Ăn bát cơm ngay ngáy lo thịt bẩn

Mminh Vũ 13/08/2015 09:35

Với từ khóa “thịt bẩn”, chỉ trong 0,31 giây, trang tìm kiếm Google cho ra 111.000 kết quả (chiều 12-8). Những thông tin về thịt lợn bẩn, về những trang trại nuôi lợn (miền Nam gọi là nuôi heo) bằng các chất cấm (chất tạo nạc, tăng trọng, tiêm thuốc an thần…) khiến cho miếng ăn giờ đây đang cần báo động hơn bao giờ hết.

Thịt bẩn bị phát hiện, tiêu hủy.

Cần nhắc lại, chuyện này không mới. Tuy nhiên, một câu chuyện cũ nhưng bấy lâu nay vẫn chưa ngăn chặn được, thậm chí ngày càng nguy hiểm hơn. Chi cục Thú y TP.HCM vừa qua đã tiến hành lấy 222 mẫu nước tiểu từ các đàn lợn của 8 tỉnh có lượng thịt lợn lớn nhập vào TP HCM là Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng và ở cả TP HCM để xét nghiệm.

Kết quả cho thấy, lượng heo sử dụng chất cấm có nguồn gốc nhiều nhất từ Đồng Nai, đứng sau là Long An, Tiền Giang. Tiến hành kiểm tra 8 cơ sở giết mổ ở TP HCM kết quả cũng cho thấy lượng heo sử dụng chất cấm beta-agonist (chất tạo nạc, tăng trọng cho lợn) ngày càng báo động. Một mẫu xét nghiệm đã cho biết: so với năm 2014, có cơ sở đã sử dụng liều lượng chất cấm tăng gấp đôi. Điều đó cho thấy sức khỏe của người tiêu dùng vẫn luôn bị đe dọa khi họ phải sử dụng thịt lợn bẩn mỗi ngày.

Theo cán bộ thú y, chất tăng trọng, tạo nạc là một hợp chất hóa học thuộc họ beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine) được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Trong những chất kể trên thì salbutamol, clenbuterol và ractopamine là 3 chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Việc sử dụng các loại chất này tồn dư trong thịt sẽ gây ra hội chứng ngộ độc gồm các triệu chứng như: tim đập nhanh, run cơ, tăng huyết áp, căng thẳng, đau đầu, đau cơ, buồn nôn...

Cũng ở phía Nam còn có chuyện, khi kiểm tra một số lò mổ thấy các con lợn đều trong tình trạng mệt mỏi, ngủ li bì. Kiểm tra quanh đó, cán bộ thú y phát hiện những lọ thuốc an thần Prozil hoặc Combistress cùng ống tiêm. Theo chủ lò mổ cho biết, tiêm loại thuốc này không chỉ khiến cho đàn lợn nằm bất động, không kêu la, dễ dàng cho việc vận chuyển và giết mổ, mà còn khiến thịt lợn mềm, đẹp hơn. Vì thế họ trước khi mổ khoảng 2 tiếng họ tiến hành tiêm thuốc cho lợn, 1 lọ tiêm được 40 - 50 con.

Được biết, loại thuốc này không cho phép sử dụng trước khi giết mổ, nếu đã sử dụng phải có thời gian là 14 ngày thì thuốc đào thải hết. Nếu người tiêu dùng liên tục ăn thịt lợn có chứa thuốc an thần sẽ bị rối loạn tiêu hóa, mắc các bệnh về thận, thần kinh..., cảnh báo từ BS Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam. Chất an thần tích tụ lâu trong người sẽ gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật như ung thư xương, đãng trí, trầm uất, run tay chân... Trẻ em ăn phải thịt lợn tiêm thuốc an thần sẽ bị nhiễm độc dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đần độn, quấy khóc...

Những cảnh báo trên càng khiến cho các bà nội trợ lo lắng. Nhưng không mua thịt lợn thì biết mua thịt gì? Bởi bấy lâu nay, thịt lợn vẫn là thực phẩm được các bà nội trợ tiêu dùng nhiều nhất trong các loại thịt. Cũng có xuất hiện những nhóm tiêu dùng thông minh. Ví như mấy người rủ nhau về quê tìm mua chung một cọn lợn, tự mổ, cất tủ lạnh ăn dần. Cách này hay, nhưng không dễ thực hiện thường xuyên, khi mà mỗi người mỗi việc, lại khá cách rách nhiêu khê.

Bà Nguyễn Thị Mai (16 Trần Hưng Đạo - Hà Nội) thì không biết học đâu được cách khi mua thịt lợn về bà liền rửa thịt với nước muối, đun nước đầu rồi đổ đi, thấy bọt nổi lên là lập tức vớt bỏ. Nhưng cách làm này chỉ giải quyết được với món luộc, còn những món khác thì khó. Một bà nội trợ khác thì lựa chọn: dần dần bỏ bớt thịt cá, cứ cách một ngày lại ăn chay, dùng thực phẩm chức năng thay cho một bữa ăn trong ngày…

Nhưng xem ra, thực hiện cách nào cũng đều hoặc là cực đoan hoặc là đối phó tạm thời. Bởi chúng ta đang sống trong một xã hội năng động, trong đó, ăn uống ở nhà chỉ chiếm một phần nhỏ. Còn lại là ăn uống ở nhiều nơi, nơi này tiệc cưới, nơi kia hội họp… Trẻ nhỏ thì ăn ở trường lớp. Công nhân, người lao động ăn uống trong bếp ăn tập thể…

Bởi vậy, ý kiến người dân và chuyên gia đều thống nhất: để không thường trực nỗi lo ăn phải thịt bẩn, ngành chức năng cần phải quản lý chăn nuôi thật nghiêm, thật chặt chẽ và phải làm sao cho người mua bán, sử dụng chất cấm hiểu được việc họ đang làm cũng có thể gây hại cho chính người thân của mình. Họ cũng kiến nghị, những cơ sở vi phạm cần phải đình chỉ hoạt động và xử phạt thật nghiêm…

Chất tăng trọng, tạo nạc là một hợp chất hóa học thuộc họ beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine) được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Việc sử dụng các loại chất này tồn dư trong thịt sẽ gây ra hội chứng ngộ độc gồm các triệu chứng như: tim đập nhanh, run cơ, tăng huyết áp, căng thẳng, đau đầu, đau cơ, buồn nôn...

Mminh Vũ