Đại tướng Nguyễn Quyết: Ký ức xanh nguyên

Lục Bình (ghi) 13/08/2015 10:15

Trong số những nhân chứng lịch sử của những ngày diễn ra Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 mà tôi đã được gặp là Đại tướng Nguyễn Quyết - người được bầu vào BCH Trung ương 3 khóa liên tục từ khóa IV-khóa VI.

Đại tướng Nguyễn Quyết: Ký ức xanh nguyên

Đại tướng Nguyễn Quyết.

Ông đã kể lại rành rọt, phân tích thấu đáo vì sao lại có một cuộc chiến đấu trong một thành phố lớn, một bên là nhân dân với bên kia là lực lượng vũ trang hiện đại. Thế nhưng, lực lượng yếu hơn lại giành được chiến thắng vĩ đại.

Trọng trách

Vào thẳng câu chuyện của những ngày này cách đây tròn 70 năm, Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết, Cách mạng Tháng Tám đặt ra mục tiêu là: giành chính quyền, đánh đổ kẻ thù, phát xít, phong kiến để giành độc lập tự do cho đất nước. Mục tiêu là vậy, nhưng trong nước ta, đến thời điểm trước ngày 19-8-1945, chưa có một tấc đất tự do.

Có quá nhiều việc phải làm – vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, Uỷ viên Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội lúc bấy giờ nói.

Hai yêu cầu được đặt ra lúc đó là phải xây dựng lực lượng mạnh và có phương thức tiến công đúng, đồng thời phải nhanh chóng chớp thời cơ, nếu không chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Muốn giành độc lập trên toàn quốc, Thủ đô phải đi đầu. Phải giành chính quyền ở Hà Nội- nhiệm vụ nặng nề đặt lên vai vị Bí thư Thành ủy và các đồng chí của ông.

Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết: Hà Nội có vị trí chiến lược đặc biệt, lúc đó là cơ quan đầu não của phát xít Nhật. Nếu không “thanh toán” được cơ quan đầu não này, cách mạng rất khó thành công. Thế nhưng, để đánh bại cơ quan đầu não của địch không hề dễ. Từ giai đoạn 1930-1944 đã có tới 17 lần Thành ủy Hà Nội được thành lập, nhưng hoặc cơ sở bị bại lộ, hoặc Bí thư Thành ủy bị địch bắt.

Khi nhận nhiệm vụ làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, trực tiếp chỉ đạo quân và dân kháng chiến, nhiều anh em đã nói rằng, “cửa đó là cửa tử”, tôi sẽ trở thành con thiêu thân mà thôi. Còn tôi thì nói rằng, đã dấn thân vào con đường cách mạng, thì “ra đi chẳng tiếc đời xanh” - ông nhớ lại chuyện xưa.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tôi đã tìm hiểu rất kỹ lý do vì sao các vị Bí thư Thành ủy tiền nhiệm lại bị bắt hoặc cơ sở bị lộ thì rút ra một điều: Phải có căn cứ an toàn bảo vệ tổ chức của ta. Trong khi đó, trước đây cơ sở của ta toàn đóng trong nội thành. Tôi quyết định cho xây dựng căn cứ tại khu vực ngoại thành ở Đại lý Hoàn Long (vùng Nghĩa Đô bây giờ). Từ ngoại thành, căn cứ cách mạng này có nhiệm vụ chỉ đạo các hoạt động trong nội thành.

Tranh thủ, vận động đối phương

Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết, để tiến vào nội thành chỉ có một cách duy nhất: Tranh thủ vận động lực lượng đối lập, biến họ thành lực lượng của ta, phải cách mạng hóa họ. Đảng đặt vấn đề, phải tổ chức những người đã từng làm việc cho Pháp, Nhật, cảm hóa họ vào Quân nhân cứu quốc, Việt Nam cứu quốc.

Các kế hoạch vận động, cảm hóa đã được làm từng bước,bước đầu là phải cài người vào làm việc tại đơn vị của địch. Nhờ thế, kế hoạch vận động đã có những kết quả đáng mừng. Thậm chí chúng ta còn vận động được cả Trưởng ty cảnh sát đi theo cách mạng - Đại tướng Nguyễn Quyết nói.

Với câu hỏi vì sao chúng ta cảm hóa được những người đã từng làm việc ở chiến tuyến bên kia? Đại tướng Nguyễn Quyết cho rằng, phải có phương thức nhưng quan trọng là phải có thời cơ. Thời cơ của cách mạng đã đến sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945 - ông Nguyễn Quyết nói. Sau khi bị Nhật khủng bố những người đã từng có thời làm cho Pháp hết sức dao động, vì thế, chúng ta đã có điều kiện tranh thủ kéo họ đứng về phía chúng ta.

Thời cơ đã đến phải chủ động tiến công

Đêm 14 và ngày 15/8/1945, Xứ ủy Bắc kỳ đã họp ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Riêng Hà Nội, Xứ ủy thấy cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, nhưng phải thành lập ngay Ủy ban Quân sự để chuẩn bị khởi nghĩa.

Nói rõ vì sao Trung ương chưa quyết định đánh ở Hà Nội, Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết, vì đây là cơ quan đầu não của địch ở Đông Dương. Tại đây, quân Nhật còn nguyên lực lượng, nếu phát động khởi nghĩa, Hà Nội có thể gặp khó khăn. Hà Nội khó khăn sẽ ảnh hưởng tới các địa phương khác.

Dù vậy, tối 17/8/1945, sau khi phá thành công cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức (thân Nhật) nhằm ủng hộ chính quyền tay sai do Nhật mới dựng lên và biến nó thành cuộc mít tinh, biểu tình, biểu dương lực lượng của ta; nhận thấy thái độ của Nhật án binh bất động, cố thủ trong doanh trại, Thành ủy Hà Nội ngay trong đêm đã có cuộc họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Quyết.

