Thí sinh sốt ruột 'canh' danh sách điểm

Thu Trang 12/08/2015 08:10

Tính đến hôm nay, chặng đường xét tuyển NV1 của các trường đã đi được hơn nửa thời gian. Có nhiều trường số hồ sơ nộp vào đã vượt quá chỉ tiêu, tuy nhiên cũng có những thí sinh (TS) đến thời điểm này mới bắt đầu đem hồ sơ đi nộp. Nhiều TS thì đang sốt ruột vì số báo danh của mình bị đẩy dần xuống danh sách cuối, và sốt sắng đi rút hồ sơ… Tình trạng này sẽ chỉ dừng lại cho đến hết ngày 20, khi đã kết thúc thời gian xét tuyển đợt 1.

Các thí sinh nộp hồ sơ nguyện vọng 1.

Trong vài ngày vừa qua, cũng đã có một số trường công bố danh sách TS trúng tuyển tạm thời. Tuy nhiên, với danh sách này, TS cũng cần phải theo dõi thường xuyên, bình tĩnh và cân nhắc kĩ vì sẽ còn dao động đến khi đợt tuyển sinh kết thúc.

Danh sách trúng tuyển hiện tại chỉ là “tạm thời”

Dựa vào danh sách hồ sơ và mức điểm của TS, nhiều trường đã công bố danh sách TS trúng tuyển tạm thời. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách, vẫn khá nhiều TS phấp phỏng lo âu. Bởi vì lượng TS nộp hồ sơ vào các trường chưa dừng lại ở con số đó.

Trên website Trường ĐH Sài Gòn hiện tại đã công bố danh sách TS trúng tuyển tạm thời. Với các ngành không nhân hệ số môn chính, trường này có mức điểm xét tuyển dao động từ 16 đến 20 điểm. Các ngành Giáo dục chính trị, Tâm lí học (khối D) lấy 16 điểm; Giáo dục tiểu học từ 20 đến 20,75 điểm tùy khối; Tương tự, Quản trị văn phòng lấy 18,5 và 20,5 điểm…

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, cũng đã công bố danh sách TS trúng tuyển tạm thời tính đến ngày 10/8. Với trên 30 ngành, nhà trường lấy mức điểm xét tuyển tạm thời từ 22 đến 30,5 điểm. Theo đó ngành CN chế tạo máy (Cao Đẳng), CN kỹ thuật điện, điện tử (Cao Đẳng), CN kỹ thuật điện tử, truyền thông (Cao Đẳng) lấy điểm thấp nhất (22 điểm). Ngành lấy điểm cao nhất là CN kĩ thuật ô tô (tất cả các khối đều lấy 30,5 điểm). Ngành Thương mại điện tử lấy 26 điểm (cả khối A, A1 và D1). Ngành sư phạm tiếng Anh khối D1 lấy 28,5 điểm…

Theo thống kê mới nhất của ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), tính đến hết đợt công bố danh sách lần 3 đã có khoảng 3.000 em trúng tuyển nguyện vọng 1 vào 23 ngành (trong số gần 4.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường). Theo đó, ngành có lượng TS đăng kí vào trường đông nhất ngành Kinh tế, ngành có TS trúng tuyển ít nhất là Kinh tế nông nghiệp mới xét tuyển được 13 thí sinh (ngưỡng điểm trúng tuyển vào ngành này là 18).

ĐH Kinh tế Quốc dân cũng lưu ý, các thông tin về kết quả tuyển sinh theo ngành, danh sách TS trúng tuyển, danh sách TS đăng ký xét tuyển được tính toán trên cơ sở TS đã đăng ký xét tuyển, rút hồ sơ vào trường từ ngày 1/8 đến ngày cập nhật số liệu.

Phải cố gắng vì tương lai của chính mình

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nói rằng: Từ năm ngoái trở về trước các em HS đăng ký vào trường, nộp hồ sơ trước sau mới thi. Nộp hồ sơ từ khi mình chẳng biết kết quả của mình là bao nhiêu, không biết thông qua điểm chung của các bạn khác ra sao, nghĩa là rất “tù mù”, dẫn đến chuyện cảm tính. Nhiều TS điểm cao nhưng đăng ký vào trường cao quá thì trượt. Nhiều TS khác điểm thấp đăng ký vào trường mà mình ở số cao thì là trúng.

