Siết chặt quản lý thực phẩm chức năng: Không để vàng thau lẫn lộn
Tại cuộc hội thảo để góp ý vào dự thảo ban hành tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng (TPCN) diễn ra sáng 13/8, các chuyên gia cho rằng chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng mất kiểm soát sản xuất TPCN, chưa có chuẩn mực về điều kiện sản xuất. TPCN sản xuất trong nước không đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, đang bị người tiêu dùng tẩy chay và cũng không xuất khẩu được.
Cần quản lý thực phẩm chức năng, tránh tình trạng bát nháo.
Trong bối cảnh đời sống no đủ, chúng ta đang phải đối phó với một loại dịch bệnh mới, đó là dịch bệnh các bệnh mạn tính không lây như: Béo phì, đái tháo đường, ung thư, bệnh tim mạch, bệnh xương khớp, bệnh thần kinh… Lý do là do khẩu phần ăn tuy no đủ về đại chất dinh dưỡng nhưng bị đói về vi chất (thiếu hụt các vitamin và chất khoáng), gia tăng rác (các gốc tự do) và bụi (AGEs) trong cơ thể.
Biện pháp phòng ngừa dịch bệnh các bệnh mạn tính không lây là phải bổ sung các vi chất (vitamin, chất khoáng) để chống nạn đói vi chất và bổ sung các hoạt chất để nhặt rác và lau bụi trong cơ thể, không để chúng tích lũy lại gây tổn thương các tổ chức, tạo nên các bệnh mạn tính. Khoa học đã chứng minh phương thức bổ sung tối ưu nhất đối với vi chất và các chất chống oxy hóa là dưới dạng thực phẩm. Và do đó, TPCN ra đời, trong chừng mực nào đó được coi là công cụ bảo vệ sức khỏe của thế kỷ 21 và được ví như “Vaccine dự phòng các bệnh mạn tính không lây”.
Ở Việt Nam, nếu năm 2000 mới có 13 cơ sở sản xuất - kinh doanh 63 sản phẩm TPCN thì năm 2005 có 143 cơ sở với 361 loại sản phẩm TPCN. Năm 2010, số này đã tăng lên 1.626 cơ sở với 3.721 sản phẩm TPCN và năm 2013 có 3.512 cơ sở với 6.851 sản phẩm TPCN lưu hành. Số người sử dụng TPCN cũng ngày càng tăng lên. Qua điều tra của Cục An toàn thực phẩm (năm 2012), tỷ lệ người lớn sử dụng TPCN ở Hà Nội là 63%, ở TP.HCM là 43%. Tỷ lệ dân số sử dụng TPCN ước tính là 6,6%.
Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm chức năng bao gồm toàn bộ quá trình sản xuất từ việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào, điều kiện cơ sở nhà xưởng, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, điều kiện con người, quy trình thao tác thực hành cần tuân thủ cũng như việc duy trì, giám sát kiểm tra, khắc phục sai lỗi và lưu trữ hồ sơ. Phần lớn các nước hiện nay đều bắt buộc áp dụng GMP thì sản phẩm mới được lưu hành, xuất khẩu và nhập khẩu.
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho rằng: “Có lúc, có người trong chúng ta đã từng thần thánh hoá loại hình thực phẩm này với người tiêu dùng. Trong cùng một mặt hàng, nhất định cái anh đầu tư vài trăm triệu đồng sẽ không thể đảm bảo vệ sinh ATTP bằng cái anh đầu tư hàng tỷ đồng để sản xuất”. Và chúng ta phải thanh lọc họ bằng GMP-TPCN. Vừa rồi, Cục ATTP phải gửi công văn cho các Đại sứ quán có TPCN nhập khẩu vào Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada... để được biết cơ quan nào cấp giấy này ở đó. “Chúng ta không thể để tiếp diễn mãi tình trạng bát nháo, vàng thau lẫn lộn như hiện nay và nhất định chúng ta phải tiệm cận đến một nền sản xuất áp dụng GMP - TPCN trong tương lai gần” - Cục trưởng Phong nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng (VAFF) bày tỏ quan điểm rất hoan nghênh động thái xiết chặt quản lý TPCN của Cục ATTP. Ông cho rằng, đây là cơ hội để ngành kinh tế y tế này phát triển theo định hướng thực chất và bền vững.