Tại cuộc họp, ông đã đưa ra một quyết định lịch sử: Hà Nội sẽ tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Đối với quân Nhật, chủ trương của ta là giữ thái độ trung lập, cốt sao chúng không can thiệp vào công việc khởi nghĩa. Lực lượng khởi nghĩa chủ yếu là quần chúng cách mạng, có lực lượng cách mạng làm nòng cốt.

Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết, để ra quyết định như vậy, thật sự là cân não. Cuộc họp kéo dài suốt đêm, từ 8h tối hôm trước đến tận sáng hôm sau với 2 luồng ý kiến trái chiều. Luồng ý kiến thứ nhất là phải tiêu diệt địch, vì địch yếu rồi. Thứ hai là, phải chờ Trung ương. Cái khó nhất là chưa có chỉ thị của Trung ương. Dù vậy, không thể không quyết định, vì nếu chờ thì sẽ mất thời cơ.

Đại tướng Nguyễn Quyết tâm sự: “Đó là một quyết định táo bạo nhưng đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi khi đó, nếu không giành thắng lợi thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhưng ông tin đây là quyết định sáng suốt của cá nhân ông cũng như tập thể những người đã gắn bó, sống chết với phong trào cách mạng. Nếu tuột mất cơ hội ngàn năm có 1 này rồi mới tiến hành khởi nghĩa, hay cứ kiên quyết đánh Nhật thì chưa biết hậu quả sẽ thế nào khi quân Đồng minh đến Hà Nội.

Về ý kiến cho rằng, chiến thắng của Hà Nội là do may mắn mà có, Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết, đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Nếu chỉ nhìn vào tương quan lực lượng giữa hai bên thì Hà Nội không thể phát động khởi nghĩa và giành thắng lợi. Nói tới khởi nghĩa tức là vấn đề chính quyền. Kẻ thù không dễ gì từ bỏ chính quyền-công cụ thống trị của chúng. Chúng sẽ dùng bạo lực quân sự để chống lại. Hà Nội là nơi Bộ Tư lệnh Quân đoàn 38 của Nhật đóng, chúng còn nguyên vẹn về tổ chức với hơn 1 vạn sĩ quan và binh lính, trang bị hiện đại. Lực lượng bảo an binh cũng hơn 1 ngàn tên và bộ máy cảnh sát khá lớn. Trong khi lực lượng của ta chỉ có 700 người với vũ khí thô sơ - Tướng Quyết nhận định.

Tuy tổ chức và trang bị của lực lượng vũ trang địch chưa tổn thất nhưng tinh thần của chúng rệu rã. Binh lính Nhật chỉ chờ lệnh hạ vũ khí đầu hàng của Nhật Hoàng để trở về nước với gia đình, không còn ý chí chiến đấu. Còn binh lính người Việt làm cho Nhật cũng mất hết tinh thần chiến đấu. Trong khi lực lượng cách mạng quần chúng, tinh thần khí thế lên rất cao. Nếu những người lãnh đạo khởi nghĩa có phương sách mềm dẻo ôn hòa, thuyết phục các đơn vị Nhật “đứng ngoài cuộc” thì khởi nghĩa sẽ thuận lợi, không đổ máu.

Tướng Nguyễn Quyết kể rằng, ông chính là người chỉ huy đoàn biểu tình đi chiếm trại bảo an binh ở số nhà 40 Hàng Bài. Đây là căn cứ quân sự lớn của ngụy quyền ở Bắc Kỳ. Chỉ huy trại bảo an binh cố trì hoãn, định cố thủ. Chúng đóng chặt cổng nhưng đã bị đội quân của ta phá cổng, buộc chỉ huy trại ra gặp.

Trước khí thế cách mạng sục sôi của ta, chỉ huy trại bảo an binh đã chấp nhận đầu hàng. Tưởng rằng chiếm bảo an binh dễ dàng nhưng sợ ta chiếm trại sẽ lấy vũ khí tiêu diệt chúng, quân Nhật đã đem xe tăng và binh lính đến bao vây, uy hiếp đòi chiếm lại trại. Bằng sự linh hoạt, khôn khéo trong ứng xử, nhưng kiên định trong nguyên tắc và kiên quyết trong hành động, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết đã chỉ đạo đoàn biểu tình đấu tranh khôn ngoan với địch bằng phương thức tuyên truyền, thuyết phục làm cho quân Nhật không hành động liều lĩnh mà quay về doanh trại. Cứ như vậy, bằng phương thức vận động thuyết phục chứ không dùng vũ trang, quân và dân Hà Nội vùng dậy khởi nghĩa khắp nơi giành chính quyền về tay nhân dân.

Nói về bài học kinh nghiệm đặt ra trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, Tướng Quyết cho rằng, lực lượng quyết định làm nên thắng lợi chính là nhân dân. Tinh thần quyết chiến, sự quả cảm quyết hy sinh vì Tổ quốc của quân dân Thủ đô dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh cũng như sự sáng tạo, linh hoạt của Thành ủy Hà Nội đã làm nên chiến thắng.

Nhận xét về chiến công này, chính Tổng Bí thư Trường Chinh lúc đương nhiệm đã từng viết: “Nhiệt tình cách mạng của quần chúng, tinh thần sáng tạo của Đảng bộ địa phương đã biến chủ trương đúng đắn của Đảng thành thắng lợi. Chúng tôi nghĩ Hà Nội thắng lợi, cả nước nhất định sẽ noi gương Hà Nội, cách mạng cả nước nhất định thành công”.

Lục Bình (ghi)