Lát đá phố cổ Hà Nội: Nhiều tiền có đẹp hơn?

Hương Lê - Hoàng Minh 13/08/2015 09:20

KTS Đặng Việt Dũng cũng nhấn mạnh: Nếu như có lát đá, TP Hà Nội phải nghiên cứu sự hài hòa trong không gian văn hóa truyền thống. Và nếu định làm, ngoài việc tham vấn ý kiến chuyên gia, việc quan trọng nhất là phải tham khảo, thăm dò nguyện vọng, tâm tư của chính người dân, của cộng đồng đang sinh sống tại phố cổ.

Lát đá phố cổ Hà Nội: Nhiều tiền có đẹp hơn?

Phố Tạ Hiện là phố đầu tiên ở Hà Nội lát đá mặt đường.

Nguồn:enternews.vn

Chủ trương lát đá các tuyến phố đi bộ Hà Nội đang là sự quan tâm của nhiều người. Chuyện xuất phát từ một văn bản của UBND quận Hoàn Kiếm kiến nghị với UBND TP Hà Nội cho lát đá tự nhiên mặt đường 11 tuyến phố nằm trong khu bảo tồn cấp I của phố cổ Hà Nội.

Từ kiến nghị của quận Hoàn Kiếm, văn phòng UBND TP Hà Nội cũng đã phát đi một thông báo, đại ý nêu các đơn vị liên quan (Sở GTVT, Sở Xây dựng…) kiểm tra nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp của việc lát đá mặt đường của một số tuyến phố như đề nghị nói trên. Sau đó các đơn vị phải báo cáo lại cho UBND TP Hà Nội nắm tình hình, xem xét, quyết định.

Căn cứ để đưa ra đề xuất ấy, theo UBND quận Hoàn Kiếm, từ năm 2011 BQL phố cổ đã thực hiện dự án cải tạo thí điểm mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiện kết hợp cải tạo hè, đường phố Tạ Hiện (đoạn từ Lương Ngọc Quyến đến Đào Duy Từ) bằng cách đổ bêtông dày 25cm, bề mặt hoàn thiện lát đá tự nhiên kích cỡ 10x10x10cm. Phần bó vỉa, vỉa hè được thay thế bằng đá tự nhiên. Và từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay, dự án thí điểm ở phố Tạ Hiện đã phát huy tốt giá trị, trở thành điểm thu hút du khách đến với phố cổ Hà Nội.

Theo đó, để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng và thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch gắn với bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống, phù hợp với việc mở rộng tuyến phố đi bộ trong khu vực phố cổ, UBND quận đề nghị được thực hiện dự án đổ bêtông nền đường, lát đá tự nhiên trên mặt đường với kích cỡ 10x10x10cm tại 11 tuyến phố gồm: phố Tạ Hiện (đoạn còn lại từ ngã tư Hàng Bạc đến ngã tư Lương Ngọc Quyến và từ ngã ba ngõ Đào Duy Từ đến ngã ba Hàng Buồm), Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Đào Duy Từ.

Về chủ trương này, PGS Hà Đình Đức đã bày tỏ quan điểm rằng, để đảm bảo sự hài hòa trong không gian phố cổ, nhất thiết phải tham vấn ý kiến của cộng đồng, trong đó có giới nghiên cứu, chuyên gia thuộc mọi lĩnh vực: xây dựng, kiến trúc, giao thông, văn hóa- lịch sử. Bởi từ xưa đến nay, phố cổ Hà Nội chưa hề được lát đá.

Phố đi bộ của các nước có lát đá - đó là chuyện của họ. Nay nếu áp dụng ở phố cổ Hà Nội, cũng phải xem như thế có hợp lý không. Nói như thế có nghĩa ông không phản đối chủ trương ấy, nhưng chính ông cũng băn khoăn rằng họ sẽ lát ra sao, lát như thế nào? Lát đá trên bề mặt đường sẵn có hiện nay hay là cạy toàn bộ lớp mặt đường hiện nay ra để lát đá vào? Làm như thế nào cũng thấy có những mặt hạn chế.

