EVN và hành trình điện cạnh tranh

15/08/2015 09:20

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 8266/QĐ-BCT phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Theo quyết định mới này, EVN không còn là đơn vị duy nhất được bán điện ra thị trường. Đó là lộ trình tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Tuy nhiên, để đảm bảo lộ trình thành công, vai trò của EVN là rất lớn.

EVN và hành trình điện cạnh tranh

Vai trò của EVN

Vai trò của EVN trong việc cung cấp điện từ trước tới nay nhận được nhiều ý kiến, gay gắt hơn cả là sự độc quyền. Người ta cho rằng từ đó mà giá điện “chỉ có lên chứ không giảm”, mặc cho EVN và cả Bộ Công thương cũng đã nhiều lần giải thích.

Trong thực tế, với vai trò chủ công, EVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Không ai có thể phủ nhận được càng ngày việc cung cấp điện cho sản xuất, cho sinh hoạt càng tốt hơn. Tới nay, gần như việc cúp điện vào mùa hè, vào những giờ cao điểm đã chấm dứt.

Trong đợt nắng nóng dữ dội được coi là bất thường và lịch sử kéo dài nửa tháng cách đây chưa lâu, người ta phấp phỏng đợi bị cắt điện và cho rằng, nếu có mất điện thì cũng không lấy làm ngạc nhiên. Nhưng hầu như điện đã không bị cắt, nếu có thì cũng chỉ là cục bộ và luân phiên, không ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, sinh hoạt.

Cũng cần phải thấy rằng, ngay như trong những ngày dông bão, điện đã không bị cắt đột ngột với ý nghĩa đề phòng rủi ro. Đó là cố gắng rất lớn của ngành điện lực cần phải được ghi nhận. Còn với vùng sâu, vùng xa, tới nay hầu hết các xã (kể cả xã đảo) cũng đã có điện. Điều mà trước đây ít người nghĩ tới. Như vậy, ngành điện lực đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, với những bước đi dài, chắc chắn.

Tới nay, nguồn điện không chỉ có nhiệt điện, mà còn phát triển rất mạnh thủy điện, điện gió đã bắt đầu và lộ trình điện hạt nhân cũng đã được khởi động. Điện được ví như mạch máu trong cơ thể, cho dù EVN có độc quyền hay không độc quyền đi chăng nữa thì không thể phủ nhận được “mạch máu cơ thể” đã tuần hoàn ngày một tốt hơn.

Trong sự phát triển mới, phương thức làm ăn mới, sự độc quyền sẽ giảm bớt, tăng cường tính cạnh tranh. Khi EVN không còn độc quyền, không có nghĩa là vai trò của EVN giảm bớt mà là bước đệm để bước đến mục tiêu cuối cùng: thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Theo quyết định mới nhất của Bộ Công thương, tới đây, các công ty phát điện đang tham gia thị trường phát điện cạnh tranh sẽ được bán điện cho nhiều đối tác khác nhau chứ không phải chỉ duy nhất một mình Tập đoàn Điện lực Việt Nam như trước đây.

Cụ thể, bên bán điện gồm các đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện có công suất trên 30 MW trực tiếp tham gia thị trường điện. Các nhà máy thủy điện có công suất từ 30 MW trở xuống có quyền lựa chọn tham gia thị trường điện khi đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng. Các công ty phát điện có thể bán điện cho công ty mua buôn điện cạnh tranh, và theo quyết định, công ty này không bắt buộc phải là DN nhà nước, chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cấp phép để mua điện từ thị trường, bán lại cho các hộ tiêu thụ điện lớn.

Phía bên mua điện, cũng sẽ không phải duy nhất một mình Cty Mua bán điện thuộc EVN, mà sẽ có cả 5 Tổng công ty Điện lực cùng tham gia mua điện (Tổng công ty Điện lực Hà Nội, TP HCM, Điện lực Miền Bắc, Điện lực Miền Nam và Điện lực Miền Trung). Ngoài ra, quyết định cũng nêu rõ, đơn vị mua buôn mới cũng sẽ được thành lập và được phép tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ Công thương và Cty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Như vậy, với những thay đổi trong Quyết định số 8266 của Bộ Công thương, tới đây thị trường cung cấp, mua-bán điện sẽ sôi nổi hơn.

EVN và hành trình điện cạnh tranh - 1

Ngành điện có những bước chuyển biến đáng khích lệ.

Nhiều sự lựa chọn

Theo Lộ trình xây dựng và phát triển Thị trường điện cạnh tranh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg), thị trường điện tại Việt Nam sẽ phát triển từ cấp độ thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) sang cấp độ bán buôn điện cạnh tranh và đích cuối là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Được chính thức khởi động từ 1/7/2012, thị trường phát điện cạnh tranh được coi là một cuộc cách mạng đối với toàn bộ hoạt động của ngành điện. Vì thế, khi tiến hành thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh phải có những bước đi thận trọng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến an toàn vận hành của toàn bộ hệ thống điện quốc gia. Nhiều ý kiến cho rằng, sau 3 năm đi vào vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh ít nhiều đã tạo được những chuyển biến khi đã có cơ chế cạnh tranh trong khâu phát điện.

Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có hơn 50 đơn vị tham gia (chiếm gần 43%) công suất hệ thống điện. Với tỷ lệ tham gia vào thị trường điện khá khiêm tốn như vậy, theo đánh giá của GS Trần Đình Long,- Phó Chủ tịch Hội Điện lực, bước tiếp theo đến thị trường buôn bán điện cạnh tranh - cấp độ 2 của thị trường điện - là khá khó khăn.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thực tế hiện nay, không phải đơn vị nào trong ngành điện cũng đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết cấu, kỹ thuật, nguồn nhân lực hiện nay còn thiếu và yếu, nên cũng chưa thể đáp ứng được với lĩnh vực mới và phức tạp của thị trường này.

Dù vậy, không thể phủ nhận rằng ngành điện đã và đang có những bước chuyển biến đáng khích lệ để có thể hướng đến một thị trường điện cạnh tranh theo đúng nghĩa. Theo GS Trần Đình Long, Quyết định 8266 của Bộ Công thương thực sự tạo ra những điểm mới cho thị trường điện, tạo niềm tin vào một thị trường mang tính chất cạnh tranh hơn, minh bạch hơn.

Trong quá trình tiến tới việc thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, vì thế sẽ còn nhiều khúc quanh. Trong quá trình ấy, vị trí “thống soái” của EVN cần được phát huy, tuy rằng sẽ theo phương thức mới và bản thân EVN cũng đã hiểu rõ điều đó.

Độc quyền hay không độc quyền, câu chuyện đã rõ. Nhưng quan trọng hơn cả là nguồn điện của đất nước sẽ ngày một dồi dào, cả cơ sở sản xuất cũng như người dân đều hài lòng. Trong đó, dù muốn dù không, EVN vẫn ở vị trí đầu tàu- kể cả quyền lợi, vị trí lẫn trách nhiệm.

Minh Phương