông tin, rồi khiếu nại tố cáo, nghĩa vụ của họ như thế nào? thể hiện chính kiến của mình trong việc bỏ phiếu là quan trọng. Cử tri đi bỏ phiếu nhưng cử tri là gì?

Cử tri là liên quan đến bầu cử cử ra người đại diện cho mình chứ xem xét các vấn đề quan trọng của đất nước thì có nên gọi là cử tri hay gọi là công dân. Nguyên tắc trưng cầu ý dân quy định đề cao quyền lực của nhân dân là quyền lực nào”?

Cùng ngày, TVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm chính là giám sát sau kỳ họp, bởi thực tế chất vấn và giám sát chủ yếu diễn ra trong kỳ họp còn sau kỳ họp có rất nhiều vấn đề cần được giám sát.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, tại Khoản 3 Điều 80 của Hiến pháp ghi rõ ĐBQH có quyền yêu cầu cơ quan tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu trong thời hạn luật định. Tuy nhiên thực tế có vấn đề chất vấn ngoài kỳ họp chứ không chỉ có trong kỳ họp. Trong khi đó, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội nói đến giám sát mà lại không đề cập chất vấn ngoài kỳ họp là thế nào?

“Ví dụ khi đi qua cầu thấy phí qua cầu không hợp lý thì có thể xuất thẻ ĐBQH hỏi ai quy định phí này?Nếu họ nói ông Chủ tịch huyện quy định thì người đại biểu đó có quyền chất vấn ông Chủ tịch huyện. Cử tri biết là ông chất vấn trong kỳ họp, thế ngoài đời ông không giám sát à?”- ông Phước đặt vấn đề, từ đó cho rằng, nên có quy định để giám sát xem có làm không?

Bởi có những chuyện diễn ra trong cuộc sống nhưng không có ông đại biểu nào đứng ra chất vấn mà cứ vào kỳ họp mới nói ra, đặc biệt tại kỳ họp chủ yếu chất vấn những người do HĐND bầu và phê chuẩn trong khi Khoản 3 của Hiến pháp quy định rất rộng bao gồm tất cả cá nhân và tổ chức.

Về vấn đề giám sát chuyên đề, theo ông Hiển giám sát chuyên đề của các Ủy ban rất là chắc chắn, còn giám sát chuyên đề của Quốc hội là mỏng manh. Bởi giám sát chuyên đề của các Ủy ban là do Nghị quyết của UBTVQH thành lập. Vậy ai quyết định thành lập đoàn giám sát của Quốc hội? Vừa qua giám sát của Quốc hội đều do UBTVQH thành lập. Giám sát của Quốc hội phải có Nghị quyết của Quốc hội thì mới có căn cứ pháp lý. Do đó chúng ta cần nghiên cứu bổ sung.

Chưa thoả mãn về việc không tổ chức chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND cấp xã, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị cần quy định cụ thể về vấn đề này trong luật để đảm bảo thống nhất chung quyền giám sát của HĐND. Bởi theo ông Hiền, các hoạt động chất vấn và chất vấn là hình thức giám sát rất có hiệu quả, do đó cần có quy định cụ thể để nâng cao chất lượng. Quyền hạn của HĐND rõ trong Hiến pháp từ các cấp do đó cần thống nhất.

“Ta đang hướng về cơ sở, về người dân, phát huy dân chủ nên chất vấn tại HĐND là sát dân, sát cơ sở, phát huy dân chủ của người dân, liên quan đến sinh kế và quyền lợi của người dân. Do đó cần để Thường trực HĐND cấp xã tổ chức để HĐND chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND”- ông Hiền bày tỏ.

T.Dương