Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai Luật Đất đai

Thanh Hải - L.H. 13/08/2015 08:10

Cùng một nội dung cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trước ngày 1/7/2014 nhưng Nghị định 43 yêu cầu nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn Thông tư 24 yêu cầu nộp đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản.

Luật Đất đai bộc lộ một số điểm bất cập (Ảnh: TL).

Bài 1: Những bất cập, vướng mắc

Trước phản ánh về những bất cập, khó khăn trong việc triển khai Luật Đất đai năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai tổng hợp những khó khăn vướng mắc trong quá trình thi hành, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Tuy nhiên, sửa đổi như thế nào cho phù hợp không hề đơn giản. Mặc dù Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều cải tiến theo hướng hoàn thiện, song còn một số vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để...

20 điểm bất cập trong triển khai luật

Nhằm đóng góp cho Dự thảo Nghị định “Quy định bổ sung một số nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, 7 tổ chức dân sự đã tổ chức tham vấn lấy ý kiến người dân cũng như ngành chức năng tại 3 tỉnh (Bắc Giang, Cần Thơ và Quảng Nam) nhằm chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Đất đai 2013. Báo cáo góp ý Dự thảo Nghị định trình bày tổng hợp các phát hiện chính từ các đợt tham vấn các bên liên quan được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10/2015.

Theo ông Lê Đức Lưu - Giám đốc Trung tâm Salung đại diện cho 7 nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm chuyên gia tiến hành nghiên cứu bàn, phân tích những văn bản hiện hành liên quan đến các vấn đề dự án quan tâm. Các vấn đề mâu thuẫn và chưa rõ ràng trong các văn bản pháp lí hiện hành liên quan đến các khía cạnh của Dự thảo Nghị định đề cập được nhóm chuyên gia tập hợp.

Kết quả nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra 20 điểm bất cập trong các văn bản tại 4 nhóm nội dung, đơn cử như: Vướng mắc trong Quy hoạch phát triển kinh tế vùng, thời gian xác định giá kéo dài do nhiều khâu ảnh hưởng đến đền bù, văn bản không thống nhất, chồng chéo về đền bù đất đai và chi phí đầu tư vào đất, giá đền bù khác nhau giữa nhà nước thu hồi và dự án do các DN thu hồi, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phức tạp, vướng mắc do chưa công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai, bất cập do khác nhau về thời gian thực hiện các thủ tục hành chính giữa các văn bản...

Vênh giữa luật và văn bản hướng dẫn

Cùng với những bất cập trong quá trình triển khai Luật Đất đai, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra độ vênh giữa luật với văn bản hướng dẫn. Đơn cử như cùng một nội dung cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trước ngày 1/7/2014 nhưng Nghị định 43 yêu cầu nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn Thông tư 24 yêu cầu nộp đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản.Việc quy định mẫu đơn đăng ký khác nhau trong cùng một nội dung dẫn đến khó khăn khi triển khai thực hiện trên thực tế.

Tương tự, Điều 15 của Nghị định 44/2014/NĐ-CP lại quy định giá đất cụ thể làm căn cứ để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất. Tại Điểm 4, Điều 114 của Luật chỉ quy định giá đất cụ thể đối với trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

Điều 105 của Luật Đất đai 2013 quy định: UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

Tuy nhiên, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 37, Nghị định 43/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành lại quy định Sở Tài nguyên và Môi trường cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;...

“Như vậy Luật Đất đai 2013 đã bỏ sót đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là cá nhân người nước ngoài. Sự thiếu sót này đã được bổ sung trong Nghị định 43. Tuy nhiên, do đối tượng được cấp giấy chứng nhận tại Nghị định 43 và Luật Đất đai 2013 không trùng khớp nhau, gây nên sự do dự của cán bộ thực thi” - ông Lê Đức Lưu nói.

Phản ánh từ nhiều địa phương cũng cho biết, theo Điều 105 Luật quy định về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), UBND tỉnh được ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường, không quy định được cấp GCN cho cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên tại Điều 37, Nghị định 43/2014/NĐ- CP về hướng dẫn thi hành lại quy định được cấp GCN cho cá nhân nước ngoài.

Đáng chú ý hiện các địa phương đang gặp nhiều khó khăn vì Điều 71 Luật Đất đai 2013 chỉ quy định cưỡng chế thực hiện đối với trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư mà không quy định việc cưỡng chế thu hồi đất vi phạm pháp Luật Đất đai.

Trước kiến nghị của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục lắng nghe, thực hiện sơ kết thi hành Luật Đất đai 2013, trên cơ sở đó mới tìm ra được đâu là vấn đề thực sự vướng, cần tháo gỡ.

Thanh Hải - L.H.