Bài 3: Giải pháp nào đưa Luật BHXH vào đời sống?
Được xem là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng nhất, tác động tới hàng chục triệu lao động nên vấn đề tổ chức triển khai thi hành Luật BHXH có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Trăn trở của người làm luật
Có thể khẳng định, Luật BHXH được xã hội rất quan tâm cũng như trăn trở dù Luật chưa được triển khai. Trăn trở không phải vì những quy định của Luật mà trăn trở làm thế nào để hiện thực hóa.
Còn nhớ tại một hội thảo tìm giải pháp đưa Luật BHXH vào đời sống, là trưởng nhóm soạn thảo Luật BHXH, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân khẳng định, những quy định tại Luật BHXH được xem là những quy định đột phá nhằm hướng tới đảm bảo an sinh xã hội tốt hơn cho người dân. Trong đó quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH chính là giải pháp tạo bình đẳng cho tất cả người dân khi về hưu.
“Thế nhưng xây dựng luật đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân trăn trở.
“Vì những người trong ngành BHXH không nắm được chính xác số người thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc ở từng địa phương cụ thể nên thường chỉ ngồi chờ các doanh nghiệp tự nguyện khai nộp thì thu, không thì cũng “làm ngơ”. Bản thân NLĐ cũng khó có thể đòi hỏi quyền lời với chủ DN bởi trong thực tế, khi số lượng lao động dư thừa nhiều, NLĐ vì cần có một việc làm nên buộc phải làm ngơ và thỏa hiệp để chủ sử dụng lao động vi phạm quyền lợi của chính mình.
Thực tế khi dẫn chứng cho ý kiến của mình, ông Huân thắng thắn: “Trong quá trình tôi đi giám sát ở nhiều địa phương, cán bộ làm công tác về BHXH nhưng một số người lại không hề hiểu rõ về những chính sách liên quan tới BHXH. Chúng ta cứ đổ lỗi do dân thờ ơ với chính sách, nói thế là không đúng. Chỉ là chúng ta chưa biết cách giúp người dân hiểu được về chính sách, thế nên người dân mới quay lưng với BHXH tự nguyện”.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
BHXH không chỉ được xem là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội mà còn là bệ đỡ cho những lao động yếu thế, đây là một thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên đã có sự hiểu lầm, dẫn đến không tuân thủ các quy định pháp luật. Đơn cử việc sửa đổi Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 được xem là hết sức tiến bộ, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, tránh rủi ro khi về già. Nhưng do không được phổ biến, tuyên truyền nên đã để xảy ra những sự việc đáng tiếc, nhưng khi được cơ quan chức năng giải thích, NLĐ đã hiểu ra, nhờ đó những bức xúc dần dần được giải tỏa.
Theo TS Bùi Sỹ Lợi, việc triển khai thi hành Luật BHXH đòi hỏi các ban ngành, cơ quan, tổ chức và chính quyền các địa phương phải tăng cường phổ biến thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách mới đến với NLĐ, người sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân. Trong đó với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, ngành BHXH phải hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, xem người tham gia BHXH là khách hàng, đối tác của mình.
“Bảo đảm an sinh cho người dân phải phân định một cách minh bạch và cụ thể hơn về quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan tới BHXH. Trong đó xác định một cách đầy đủ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, như Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Nông dân… trong hoạt động tuyên truyền pháp luật về BHXH, BHYT” – TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Cùng với việc tuyên truyền, để luật đi vào đời sống nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành Luật BHXH, trong đó xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành cần tiếp tục tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng thuộc diện điều chỉnh của pháp luật để nâng cao tính khả thi trong tổ chức thực hiện.