Hàng Việt lo 'đấu' với hàng Trung Quốc giá rẻ
Trước việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại, sự tác động từ phá giá đồng nhân dân tệ cùng với hàng giá rẻ đang tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam.
Ảnh minh họa (nguồn Internet).
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, xét trong lĩnh vực xuất nhập khẩu việc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ có lợi cho DN nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc do giá nhập khẩu giảm. Từ đó hàng Trung Quốc vào nước ta nhiều hơn. TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, đồng Nhân dân tệ giảm giá so với đồng USD sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam đồng vì Việt Nam đang muốn neo tỷ giá ở mức ổn định. Nhân dân tệ giảm giá hàng Việt xuất sang thị trường nước này sẽ đắt đỏ hơn, vô hình trung giảm tính cạnh tranh.
Quan ngại trước tình trạng phá giá sâu đồng Nhân dân tệ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lo lắng, hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc sẽ tăng thêm tính cạnh tranh và tràn vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt, cuối năm nay Hiệp định hợp đối tác kinh tế toàn diện khu vực gồm 10 nước ASEAN và Trung, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, New Zeland sẽ được ký kết thì nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc vào Việt Nam có thuế suất bằng 0%. Khi đó hàng Trung Quốc lại có thêm lợi thế.
Rõ ràng không phải đến thời điểm này mới lo tình trạng hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường. Bởi, từ trước đến nay DN đua nhau nhập hàng Trung Quốc về nước tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu do hàng Trung Quốc giá rẻ, lợi nhuận khá lớn trong kinh doanh. Hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bên thua thiệt chính là DN sản xuất hàng Việt.
Thực tế chứng minh, hàng Việt phải chật vật cạnh tranh về giá cả, chất lượng với hàng Trung Quốc. Không dừng lại ở mặt hàng tiêu dùng, liên kiện điện tử; máy móc - trang thiết bị Trung Quốc cũng ồ ạt thâm nhập thị trường Việt Nam với giá rẻ bất ngờ. Lý giải về vấn đề này hầu hết DN cho rằng, mặc dù biết chất lượng máy móc có xuất xứ từ Nhật Bản, Mỹ, Ý… chất lượng tốt nhưng vì giá cao nên DN phải quay sang chọn máy móc của nước láng giềng. Sự cộng hưởng từ hàng giá rẻ và phá giá đồng nhân dân tệ đang dự báo, trong thời gian tới DN Việt sẽ nhập khẩu máy móc “made in China” nhiều hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước cần lưu tâm quan sát, theo dõi và có những chính sách để giúp giảm bớt sức ép cạnh tranh của hàng Trung Quốc với hàng hoá trong nước như: xem xét điều chỉnh tỷ giá phù hợp theo cơ chế thị trường; nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá trong nước; đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đặc biệt, nên có chính sách hỗ trợ để DN đa dạng hóa thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc thị trường Trung Quốc.