Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng NDT: Thị trường tài chính sụt giảm

Khánh Duy 13/08/2015 09:20

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc làm choáng váng các thị trường tài chính toàn cầu trong hôm 12/8 bằng cách tiếp tục mạnh tay phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) trong ngày thứ hai liên tiếp, sau khi giảm tỷ giá đồng tiền này xuống thêm 1,62%. Đây là mức hạ giá kỷ lục của NDT trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Trung Quốc tiếp tục gây cú sốc mới cho thị trường tài chính toàn cầu khi
tiếp tục phá giá đồng NDT ngày thứ 2 liên tiếp (nguồn: EPA).

Hạ giá ngày thứ hai liên tiếp

Sau khi phá giá đồng nhân dân tệ gần 2%, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 12/8 đã tiếp tục điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu của NDT với USD thêm 1,62%, xuống 6,3306 NDT đổi 1 USD. Trước đó tỷ giá tham chiếu được cố định ở mức 6,2298 NDT đổi 1 USD.

Động thái của PBOC đã tạo nên một đợt chấn động mới đối với các thị trường toàn cầu, đẩy giá cổ phiếu xuống thấp trong khi giá hàng hóa tăng mạnh do giới doanh nghiệp quan ngại rằng nó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tiền tệ gây bất ổn cho nền kinh tế toàn thế giới.

Động thái cũng khiến cho hàng loạt các thị trường ở châu Á sụt giảm đồng loạt, còn ở châu Âu, các thị trường chứng khoán cũng mất 1% khi chỉ số FTSE 100 sụt giảm 2% chỉ trong một phiên giao dịch.

Đồng tiền của Trung Quốc hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua sau khi PBOC tiếp tục phá giá nó. Trước đó chỉ một ngày, PBOC từng tuyên bố rằng động thái của họ chỉ là hành động “diễn ra một lần” duy nhất, tuy nhiên họ lại làm ngược lại ngay trong ngày hôm sau.

Chứng khoán nhuộm sắc đỏ

Việc đồng NDT tiếp tục bị phá giá một cách bất ngờ đã khiến chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh ở Hong Kong, với chỉ số Hang Seng giảm tới 2,6%. Chỉ số Shanghai Compposite mất 1% xuống còn 3.886,32 điểm, chỉ số CSI300 của các công ty lớn nhất ở Thượng Hải cũng mất 1,2% xuống còn 4.016,13 điểm.

Chứng khoán của các hãng hàng không chịu ảnh hưởng đặc biệt lớn từ việc đồng NDT bị phá giá do các nhà đầu tư lo ngại một đồng NDT yếu hơn sẽ góp phần làm tăng chi phí nhiên liệu. Cổ phiếu của Hãng hàng không Air China đã mất giá 4,4%, trong khi các đối thủ của họ là Hãng China Eastern và China Southern cũng có giá trị cổ phiếu giảm gần 6%.

Góp phần vào sự sụt giảm đồng loạt của các thị trường tài chính và chứng khoán là các chỉ số kinh tế cũng suy giảm theo. Trước đây, các nhà kinh tế học từng đưa ra mức tăng trưởng dự báo của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đạt 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giờ đây con số dự báo đã hạ xuống còn 11,2%.

Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc cũng bị lỡ mục tiêu tăng trưởng của mình, khi chỉ đạt mức tăng trưởng 6% so với mức 6,6% được đưa ra trước đó. Thêm vào đó là chỉ số dự báo bán lẻ của thị trường Trung Quốc trong tháng 7, đạt 2,43 nghìn tỷ NDT, cũng chỉ tăng 10,5% so với tháng trước đó, thấp hơn mức kỳ vọng từng được đưa ra là 10,6%.

Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei đã mất 1,6%, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,56%. Đồng Dollar của Australia cũng giảm xuống mức kỷ lục trong vòng 6 năm qua, và gặp phải tình trạng bán tháo hàng loạt trong hôm 11/8. Đồng USD, ngược lại, đã tăng mạnh so với nhiều đồng tiền của châu Á. Một số loại vật liệu chủ chốt trong ngành công nghiệp xây dựng như kền, đồng và nhôm, trong khi đó, lại tụt giá xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 6 năm qua.

Có tiếp tục phá giá?

PBOC, trước đó từng nói rằng họ chỉ hạ giá đồng NDT một lần duy nhất nhằm phản ứng với các tác động thị trường, đã tìm cách trấn an các thị trường tài chính hôm 12/8 rằng họ không có dự định tiếp tục phá giá đồng tiền này nữa.

“Dựa vào tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, hiện tại không có sơ sở để nói rằng đồng NDT đang có xu hướng tiếp tục mất giá” – PBOC nói hôm 12/8. Thế nhưng, sau đợt phá giá hôm 11/8, gây biến chuyển lớn cho các thị trường tài chính thế giới cũng như các chỉ số kinh tế, nhiều nhà phân tích quan ngại rằng Trung Quốc sẽ còn tiếp tục thay đổi tỷ giá đồng NDT.

Một đồng NDT suy yếu hơn hiển nhiên sẽ trợ giúp hữu hiệu các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc bằng cách giảm giá các mặt hàng này trên các thị trường nước ngoài. Cuối tuần trước, các chỉ số kinh tế cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm 8,3%.

Cũng trong ngày 12/8, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hoan nghênh động thái của Trung Quốc, nói rằng việc hạ giá đồng NDT nhằm thích nghi với các tác động thị trường là một bước đi nên được ủng hộ. IMF cũng cho rằng Bắc Kinh nên nhắm vào mục tiêu đạt được tỷ lệ hối đoái thả nổi hữu hiệu trong vòng 2-3 năm tới.

Hiện Bắc Kinh đang tích cực vận động IMF để có thể đưa đồng NDT vào giỏ tiền tệ tạo thành tài sản dự trữ quốc tế của tổ chức này, hay còn gọi là quyền rút vốn đặc biệt (SDR) sau đó sẽ cho các nước khác vay vốn. Tuy nhiên, từ trước đến nay, luôn có những ý kiến tỏ ý nghi ngại về sự thích hợp của đồng NDT trong vai trò là một đồng tiền dự trữ chính thức trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát đồng tiền này.

Khánh Duy