Đà Nẵng: Đưa tuồng ra phố không phải cho người đã biết về tuồng
Hơn một tháng, kể từ ngày Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) đưa tuồng ra hè phố biểu diễn buổi đầu tiên vào đêm chủ nhật (12 – 7), vẫn đang còn những luồng ý kiến khen, chê, đặc biệt là lo lắng cho số phận của môn nghệ thuật bác học này trước nguy cơ bị “đường phố hóa”. PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Nghệ sỹ ưu tú Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh
Một trích đoạn tuồng được biểu diễn ở bờ Đông sông Hàn vào các tối chủ nhật
Ngay sau buổi đầu tiên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đưa tuồng ra biểu diễn ở đường phố, dư luận và giới chuyên môn đã bày tỏ lo lắng cho rằng sẽ làm phương hại đến thanh danh và tính bác học của nghệ thuật tuồng. Ông có ý kiến gì về việc này?
Ông Trần Ngọc Tuấn: Mục đích của việc đưa tuồng ra phố biểu diễn không phải là để phục vụ riêng cho đối tượng khán giả am hiểu nghệ thuật tuồng. Người am hiểu phải đến rạp để xem vì không gian của rạp hát sẽ giúp khán giả tâm đắc hơn với cái hay cũng như ý nghĩa của từng vở tuồng.
Ông Trần Ngọc Tuấn
Giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu họ lo lắng khi đưa tuồng ra biểu diễn ở không gian đường phố sẽ có nguy cơ bị mất đi tính bác học của môn nghệ thuật này là đúng nhưng theo tôi, trước khi trở thành nghệ thuật bác học; tuồng là môn nghệ thuật dân gian, ở dân gian mà ra rồi trải thời gian mới đạt đến độ bác học. Qua những giai đoạn lịch sử, tuồng bị phân đoạn, gãy khúc về khán giả. Do đó đối tượng nhận biết được tính bác học của tuồng hiện nay là không nhiều. Đưa tuồng ra biểu diễn ở đường phố (đúng hơn là ở hè phố) là nhằm giới thiệu nghệ thuật tuồng cho các đối tượng khán giả chưa hiểu hoặc hiểu rất ít về tuồng.
Ông có thể giải thích thêm về điều này?
Ông Trần Ngọc Tuấn: Tuồng bị gãy khúc về khán giả bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ giáo dục. 12 năm phổ thông, chỉ có duy nhất một tiết học về tuồng qua vở Nghêu – Sò Ốc – Hến, thế thì làm sao trách các em, các cháu hiểu lơ mơ, thậm chí còn không hiểu tí gì về môn nghệ thuật dân gian lấp lánh trong đời sống tinh thần của dân tộc được?. Từ thực tế này, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh mạnh dạn đề xuất đưa tuồng ra biểu diễn ở đường phố. Mục đích trước mắt là tăng thêm hoạt động về đêm của TP Đà Nẵng, phục vụ nhu cầu giải trí cho khách. Nhân cơ hội này “một công đôi việc”, giới thiệu, quảng bá nghệ thuật tuồng với mọi thành phần, lứa tuổi. Người am hiểu về tuồng (số này không nhiều) và giới chuyên môn, nhà nghiên cứu, lo lắng vì tuồng không thích hợp với không gian đường phố bằng các môn nghệ thuật khác (kể cả của Việt Nam lẫn du nhập từ nước ngoài) nhưng đây không phải là định hướng lâu dài. Đưa tuồng ra phố chỉ là giải pháp trước mắt còn kế hoạch dài hơi để bảo tồn tuồng thì lại nằm ở chỗ khác, đòi hỏi nhiều công phu và tốn nhiều tiền.
Nhiều thành phần khán giả cùng say mê xem tuồng
Ông có niềm tin gì vào giải pháp đưa tuồng ra phố mà Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là đơn vị tiên phong?
Ông Trần Ngọc Tuấn: Cần có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng, của nhiều ngành thì mới có thể giữ được bộ môn nghệ thuật tuồng, mới có thể làm cho tuồng sống lại một cách lấp lánh trong đời sống tinh thần của xã hội như trước đây. Còn hiện nay, tôi có thể nói thật, khán giả xem tuồng ngày một ít đi. Trong khi đó thì các đơn vị nghệ thuật tuồng tìm không ra học sinh. 7 đơn vị nghệ thuật tuồng trên cả nước chỉ có vài đơn vị tìm ra học sinh để đào tạo thôi. Nói thẳng rằng tuồng đang đứng trước nguy cơ bị lão hóa về diễn viên. Diễn viên già quá, “lão” quá thì biểu diễn không ai xem. Khán giả dù yêu tuồng đến mấy mà không có lực lượng diễn viên trẻ thì cũng sớm “toi”. Vấn đề là vậy nhưng trong muôn vàn khó khăn, vẫn phải có ai đó, làm điều gì đó. Cơ hội ở đây là Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được lãnh đạo TP chọn trong số các đơn vị nghệ thuật của Đà Nẵng để cấp kinh phí thực hiện với ý kiến chỉ đạo tăng cường các hoạt động giải trí về đêm. Ban đầu chúng tôi cũng thấy lo nhưng nếu không tận dụng cơ hội này quảng bá tuồng đến công chúng thì sẽ rất ân hận. Quan tâm lớn nhất là quảng bá tuồng như thế nào để mọi thành phần, mọi lứa tuổi không ngộ nhận về tuồng . Với không gian đường phố và thời lượng nhất định (từ 19 giờ đến 20 giờ 45 tối chủ nhật hàng tuần), không thể mang nguyên xi một vở tuồng được dàn dựng để biểu diễn từ 2 – 3 tiếng ra biểu diễn vì thế nên phải cân nhắc lựa chọn trích đoạn ngắn gọn nhưng vẫn phải đầy đủ các tiêu chí của một vở tuồng. Thứ nữa là phải có trang phục cho đẹp, khơi gợi tính tò mò của người xem. Nhưng làm gì thì làm, vẫn phải giữ cho được hồn cốt đặc trưng của của tuồng. Đây là việc khó nhưng qua 5 đêm diễn ở đường phố, khán giả mỗi lúc một nhiều. Có thể nói, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh của Đà Nẵng đang là đơn vị đi tiên phong đưa tuồng ra phố. Việc gì khởi đầu cũng có ý kiến khen, chê. Đến hết tháng 9, tức là sau 3 tháng đưa tuồng ra phố, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra xã hội học từ khán giả, lúc ấy mới có thể kết luận thành công hay thất bại. Tuy nhiên, với lượng khán giả từ 300 đến 500 lượt/đêm diễn vào tối chủ nhật ở bờ Đông sông Hàn, chúng tôi tin tưởng là đã thành công
PV: Trân trọng cảm ơn ông!