Mức đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp năm 2015 có gì mới?
Trong năm 2015 mức đóng tham gia bảo hiểm bắt buộc không có gì thay đổi so với mức đóng của năm 2014. Nhưng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc của năm 2015 lại có những thay đổi đáng chú ý. Báo Đại đoàn kết xin chia sẻ mức đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mới nhất được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 như sau:
Mức đóng bảo hiểm xã hội: 26%, trong đó người lao động đóng 8%; đơn vị đóng 18%; Mức đóng bảo hiểm y tế: 4,5%, trong đó người lao động đóng 1,5%; đơn vị đóng 3%; Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp: 2%, trong đó người lao động đóng 1%; đơn vị đóng 1%; Kinh phí công đoàn: 2% - doanh nghiệp đóng tất.
Đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc:
Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trong tất cả các cơ quan, đơn vị (không phân biệt số lượng lao động đơn vị đang sử dụng) đều thuộc đối tượng đồng thời tham gia BHXH, BHYT và BHTN bắt buộc theo quy định tại Điều 2, Luật BHXH (Luật số 71/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006); Điều 43, Luật Việc làm (Luật số 38/2013/QH13) và Khoản 6, Điều 1, Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật BHYT (Luật số 46/2014/QH13).
(So với quy định trước đây, đối tượng tham gia BHTN theo Luật Việc làm sẽ có thêm Người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ từ đủ 3 tháng trở lên. Mặt khác, cũng không còn quy định Người sử dụng lao động có sử dụng từ 10 NLĐ trở lên mới phải tham gia BHTN.)
Đáng chú ý, DN có sử dụng lao động theo chế độ hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên trước tháng 01 năm 2015 mà hợp đồng lao động tiếp tục có giá trị trong năm 2015 (hoặc người lao động tiếp tục làm việc từ tháng 01 năm 2015), chưa được tham gia BHTN, phải được cơ quan, đơn vị lập thủ tục tham gia BHTN từ tháng 01 năm 2015.
+ Đối với kinh phí kinh phí công đoàn: từ ngày 10/1/2014 tất cả các doanh nghiệp đều phải đóng kể cả doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở ( theo Nghị định 191/2013/NĐ-CP)
Mức tiền lương làm cơ sở đóng BHXH, BHYT, BHTN Luật BHXH năm 2014 quy định như sau: Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì căn cứ để đóng BHXH, BHYT, BHTN là hệ số tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) tính theo mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính đóng BHXH, BHYT, BHTN là mức lương cơ sở và mức tiền lương tối đa để tính mức đóng BHXH, BHYT, BHTN là 20 lần mức lương cơ sở.
Đối với người lao động hưởng tiền lương theo quy định của người sử dụng lao động (DN) thì căn cứ để đóng BHXH, BHYT, BHTN là tiền lương tháng được ghi trong hợp đồng lao động.
Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính mức đóng BHXH là mức lương tối thiểu vùng và mức tiền lương tối đa để tính mức đóng BHXH là 20 lần mức lương cơ sở.Mức tiền lương tháng tối đa để tính mức đóng BHYT là 20 lần mức lương cơ sở. Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính đóng BHTN là mức lương tối thiểu vùng và mức tiền lương tối đa để tính mức đóng BHTN là 20 lần mức lương tối thiểu vùng…