1 tuần đồng Nhân dân tệ phá giá: Ghi nhận từ vùng biên

Mạnh Hùng - Hồ Hương 16/08/2015 09:35

Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ lập tức ảnh hưởng tới nhiều quốc gia. Là nước láng giềng, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng nới lỏng biên độ tỷ giá VND, cùng đó nội lực của nền kinh tế nước ta cũng đã mạnh lên nên sự xáo trộn không lớn. Chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại một số cửa khẩu biên giới phía Bắc, ghi nhận diễn biến thực tế.

Ngày 11-8, giao thương vẫn bình thường tại Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). (ảnh: Lã Anh).

1. Trên đường Nguyễn Huệ của TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai), tại “chợ” đổi ngoại tệ nằm kề ngay cửa khẩu quốc tế, không thấy cảnh người ra kẻ vào như trước.

Theo một người làm dịch vụ đổi NDT sang VND tại đây, sau khi đồng NDT của Trung Quốc giảm tỷ giá, thì những đại lý kinh doanh thu đổi ngoại tệ lỗ. Theo người này, nếu cách đây 10 ngày, 1 NDT “ăn” khoảng 3.500 VND thì hôm 14-8 đã xuống còn 3.400 đồng. “1 vạn NDT thì chúng tôi bị mất khoảng 1 triệu đồng”- người này cho biết và nói thêm, vì thế việc đổi từ tiền Trung Quốc sang tiền Việt ít mặn mà.

Con số từ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai, hiện ở khu chợ kinh doanh quy đổi ngoại tệ ở cửa khẩu có trên dưới 150 đại lý chuyên kinh doanh và đổi đồng NDT cho khách du lịch và các hộ kinh doanh. Khi đồng NDT hạ giá, các đại lý đổi ngoại tệ hoạt động e dè, cầm chừng cũng là điều dễ hiểu.

Tương tự, tại Lạng Sơn, người ta cũng “vừa làm vừa nghe ngóng”. Một phụ nữ chuyên đổi tiền ăn chênh lệch cho biết, ngày 14-8, tỷ giá đồng NDT tại đây dù đã trở lại chút ít, lên 3.430 đồng/1 NDT, nhưng nếu đổi khoảng 10 vạn NDT thì vẫn thua lỗ khoảng 7 triệu đồng. “Cầm chừng, nhưng chúng tôi ngại nhất là nếu đồng NDT lại phá giá nữa thì việc làm ăn sẽ khó khăn”- chị nói.

Tuy nhiên với các doanh nghiệp (DN), sự tác động chưa nhiều. Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Kim Thành thì hiện tại chưa có nhiều DN bị ảnh hưởng, lượng hàng hóa xuất đi và nhập về vẫn ổn định do hợp đồng đã được ký từ trước khi đồng NDT phá giá.

Một DN tư nhân chuyên xuất nhập khẩu rau củ quả ở Lào Cai cho biết, hiện hàng Trung Quốc có rẻ hơn, như một thùng quả lựu 10kg trước đây mua ở bên kia là khoảng 40 NDT (tương đương với khoảng 150.000 VND) nay còn khoảng 140.000 đồng. Tuy thế, hoa quả của ta xuất đi cũng bị giảm giá.

Thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 14 tỷ USD, nhập khẩu lên tới 43,7 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2013 và chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu Việt Nam.

2. Tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), do nhu cầu giao thương nên việc đổi tiền vẫn diễn ra. Chủ yếu là với những người mua bán đồ gia dụng về để dùng, chứ không phải là với những người đi buôn. Tuy nhiên, một người kinh doanh tại khu vực cửa khẩu cho biết:

-Nhưng có diễn biến lạ 3 ngày trở lại đây, là chỉ có những mặt hàng như kẹp tóc, quần áo, máy khâu tay, máy đánh trứng là được trao đổi, vận chuyển bình thường, còn các mặt hàng khác đi lại rất khó khăn.

Hàng hóa tại cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai (ảnh: Lã Anh).

Có mặt tại chợ Đông Kinh (Lạng Sơn), chúng tôi ghi nhận sự “nhảy múa” của việc đổi tiền. Nếu như tuần trước giá 1 NDT quy đổi sang tiền Việt là 3.515 đồng, thì đã giảm xuống 3.500 VND, rồi 3.400 VND và lại bất ngờ nhích lên 3.430 VND/ 1 NDT. Như vậy, người đổi từ VND sang NDT sẽ thu lãi, ngược lại đại lý đổi tiền từ NDT sang VND sẽ lỗ.

Vì thế, việc mua bán tại vùng giáp biên và trong TP Lạng Sơn, người ta sử dụng cả hai đồng tiền. Cách này trước cũng có nhưng nay thì phổ biến hơn, do cả hai bên đều sợ thiệt.

Còn với những người đã quen với việc buôn hàng từ Lạng Sơn cho rằng, dù giá quy đổi giữa NDT và VND có “nhảy múa”, thì cũng chưa ảnh hưởng gì nhiều. Theo chị Phương Anh - một người chuyên bán hàng qua mạng ở Hà Nội, nhưng lúc đó cũng có mặt tại tầng 3 chợ Đông Kinh thì chỉ cần đi lại trong ngày là lên tận chợ mua được hàng giá gốc, về đổ buôn hoặc bán qua mạng thì vẫn kiếm được.

“Đồng nhân dân tệ đang rẻ, tranh thủ đi gom hàng”- chị Phương Anh cho biết. Tuy nhiên, vẫn theo chị, việc vận chuyển hàng về Hà Nội không dễ.

Tại tầng 2 chợ Đông Kinh, chúng tôi nhận thấy số lượng khách đến mua buôn các mặt hàng gia dụng, đóng gói thành từng bao lớn chờ chất lên xe đưa về Hà Nội. So với thời điểm trước khi đồng NDT phá giá, việc mua bán vẫn không mấy thay đổi. Nhưng theo những người chuyên mua bán hàng Trung Quốc tại Lạng Sơn, thì cũng không thể cầm chắc điều gì, vì với việc đồng NDT xuống giá, rất có thể hàng Trung Quốc sẽ hạ giá để tràn vào Việt Nam.

Điều đó cũng trùng với nhận định của giới chuyên gia kinh tế khi cho rằng khi đồng NDT bị phá giá mạnh, hàng Trung Quốc sẽ rẻ hơn. Để ứng phó với tình hình, Công văn mới nhất của Bộ Tài chính gửi đến các Sở Tài chính cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó có cước vận tải bằng xe ôtô và các mặt hàng thiết yếu khác; yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan (Công thương, Quản lý thị trường, Thuế, Công an, Hải quan...) tiếp tục tham mưu và triển khai tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo quy định của pháp luật.

Mạnh Hùng - Hồ Hương