Thạnh Phú (Bến Tre): Nỗ lực giảm nghèo bền vững
vThạnh Phú là huyện nghèo của tỉnh Bến Tre nằm giữa hai sông lớn Cổ Chiên và Hàm Luông, người dân chủ yếu là sản xuất lúa cao sản, trồng dừa, nuôi trồng và khai thác thủy sản nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã được Thạnh Phú triển khai tích cực, đồng bộ và đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Theo ông Đào Công Thương - Phó chủ tịch UBND huyện, kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện cho biết: Từ năm 2010 trở lại đây, Thạnh Phú đã kéo giảm gần 15% hộ nghèo, từ 23,19% xuống còn 8,86% (6/2015) với hơn 4.000 hộ thoát nghèo. Riêng từ đầu năm đến nay, Thạnh Phú đã hỗ trợ cho vay trên 28 tỷ đồng phục vụ cho việc sản xuất, phát triển kinh tế và trên 2 tỷ đồng hỗ trợ giải quyết việc làm.
“Đạt được kết quả trên là nhờ các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tập trung đưa ra những giải pháp tích cực, thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai đồng bộ các chính sách an sinh xã hội đến với người nghèo, tạo điều kiện cải thiện đời sống, tăng gia sản xuất và vươn lên thoát nghèo bền vững” – ông Thương nói.
Từ đầu năm đến nay, Thạnh Phú đã bàn giao 52 căn nhà tình thương, với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, Thạnh Phú còn chú trọng thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng đến đối tượng nghèo và cận nghèo.
Trong 6 tháng qua, đã tổ chức 20 lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho hơn 7.500 lượt lao động, giới thiệu việc làm cho trên 2.357 lượt lao động, trong đó giải quyết việc làm mới 1.608 người, xuất khẩu lao động 34 người. Hiện nay, Thạnh Phú đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 71.900 lao động.
Đồng thời, các mô hình giảm nghèo hiệu quả cũng được chú trọng nhân rộng và phát triển như: mô hình bó chổi ở xã Mỹ An, mô hình nuôi bò, nuôi dê, nuôi lươn ở xã Quới Điền, Đại Điền và Phú Khánh, đan dây nhựa tại xã Quới Điền, Mỹ Hưng; may công nghiệp tại xã Thạnh Phong, An Qui…Đến nay, Thạnh Phú đã và đang triển khai thực hiện 7 mô hình giảm nghèo từ Chương trình mục tiêu quốc gia.
Có thể nói, ngoài những ưu đãi trên thì trong năm qua, hàng loạt các chính sách xã hội khác liên quan đến người nghèo cũng đã được huyện tiếp tục thực hiện kịp thời và có hiệu quả. Từ hiệu quả của các mô hình tổ hợp tác, liên kết sản xuất, gia công, các làng nghề, đã góp phần làm thay đổi nhận thức của một bộ phận lao động nông thôn về học nghề.
Mặt khác, còn giúp lao động nông thôn tận dụng tốt thời gian lao động nhàn rỗi; chuyển đổi dần nghề nghiệp theo hướng tích cực; góp phần thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tiêu biểu trong phong trào giảm nghèo bền vững ở xã Quới Điền (Thạnh Phú) có gia đình anh Nguyễn Văn Xưa ở ấp Quí Đức A, từ khi ra ở riêng năm 1992, làm quần quật gần hai mươi năm trời mà cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng. Năm 2012, anh Xưa là một trong 7hộ được Hội Nông dân được xã chọn triển khai mô hình nuôi dê với số vốn hỗ trợ 4,2 triệu đồng.
Từ nguồn vốn ban đầu cộng với số tiền mượn thêm của người thân được sử dụng hiệu quả, sau hơn một năm, anh đã xuất bán gần chục con dê nhỏ, lớn, mỗi con cho lãi từ 300.000 đến 500.000 đồng. Gần đây, gia đình tiếp tục được dự án DPRB hỗ trợ một bò cái trị giá 12 triệu đồng. Đó là nguồn động lực để gia đình anh quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.