Cạy lớp mặt hiện nay lên mà lát ở cả 11 tuyến phố đi bộ thì sẽ tốn kém vô cùng. Mà lát đá lên trên nền có sẵn thì phải tính toán về mặt kỹ thuật xem liệu sau những cơn mưa, mặt đường phố cổ có trở thành những cái ao không? Rồi đá lát cũng phải là loại đá chống trơn trượt, chứ không phải cứ nói đá tự nhiên là lát. Hơn thế, chỉ nên lát ở những tuyến phố đi bộ hoàn toàn, thực sự chứ không phả là lát tất cả.

“Tôi cho rằng lát đá như ở đường chợ Âm Phủ (cũ) hiện nay là ổn, còn tại phố Yết Kiêu vẫn là lát tảng to…”- PGS Hà Đình Đức nói. Và ông chốt lại: Đừng nghĩ rằng có tiền sẽ làm cho phố xá đẹp lên…

Lát đá phố cổ Hà Nội: Nhiều tiền có đẹp hơn? - 1

Phố cổ Hà Nội .

Trong khi đó, KTS Đặng Việt Dũng - Giảng viên Trường ĐH Xây dựng Hà Nội thẳng thắn: Việc lát đá các tuyến phố cổ tại thời điểm này là không cần thiết, rất tốn kém và chưa chắc đã phù hợp với cả mục đích về giao thông lẫn cảnh quan. Dưới góc nhìn của một KTS yêu phố cổ Hà Nội, theo ông Đặng Việt Dũng, phố đi bộ Hà Nội mục đích sử dụng đầu tiên là phục vụ cho giao thông đi lại của người dân. Khi lát đá, xét về mặt thẩm mỹ đường phố sẽ có sự khác biệt hơn, nhưng về mặt giao thông thì chưa chắc đã tốt.

“Theo tôi được biết, việc lát đá xuất phát từ phương Tây, cụ thể các nước châu Âu họ đã lát từ thế kỷ thứ 12 – 13. Phần lớn phục vụ cho người đi bộ, xe ngựa… di chuyển chậm không ảnh hưởng gì nhiều đến giao thông. Nhưng ở thời đại hiện nay, tốc độ di chuyển của các phương tiện đã lớn hơn, đa dạng hơn nên việc sử dụng bê tông nhựa có vẻ hợp lý hơn. Với lại trước đây vật liệu bê tông là chưa có nên người ta buộc phải sử dụng các vật liệu tự nhiên là gạch, đá”.

KTS Đặng Việt Dũng cũng nhấn mạnh: Nếu như có lát đá, TP Hà Nội phải nghiên cứu sự hài hòa trong không gian văn hóa truyền thống. Và nếu định làm, ngoài việc tham vấn ý kiến chuyên gia, việc quan trọng nhất là phải tham khảo, thăm dò nguyện vọng, tâm tư của chính người dân, của cộng đồng đang sinh sống tại phố cổ. Không nên áp đặt những ý kiến của các đơn vị đầu tư vào việc lát đá 11 tuyến đường phố cổ - nếu không có sự bàn bạc kỹ lưỡng.

Theo PGS Hà Đình Đức, triển khai bất cứ một dự án nào, một công trình nào trong khu phố cổ cũng như xung quanh khu vực Hồ Gươm đều phải nghiên cứu kỹ càng. Ông còn chia sẻ thêm: Mới đây, nghe tin thành phố có chủ trương đồng ý cho một doanh nghiệp sản xuất nước ngọt đặt hàng chục địa điểm bán hàng tự động quanh Hồ Gươm (mà chưa tham vấn ý kiến của cộng đồng), ông rất lấy làm phiền lòng và bức xúc. Ông bảo: “Nếu đúng là có việc ấy, tôi sẽ kịch liệt phản đối!”.

Bảo tồn phố cổ Hà Nội là mục tiêu lâu dài. Đã có nhiều dự án được triển khai nhằm vừa gìn giữ, vừa phát huy giá trị của phố cổ, đặc biệt là gắn với phát triển du lịch. Nhưng thực tế đang cho thất bảo tồn phố cổ cũng không dễ. Đặc trưng của phố của Hà Nội có sự khác biệt với những khu phố cổ của các quốc gia khác như sự thay đổi phức tạp của mật độ dân cư, quá trình hiện đại hóa chóng mặt, trong lòng phố cổ có nhiều di tích văn hóa, lịch sử… nên việc áp dụng những dự án bảo tồn không phải lúc nào cũng nói là có thể tức tốc làm ngay được.

Hương Lê - Hoàng Minh