Năm nay chúng ta quyết định tổ chức thi xong biết kết quả của mình, và Bộ đã công bố đầy đủ tổ hợp các môn thi xét tuyển ĐH của tất cả các khối để cho các TS tự cân nhắc lượng sức của mình đăng ký. Cũng cho phép TS được thay đổi nguyện vọng. Mục tiêu để làm gì? Mục tiêu để tránh được hiện tượng điểm rất cao mà trượt, điểm thấp thì lại đỗ. Đó là việc không công bằng. Thứ hai là để các trường tuyển chọn được TS giỏi cho mình.

Bộ trưởng Luận nhấn mạnh: “Để đạt được mục tiêu này (được tính toán, được cân nhắc, được lựa chọn, được rút hồ sơ thay đổi nguyện vọng…), TS phải lo lắng, phải xem xét, phải theo dõi, phải rút hồ sơ… Nếu TS không rút hồ sơ, không tự làm thì ai làm hộ cho các em? Nếu chúng ta chỉ so sánh đơn giản là rắc rối, lo lắng mấy chục ngày thì quả là không đúng, nếu lo mấy chục ngày mà tránh được cái oan ức một năm, thậm chí là một đời. Nếu chúng ta phân tích và nhận thức không đúng, đánh giá không đúng thì thấy nó phức tạp. Ở đây, không phải Bộ GD&ĐT bắt thí sinh phải lo lắng, mà là tạo cơ hội cho các em tự cân nhắc để quyết định tương lai của mình dựa trên những thông số rõ ràng nhất có thể. Các em bắt đầu vào đời rồi thì làm sao lại để xã hội lo lắng, quyết định cho hết được”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhắn nhủ: Các TS phải tính toán, phải lo lắng, phải cân nhắc, phải lựa chọn và làm những việc này với một tấm lòng biết ơn đối với các thầy cô. Cả hệ thống của chúng ta đang phải làm rất nhiều việc vất vả, khó khăn hơn những năm trước, nhưng với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, chúng ta sẵn sàng nhận phần khó, phần vất vả về mình để cho các em có cơ hội lựa chọn tốt nhất. Còn tất nhiên chỉ tiêu có hạn. Số lượng người vào được ĐH, CĐ sẽ có những ai, và những ai không vào được... Chúng ta đang hướng tới sự công bằng cho toàn xã hội. Bởi thế cần phải tiếp tục thay đổi.

Lưu ý để không rút nhầm hồ sơ

Bộ GD&ĐT quy định, trong NV1 mỗi thí sinh có 4 nguyện vọng để xét tuyển vào một trường. Do đó để “chắc ăn” hầu hết các TS đều đăng ký cả 4 nguyện vọng vào một trường. Hiện nay, các trường công bố danh sách TS nộp hồ sơ vào trường cũng công bố cả 4 nguyện vọng. Với cách công bố này sẽ có nhiều TS điểm cao ở ngành nguyện vọng 1 nhưng cũng sẽ có tên trong danh sách thống kê của ngành khác. Khi xét tuyển, thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một nguyện vọng. Vì vậy, theo danh sách hiện nay số lượng thí sinh trúng tuyển “ảo” rất nhiều.
Với Trường ĐH Kinh tế quốc dân, tính hết đợt công bố danh sách nộp hồ sơ lần 3, nhà trường tiếp nhận được gần 4.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển (trên tổng số 4.800 chỉ tiêu). Tuy nhiên, trong bản danh sách liệt kê đều ghi cả 4 nguyện vọng, có nhiều TS đăng ký cả 4 ngành nên danh sách có số lượng hồ sơ gấp nhiều lần. Mấy ngày gần đây đã có hàng loạt thí sinh ào ạt xin rút hồ sơ để thay nguyện vọng vì nghĩ mình đã trượt. Theo GS Nguyễn Quang Dong - Trưởng phòng Đào tạo của Trường: “Nhiều thí sinh đã hiểu không đúng về danh sách TS đăng ký xét tuyển của từng ngành. Trong danh sách này, mỗi TS có thể xuất hiện ở 4 ngành (4 nguyện vọng), nên danh sách rất dài. Nhiều người lầm tưởng đó là số TS đăng ký xét tuyển vào trường, nên đã xin rút hồ sơ”.

Các TS cũng cần cân nhắc theo lưu ý của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT): TS không bắt buộc phải điền đủ cả 4 ngành, đặc biệt là không nên đăng ký vào các ngành mà mình không muốn học. Khi đã đăng ký và đỗ vào ngành đó thì các em không có quyền ĐKXT ở đợt xét tuyển tiếp theo.

Phương Linh

Thu Trang