Thời cơ cho những dự án 'trùm mền'

THANH GIANG 16/08/2015 09:50

Một điểm dễ thấy, tại doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài cùng bắt tay phát triển thị trường, khiến nhiều dự án BĐS “trùm mềm” từ lâu, nay bắt đầu chuyển động trở lại... Tuy nhiên, nỗi lo “bong bóng” bất động sản hãy còn đó.

BĐS đang thu hút dòng vốn ngoại.

Hàng tồn kho giảm gần 59%

Nắm bắt rõ tình hình thị trường BĐS có độ mở cao trong thời điểm hiện tại và tương lai nên hàng loạt DN lên kế hoạch mua bán - chuyển nhượng dự án, hoặc sáp nhập DN với mục đích phục hồi các dự án “trùm mền”. Ưu thế trong vai trò thống lĩnh vẫn thuộc về DN trong nước với tỷ lệ nắm giữ thị trường khoảng 70%.

Theo xu hướng, dần dần hình thành những tập đoàn phát triển BĐS lớn cả về quy mô hoạt động lẫn năng lực tài chính như: Vingroup, Novaland, Đại Quang Minh, Bitexco, Phú Mỹ Hưng, SSG, Him Lam, Nam Long, Hưng Thịnh...

Đặc biệt, một loạt các “ông lớn” như Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Hoàng Quân chủ động thâu tóm dự án và quỹ đất sạch tại các quận trung tâm thành phố. Thông tin thị trường cho biết, một Công ty công bố đầu tư 1 tỷ USD mua lại và phát triển 14 dự án tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quãng Ngãi, TP HCM và An Giang.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho hay, hiện thành phố có 1407 dự án phát triển bất động sản, trong đó có 689 dự án tạm ngưng triển khai, 85 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư. Đây là một nguồn dự án tiềm năng cho hoạt động mua bán - sáp nhập trong thời gian tới.

“Thông qua hoạt động mua bán - chuyển nhượng DN giải quyết một phần hàng tồn kho. Lượng hàng tồn kho trên thị trường thành phố giảm gần 59% với 8.501 căn của 36 dự án”, ông Châu nhấn mạnh.

Vốn ngoại

Thị trường BĐS được hâm nóng cùng với việc hình thành cộng đồng kinh tế Asean (AEC) vào cuối năm nay làm gia tăng các thương vụ mua bán trên thị trường BĐS Việt Nam. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang thăm dò, tìm kiếm đối tác và các dự án có tính khả thi cao. Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2015 BĐS trở thành thị trường đứng hàng thứ 3 trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Thương vụ điển hình là dự án Celadon có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu 24.758 tỷ đồng của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) và Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công được chuyển nhượng cho Gamuda Land Vietnam.

Không chỉ nhà đầu tư từ các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore, mà ngay cả một số nước ngoài khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… cũng đang tìm kiếm cơ hội tại thị trường BĐS Việt Nam. Đánh giá về xu hướng này, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Giám đốc điều hành Quỹ Jen Capital cho rằng, thị trường BĐS hiện nay khác trước.

Nghĩa là, doanh thu từ BĐS đang tăng, vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn đổ vốn vào để phát triển mang tính dài hơi. Nhận định về xu hướng hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài với DN trong nước Hiệp hội BĐS TP. HCM đánh giá, các nhà đầu tư nước ngoài thường thực hiện đầu tư vào các DN BĐS trong nước thông qua các phương thức mua lại cổ phần, góp vốn đầu tư trực tiếp vào dự án hoặc cho vay.

“Nhà đầu tư bỏ ra thời gian khá dài để quan sát, tìm hiểu thị trường và đón nhận những chuyển biến mới về chính sách. Giờ là cơ hội tốt nhất để họ thâm nhập thị trường”, ông Nguyễn Vĩnh Trân khẳng định.

THANH GIANG