Lấp lửng dưới miệng hà bá
Trong khi chờ triển khai dự án di dời, hàng trăm hộ dân đang sinh sống dọc theo sông Ba vẫn còn tiếp tục đối mặt với những nguy hiểm về sạt lở.
Nạn phá rừng và ngăn đập làm thủy điện những năm gần đây dòng sông Ba (con sông lớn thứ 2 Tây Nguyên) cứ sau mỗi mùa mưa lũ là dòng chảy bị biến đổi, dòng sông bị sạt lở nham nhở, hàng chục ha đất bị sạt lở và cuốn trôi, nhiều hộ dân cũng theo đó mà thiếu đất ở, đất sản xuất. Từ nhiều năm nay, khó mà thống kê cho chính xác diện tích đất sản xuất, đất ở của người dân bị sạt lở bị lũ cuốn...
Tại thôn H’lang, xã Chư R’Căm huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai nhiều người dân vẫn chưa hết bàng hoàng sau trận lũ lịch sử năm 2011, lũ về kèm theo sạt lở đã cuốn trôi 21 ngôi mộ, 80 hộ dân bị uy hiếp nhà cửa, hàng trăm hécta đất sản xuất, trâu bò, lợn gà... bị cuốn phăng theo dòng nước xiết.
Ông Nay Thông, buôn H’lang ngậm ngùi nói: “Ban đầu khu nhà mồ này có 30 hộ, trận lũ năm 2011, nước sông Ba dâng cao làm sạt lở và cuốn trôi đi nhiều ngôi mộ, giờ chỉ còn vài ba ngôi mộ mới chôn thôi. Bà con chỉ biết nhìn những ngôi mộ của người thân bị lũ cuốn trôi mà khóc bởi dòng nước chảy quá mạnh…
Men theo con sông chừng 20km ngược về phía thượng nguồn, 170 hộ dân với 900 nhân khẩu của 4 buôn của xã Ia R’sai cũng đang lấp lửng dưới miệng hà bá có nguy bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Người dân chỉ mong sao các cấp chính quyền cố gắng đưa dân vào chỗ tái định cư mới, càng sớm càng tốt để dân ổn định làm ăn.
Chủ tịch UBND xã Ia R’sai ông Ngô Tiến Hùng cho biết, là địa bàn giao nhau giữa đồng bằng - cao nguyên, địa chất đất pha cát và độ dốc tương đối lớn, huyện Krông Pa là vùng trọng điểm về sạt lở của sông Ba. Từ nằm 2013, sông Ba liên tục thay đổi dòng chảy, lấn sâu vào nhà dân cộng thêm lượng cát bồi mênh mông nên chẳng thể canh tác.
Trước thực trạng trên, huyện Krông Pa cũng đã xây dựng phương án di dời các hộ dân sống trong vùng sạt lở. Theo đó, năm 2012 UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt 17 tỷ đồng để triển khai “Dự án di dời dân vùng sạt lở xã Ia R’sai” giai đoạn 2012 -2014, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%, 30% là của địa phương. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai dự án lại lâm cảnh thiếu vốn (mới giải ngân được 8 tỷ đồng) nên nhiều hộ thuộc diện di dời đành chấp nhận sống chung với hiểm nguy.
Ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng Phòng NN&PTNT cho biết, toàn huyện hiện có hơn 280 hộ dân, ở 5 buôn của 2 xã Chư R’Căm và Ia R’sai đang đối mặt nguy hiểm vì sạt lở.
Năm 2015, UBND huyện Krông Pa đã kiến nghị lên UBND tỉnh 3 dự án. Trong đó, có hai dự án di dời dân ở xã Chư R’căm, Ia R’sai và một dự án làm bờ kè sông Ba với tổng số vốn hơn 320 tỷ đồng nhưng mới chỉ có dự án di dời dân ở xã Ia R’Sai được phê duyệt bây giờ lại chững lại vì... thiếu vốn. Hai dự án còn lại với số tiền khoảng 312 tỉ đồng đang phải “chờ” tỉnh, Trung ương phê duyệt.
Trong khi chờ triển khai dự án di dời, hàng trăm hộ dân đang sinh sống dọc theo sông Ba vẫn còn tiếp tục đối mặt với những nguy hiểm về sạt lở. Với sự biến đổi dòng chảy bất thường chưa rõ hiểm họa sẽ ập đến lúc nào trong khi mùa mưa bão năm nay đã đến, nỗi lo về sạt lở lại thêm hoang mang.
Phạm Hưởng