Thị trường tài chính dần hạ nhiệt
Mở cửa ngày 14/8 giá vàng SJC được Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại mức 33,7 - 34,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Nhưng chỉ sau 1 tiếng, giá vàng lại được điều chỉnh giảm tiếp, về 33,6 - 34,4 triệu đồng/lượng. Như vậy so với ngày 13/8, vàng đã bốc hơi 500 nghìn đồng/lượng.
Nguồn:hanoimoi.com.vn
Với vàng thương hiệu quốc gia SJC, từ mốc giá 34,9 - 35 triệu đồng/lượng vàng nay chỉ còn 33,6 triệu đồng/lượng. Có nghĩa lỗ 1,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng đã đứt đà tăng 5 ngày liên tiếp sau khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã có dấu hiệu ngừng rơi.
Phía Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 14/8 tăng tỷ giá đồng nội tệ 0,05%, lên 6,3975 NDT đổi một USD. Tỷ giá tham chiếu hôm qua là 6,4010 NDT đổi một USD.
Tuy nhiên, Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho biết, số lượng người đến giao dịch vẫn diễn ra bình thường.
Cũng nằm trong chuỗi diễn biến thị trường tài chính, giá USD vẫn trong thế đi ngang. Trong ngân hàng, giá bán đôla Mỹ tại Vietcombank thời điểm 14h ngày 14/8 là 22.105 đồng, trong khi giá mua vào là 22.035 đồng/USD. Tại Techcombank, giá bán ra hiện cũng lên 22.106 đồng, còn giá mua vào là 21.970 đồng/USD.
Ngoài thị trường tự do, nhiều cửa hàng thu đổi ngoại tệ tại phố Hà Trung, Hà Nội giá bán đôla giao động quanh ngưỡng 22.200 đồng.
Còn Vn-Index kết phiên sáng 14/8 trong sắc đỏ, giảm 3,7 điểm, xuống 590,56 điểm. Tâm lý thận trọng bao trùm toàn thị trường.
Dù sóng gió trên thị trường tài chính đang dần hạ nhiệt nhưng cơn đau đầu của DN xuất nhập khẩu vẫn chưa dứt.
Ông Phan Văn Sinh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) cho hay, đồng Nhân dân tệ giảm giá tác động lớn đến xuất khẩu sắn sang Trung Quốc của Sepon Group, vì sẽ khiến giá trở nên đắt đỏ. Hiện chúng tôi chưa biết tính thế nào, có lẽ sẽ đàm phán với nông dân giảm một chút giá nguyên liệu thu mua, đồng thời đàm phán với đối tác nhập khẩu từ Trung Quốc để hai bên cùng chia sẻ thiệt thòi.
Một DN cao su cũng bày tỏ lo lắng, trong bối cảnh xuất khẩu cao su đang gặp khó khăn, giá cao su Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng cao, chắc chắn các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ quay lại ép DN trong nước giảm giá.
Với nhiều DN xuất khẩu sang các thị trường thanh toán bằng USD, dù từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã tăng 2%, song họ cho rằng vẫn còn thấp. Tỷ giá là một trong những lý do chính khiến xuất khẩu nông sản của nước ta sụt giảm mạnh trong 7 tháng đầu năm nay. Nhiều DN kiến nghị, NHNN cần phải xem xét khả năng tăng thêm tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu.
Theo phân tích của các chuyên gia, bản chất của mỗi DN nhìn chung đều có xuất và nhập khẩu chứ không chỉ thuần túy là xuất khẩu hay nhập khẩu. Cơ quan quản lý cần có định hướng tốt để DN an tâm kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nói, cần tiếp tục theo sát thị trường, đặc biệt những thị trường có quan hệ thương mại lớn như Trung Quốc, vì Trung Quốc có nhiều chính sách khá bất ngờ. “Về lâu dài, quan điểm của tôi là cần phải tái cấu trúc để chúng ta bớt lệ thuộc thương mại vào Trung Quốc” - ông Lực nhấn mạnh.
Trong khi đó ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, chúng ta là một nước láng giềng của Trung Quốc, đương nhiên, chúng ta không thể không theo dõi để có những ứng xử thích hợp trong điều hành trước những thay đổi chính sách của nền kinh tế này.