Người thu nhập thấp vẫn mơ về một ngôi nhà

Nam Việt 13/08/2015 09:10

Vấn đề quản lý chặt chẽ quỹ nhà ở xã hội cần phải được đặt ra, để ngăn chặn những hành vi trục lợi, sai đối tượng: người thu nhập thấp không được hưởng chính sách ưu đãi dành cho mình mà người có tiền lại “lợi đơn lợi kép”.

Người lao động thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn

vay ngân hàng để mua nhà ở xã hội.

Sau gần tháng rưỡi Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chính thức có hiệu lực (kể từ ngày 1/7), thị trường nhà đất có những chuyển động ra sao? Với sự thông thoáng trong quy định người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam, Việt kiều có nhiều cơ hội đầu tư vào BĐS trong nước. Tuy nhiên, nhà ở xã hội - hay nói cách khác là nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn là vấn đề cần được quan tâm. Cùng đó là việc các chủ đầu tư BĐS có bán được sản phẩm thật hay không, thị trường nhà đất có ấm lên thật hay không cũng là câu hỏi treo lơ lửng.

Tuy Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực chưa lâu nhưng đã nhận được phản ứng tích cực từ kiều bào. Một kiều bào sống tại Anh cho biết, bà quyết định mua một căn biệt thự ở bờ biển Phước Tĩnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) vì tiền gửi tiết kiệm bên Anh lãi suất 1,5% mỗi năm, trừ thuế 20% còn lại 1,2% năm, là thấp. Trong khi mua biệt thự kể trên có thể sinh lời 8% (tính theo USD). Như vậy lợi hơn nhiều.

Về mặt thủ tục giấy tờ, bà con kiều bào cũng khá yên tâm khi đầu tư vào BĐS trong nước, vì trong trường hợp không đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc là người Việt thì vẫn có đủ các quyền sở hữu nhà, mua bán như người nước ngoài, không còn phải đối mặt với rủi ro khi nhờ người khác đứng tên.

Mới đây, tại Phú Quốc, một Việt kiều Đông Âu đã đăng ký mua 7 căn hộ hướng biển trong một dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Bãi Dài. Người ta tính rằng, chỉ với việc cho thuê nhà thì lãi suất cũng đạt trên dưới 6%/năm so với tổng số vốn bỏ ra. Thống kê của Công ty Novaland, trong tháng 7, lượng Việt kiều mua căn hộ tại các dự án doanh nghiệp làm chủ đầu tư chiếm 10% tổng lượng giao dịch. Đáng chú ý, các hợp đồng mua nhà này tập trung vào phân khúc chung cư cao cấp.

Cũng có thể nêu một ví dụ khác. Từ đầu tháng 7 đến ngày 9/8, Công ty Phú Mỹ Hưng đã có hơn 100 trường hợp giao dịch từ Việt kiều và người nước ngoài. Trong tổng số nhà bán được tại Phú Mỹ Hưng, có khoảng 10% kiều bào là chủ sở hữu. Dự án City Gate trên đường Võ Văn Kiệt (TP.HCM), với phân khúc chung cư trung bình (từ 1-1,2 tỷ đồng), 16-18 triệu đồng/m2, hơn một tháng qua, lượng giao dịch của kiều bào tại Dự án này chiếm 20% tổng lượng giao dịch.

Theo ông Nguyễn Xuân Lộc- Tổng Giám đốc Công ty Techcomreal, có 3 lý do để Việt kiều mạnh dạn trở về Việt Nam đầu tư bất động sản trong thời điểm này. Thứ nhất là sức hấp dẫn nội tại của thị trường đã bước vào chu kỳ hồi phục. Thứ hai là các chính sách đã hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường BĐS. Và thứ ba là thực tế đầu tư thành công của không ít Việt kiều từ Mỹ, Đông Âu vào lĩnh vực này trong thời gian qua.

Thị trường BĐS cũng nhộn nhịp hơn khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ thực sự “ngấm”. Tiến độ giải ngân đã tăng lên. Trong cuộc họp báo thường kỳ cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn văn Nên cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện (đến 31/5/2015), tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng khoảng 14.161 tỷ đồng (đạt gần 50% tổng số tiền của gói hỗ trợ), trong đó có hơn 18.000 hộ gia đình, cá nhân với số tiền là gần 9.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng cho biết, nếu doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ này để trục lợi sẽ bị xử lý.

Đó là những tín hiệu vui, nhưng với chính sách nhà ở xã hội thì vẫn còn vấn đề phải quan tâm. Thủ tục để đối tượng thu nhập thấp có thể vay tiền ngân hàng mua nhà vẫn khó khăn. Bản thân các ngân hàng ngại cho vay, do sợ tồn đọng nợ khó đòi. Việc chứng minh khả năng chi trả của người thu nhập thấp không dễ chút nào. Vì thế, với nhiều người thuộc diện này, giấc mơ có một ngôi nhà vẫn xa vời.

Với những người có ý định vay tiền mua nhà trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng thì phải có vốn tối thiểu 20% so với tổng số tiền vay và ngân hàng cũng buộc người vay phải chứng minh mình đủ khả năng tích lũy trả nợ. Với người thu nhập thấp thì đây là việc “khó như lên giời”.

Theo Bộ Xây dựng, đến năm 2020, ước tính cả nước sẽ cần khoảng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội với diện tích trung bình 50m²/căn tại khu vực đô thị. Cụ thể, nhu cầu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM sẽ trong khoảng 130-140 nghìn căn. Nhưng đối với công chức, người lao động làm công ăn lương, vay được tiền để mua nhà là cả một chặng đường khó khăn.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại Hà Nội” cách đây chưa lâu, với câu hỏi: Vừa qua đã phát hiện bao nhiêu trường hợp mua nhà thu nhập thấp không đúng quy định tại Hà Nội? Khi phát hiện sai phạm như vậy thì thành phố xử lý như thế nào?, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Qua kiểm tra đã phát hiện và tiến hành thu hồi 2 căn hộ chuyển nhượng trái phép tại Dự án nhà ở thu nhập thấp (CT1) Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông; 8 trường hợp hộ gia đình đăng ký mua 2 lần. Các trường hợp phát hiện này đều được thu hồi để bán cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định.

Như vậy, vấn đề quản lý chặt chẽ quỹ nhà ở xã hội cần phải được đặt ra, để ngăn chặn những hành vi trục lợi, sai đối tượng: người thu nhập thấp không được hưởng chính sách ưu đãi dành cho mình mà người có tiền lại “lợi đơn lợi kép”. Công khai, minh bạch các thông tin dự án trên địa bàn để người dân biết là điều rất quan trọng, không thể cứ “u u minh minh”, khiến cho một chính sách đúng, mang nhiều tính nhân văn bị lạm dụng.

Như vậy, nhìn tổng thể, bức tranh BĐS có điểm sáng, nhưng chưa thể nói đã ấm lên, vì số người có tiền mua nhà không nhiều. Do đó, rất cần thận trọng trước những thông tin lạc quan về thị trường này.

Nam Việt