Thông tin nào phải trả phí?
Đó là vấn đề được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra khi TVQH cho ý kiến về Dự án Luật Tiếp cận thông tin diễn ra ngày 12/8. Bởi theo ông, một nguyên tắc cơ bản là Nhà nước phục vụ công dân.
Cần danh mục thông tin không được cung cấp
Cho ý kiến về Dự án Luật Tiếp cận thông tin, nhiều đại biểu nhận định “đây là luật khó”, bởi từ năm 2008 cho đến nay, trải qua 2 nhiệm kỳ mới xây dựng được do liên quan đến quyền cơ bản của công dân đó là quyền cung cấp thông tin. Đây là lần đầu tiên dự án luật được cho ý kiến tại TVQH.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, những gì hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân thì phải ghi cụ thể trong luật. Luật này ra đời nhằm mở ra quyền tiếp cận thông tin của công dân, tạo thuận lợi cho người dân. Nhưng đến thư mời đi họp cũng ghi mật thì còn gì để công khai. Do đó cần có danh mục những loại thông tin không được cung cấp và thể hiện trong luật.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đặt vấn đề: Luật cần làm rõ thông tin nào cần phải cung cấp và ai cung cấp? Nếu đặt vấn đề không chính xác sẽ dẫn đến mâu thuẫn ngay trong luật, nếu không xác định cụ thể thì sẽ tạo sự bất bình đẳng.
“Tại sao học phí của trường công lập thì phải công bố còn tư thục thì không cung cấp mặc dù bản chất như nhau? Viện phí và các khoản tài chính của doanh nghiệp cũng vậy. Do đó phải xác định loại thông tin gì liên quan đến lợi ích của người dân, cộng đồng, nhà nước thì phải cung cấp cho dù tạo ra từ nguồn nào, kể cả thuộc Nhà nước và không thuộc Nhà nước”- ông Thi nhấn mạnh.
Trong khi đó, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho rằng: Quyền tiếp cận thông tin của công dân thì cái nào hạn chế phải theo luật định. Cho nên phải quy định rõ thông tin bị hạn chế là thông tin nào? Thông tin để người dân tiếp cận là thông tin nào? Những điều đó cần được quy định chứ không phải lúc nào cũng mật để từ chối. Mặt khác, theo ông Hiền, để hạn chế thông tin thì cũng phải có quy định cụ thể? Bởi khi bị từ chối thì họ lại khiếu nại tố cáo.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, luật có quy định không trả lời thì bị khiếu nại tố cáo. Vậy Bộ Công an, Bộ Quốc phòng toàn vấn đề an ninh quốc gia, người dân đến hỏi thông tin mà không cung cấp thì bị khiếu nại à? Do vậy, cần xác định rõ thông tin nào được cung cấp, thông tin nào không để tránh trường hợp khiếu nại tố cáo.
Nguyên tắc là phải phục vụ dân
Trước vấn đề người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị cần quy định cụ thể thông tin nào người nhận thông tin phải trả phí? Bởi theo ông Hiển, không cẩn thận thì chi phí hành thu lớn hơn cả khoản thu.
“Người nhận thông tin không phải trả chi phí trong trường hợp nào? Vì một nguyên tắc cơ bản là Nhà nước phục vụ công dân. Không phải cái gì cũng chuyển sang giá, để phí là lệ phí là để phục vụ và cũng để người dân đỡ hơn. Cần cụ thể hóa ra trường hợp không phải trả phí. Còn nếu trả thì trả như thế nào? Mức nào phải trả? Mức nào không phải trả? Nhiều khi chi phí hành chính thu lớn hơn chi phí thanh toán. Phải có danh mục thu cụ thể như thế nào? Trường hợp nào không thu?”- ông Hiển nhấn mạnh.
Tán thành với quan điểm trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, đây là điểm còn vướng khi tiếp cận Dự án luật này. Thông tin do cơ quan Nhà nước tạo ra và nắm giữ là quá trình xuyên suốt hay là hai dạng thông tin độc lập. Sau khi dẫn chứng người dân muốn biết khu đất này quy hoạch chưa? Quy hoạch đến khi nào? Hay dịch bệnh có thể lan đến vùng này không thì nhu cầu đó là có thật”, bà Mai đề nghị, luật ra đời phải tạo cơ chế thuận lợi cho người ta tiếp cận và trên tinh thần phục vụ thực sự.
“Nhất thiết phải rà soát để xác định loại thông tin nào là bí mật, thông tin nào trước đây là mật bây giờ có thể cung cấp và hình thành danh mục rõ ràng để luật bớt đi sự mơ hồ. Đặc thù ở nước ta người dân thường đến UBND xã, phường để hỏi thông tin. Nên có cơ chế để UBND xã, phường hướng dẫn, hay giúp đỡ người dân đưa ra yêu cầu đến cơ quan khác. Nhưng nếu đến UBND xã, phường yêu cầu cung cấp thông tin mà phải trả phí thì hình như có cái gì đó cản trở vì nếu trong thời gian xác định mà không có tiền thì không có thông tin. Có phải loại thông tin nào cũng trả phí không?”- bà Mai chỉ rõ.
Bổ sung trách nhiệm bảo mật lưu trữ thông tin cá nhân Chiều cùng ngày, TVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật An toàn thông tin. Về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, trước ý kiến của ĐBQH đề nghị quy định cụ thể hơn về việc bảo vệ thông tin cá nhân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân theo Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, trước tình trạng phát tán thông tin cá nhân trên mạng tại Việt Nam gây bức xúc dư luận từ nhiều năm nay, nhằm góp phần hạn chế vấn nạn này, dự thảo Luật đã bổ sung những quy định tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng. Đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân của cơ quan nhà nước không trùng lắp với các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã được quy định tại Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử. |