Biển Tây xâm thực: Nỗi lo ngày một lớn

Q. Trung - H. Nguyên 15/08/2015 07:25

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu và nạn xâm thực của sóng biển đã nuốt gọn hàng ngàn ha rừng phòng hộ, đe dọa nghiêm trọng tới đời sống của người dân ở vùng biển Tây của Kiên Giang và Cà Mau…

Biển Tây xâm thực: Nỗi lo ngày một lớn

Biển Tây xâm thực đe dọa các đê kè huyện U Minh, Cà Mau.

Nuốt rừng, đe dọa dân sinh

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết thêm: Hiện toàn tuyến đê biển Tây của Cà Mau đã xây dựng được hơn 8 km kè ngầm tạo bãi. Tỉnh đang kiến nghị Trung ương khẩn trương hỗ trợ khoảng 150 tỷ đồng vốn để địa phương hoàn thành các đoạn kè bức thiết còn lại, nhằm bảo vệ đê biển cũng như đời sống, tài sản của hàng trăm hộ dân phía trong đê.

Bờ biển Tây có chiều dài hơn 350 km chạy dài từ Hà Tiên (thuộc tỉnh Kiên Giang) đến Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau: Từ năm 1999 đến nay Cà Mau bị sạt lở làm mất hơn 4.000 ha rừng phòng hộ. Biến đổi khí hậu, sóng biển xâm thực đang tàn phá nặng nề tuyến rừng phòng hộ của khu vực này, có những nơi sạt lở tới 50m/năm. Ngoài ảnh hưởng tới rừng phòng hộ còn đe dọa đến đời sống dân sinh - những người dân đang thực hiện nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng phòng hộ …

Trở lại xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đây là nơi có tuyến đê biển Tây đi qua và cũng là nơi đê biển bị sạt lở nhiều nhất trong những năm qua. Những hộ dân sinh sống ở đoạn đê này lúc nào cũng nơm nớp lo sợ trước sự tàn phá của sóng biển.

Bà Lê Thị Hoa (76 tuổi, ngụ ấp 1, xã Khánh Tiến) nói: “Tôi sống ở đây hơn 20 năm rồi, lúc trước rừng còn xa cả 1 km, nhưng chứng kiến sóng biển cứ ăn sâu, ăn sâu mà thấy lo lắng quá. Nhất là mùa mưa bão, ban đêm sóng đánh ầm ầm, nước tràn qua đê, chả biết đánh trôi nhà cửa lúc nào…”.

Ông Nguyễn Lũy, 68 tuổi, ngụ cùng địa phương đã phải di dời nhà vì rừng bị sóng biển lấn dần. Ông Lũy và những hộ dân sống ở đây lo lắng nhất là khoảng thời gian tháng 10 âm lịch hàng năm, đây là thời gian sóng biển cao nhất.

“Ở những đoạn có kè, người dân còn dám cất nhà kiên cố, chứ như chỗ tui không ai dám bỏ tiền xây nhà vì biết sóng biển cuốn trôi nhà cửa mình khi nào mà cất” – ông Lũy nói.

Ngày 11/8, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chống sạt lở tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh (giáp với Kiên Giang).

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nam cho biết: Hiện tại toàn tuyến đê biển Tây thuộc địa phận của tỉnh Cà Mau, đặc biệt vẫn còn hơn 15 km rừng phòng hộ cần được bảo vệ khẩn cấp. Mặc dù những đoạn này vẫn còn rừng phòng hộ, nhưng rất thưa thớt khó có thể trụ được trong thời gian tới.

Biển Tây xâm thực: Nỗi lo ngày một lớn - 1

Bờ biển bị xói lở mạnh

Ở Kiên Giang bờ biển Tây cũng đe dọa nghiêm trọng tuyến rừng phòng hộ nơi đây. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh hiện có hơn 86.000 ha rừng, trong đó còn khoảng 30.700 ha đất rừng chưa có rừng, hiện có khoảng 30 km bờ biển đang bị xói lở mạnh. Tỉnh cũng đang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương bổ sung đầu tư nguồn kinh phí cho các chương trình hộ đê, khôi phục rừng phòng hộ ven biển từ nay đến năm 2020.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng vừa phê duyệt dự án khôi phục, phát triển rừng phòng hộ ven biển giai đoạn (2015 - 2020) với tổng kinh phí đầu tư hơn 114 tỉ đồng. Mục tiêu của Dự án là diện tích rừng trồng trên vùng ven biển đến năm 2020 tăng thêm 519,20 ha. Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Ngoài việc kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành hỗ trợ kinh phí, dự án để tăng cường biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ rừng phòng hộ, đê biển, tỉnh còn kiến nghị Trung ương xem xét nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm cho những người dân nhận khoán rừng phòng hộ ven biển; đồng thời xem xét cho tăng diện tích khai thác rừng hàng năm lên 20% để người nhận khoán rừng tăng thêm thu nhập, đây là cách giúp người dân an tâm giữ rừng.

Tính đến nay Kiên Giang đã thực hiện giao khoán cho 2.056 hộ dân, với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 6.500 ha để nhằm khôi phục, phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Các hộ dân này nhận khoán rừng đã đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản như: tôm, cua, sò, cá… Đây được xem là biện pháp hữu hiệu vừa tạo sinh kế cho cư dân, giảm thiểu nạn phá rừng vừa khôi phục, phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển.

Q. Trung - H. Nguyên