Giúp trẻ khiếm thính tiếp cận giáo dục
Ngôn ngữ ký hiệu chính là ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ điếc. Việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu sẽ giúp trẻ điếc phát triển nhận thức và các lĩnh vực khác, tạo cơ hội cho phát triển ngôn ngữ nói. Đó là thông tin từ Hội thảo “Vai trò của ngôn ngữ ký hiệu trong giáo dục trẻ điếc” do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức.
Khôi Nguyên cùng mẹ và em gái kể chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu
tại một sự kiện của cộng đồng điếc tổ chức tại Hà Nội. (Ảnh: IDEO).
Dự án đặc biệt cho trẻ điếc
Theo ước tính, Việt Nam có khoảng hơn 39 nghìn trẻ khiếm thính, trong đó có trên 15 nghìn trẻ em điếc nặng bẩm sinh có nhu cầu sử dụng ngôn ngữ ký hiệu (NNKH). Hơn 36 nghìn trẻ từ 0- 6 tuổi khiếm thính bẩm sinh mức nhẹ vừa có nhu cầu sử dụng NNKH và học nói. Phần lớn các em không được học mẫu giáo và phụ huynh các em không được hỗ trợ chuyên môn để giúp đỡ con em mình.
Dự án “Giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường”- IDEO là dự án đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ trẻ em điếc ở độ tuổi mầm non. Được triển khai từ năm 2011 đến 2015 tại 4 tỉnh Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Bình và TP Hồ Chí Minh. Dự án đã giúp cho 225 trẻ điếc dưới 6 tuổi sẵn sàng đến trường bằng ngôn ngữ kí hiệu (NNKH). Với cách tiếp cận mang tính đổi mới, dự án đã thành lập các nhóm Hỗ trợ gia đình gồm hướng dẫn viên người điếc, phiên dịch viên NNKH và giáo viên đến dạy NNKH tại nhà trẻ với sự tham gia của gia đình.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, NNKH là một phương tiện để đưa người điếc đến với cộng đồng và cũng là ngôn ngữ giúp cho trẻ điếc học tập. IDEO là một dự án đặc biệt đem lại cơ hội cho trẻ nhỏ tuổi để tiếp cận với ngôn ngữ kí hiệu từ rất sớm. Ở những nơi dự án được triển khai, chúng ta thấy phấn khởi trẻ điếc trước tuổi đến trường được học tập bằng ngôn ngữ kí hiệu với sự hỗ trợ của người điếc trưởng thành và phiên dịch viên ngôn ngữ kí hiệu đã phát huy tối đa khả năng, tiềm năng của bản thân.
Cùng con vượt qua rào cản
Sẽ thật khó khăn và khổ sở biết bao khi biết con mình sinh ra bị điếc bẩm sinh. Bằng tình yêu thương nhiều phụ huynh đã nỗ lực vượt qua khó khăn giúp các các con vượt qua rào cản để học tập và hòa nhập với cộng đồng.
Chị Nguyệt Hà (Hà Nội), mẹ bé Đào Quang Lâm (5 tuổi) cho biết khi sinh con được 10 tháng gia đình đã phát hiện bé bị điếc bẩm sinh. Từ đó, gia đình đã không ngừng tìm kiếm những phương pháp để khắc phục khó khăn cho con từ đông y đến tây y như dùng máy trợ thính, cấy điện cực ốc tai. Thế nhưng mọi cố gắng của gia đình đều không mang lại kết quả. Vì thương và lo cho con nên gia đình bao bọc con rất nhiều dẫn đến Lâm không biết tự lập. Mỗi khi muốn gì, Lâm sẽ chỉ trỏ hoặc giận giữ khóc, thét lên vì bố mẹ không thể giao tiếp với con.
Tháng 4-2014, khi con theo học ở trường Xã Đàn (trường dành cho trẻ Khiếm thính) chị Nguyệt Hà được giới thiệu đến dự án IDEO và Ngôn ngữ kí hiệu để học chung với trẻ điếc khác. Gia đình cũng tham gia các lớp học NNKH dành cho bố mẹ. Khi theo học Lâm nhận thức rất nhanh, khả năng học tập của con không hề thua kém những trẻ bình thường. Đôi khi con thể hiện sự thông minh, lanh lợi đến mức các thầy cô cũng phải ngạc nhiên. Gia đình Lâm đã học được nhiều từ vựng NNKH và có thể giao tiếp với nhau. Dần dần, NNKH đã trở nên quen thuộc và kết nối gia đình.
“Cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi và Lâm đã trở nên tự lập hơn trước rất nhiều. Con bây giờ rất hạnh phúc và không còn sợ đến trường nữa. Hai vợ chồng tôi thỏa thuận với nhau buổi tối cả hai cùng ở nhà thì chỉ được giao tiếp với nhau bằng NNKH để con được đồng cảm và chia sẻ. Sắp tới, Lâm vào lớp 1, chúng tôi chỉ mong sao con có thể học ở lớp được dạy bằng NNKH. Và chúng tôi đang cố gắng hết mình để dần biến mong muốn đó thành hiện thực”, chị Hà chia sẻ.
Cũng có con bị điếc bẩm sinh, chị Phương Hà, mẹ bé Khôi Nguyên(6 tuổi) cho biết, chị và gia đình rất buồn khi phát hiện con bị điếc. Sau đó, chị đã bình tĩnh lại và tìm cho các phương pháp để giúp con hòa nhập với xã hội.
Lúc đầu chị Hà cho con đi học ở trường bình thường nhưng cháu không thể hòa nhập được với các bạn. “Con tôi đã bị stress tâm lý, hôm đầu đón con về thấy cháu gần như xỉu trên tay. Lúc đó tôi cảm thấy rất sợ hãi và cho cháu nghỉ trong 2 ngày”.
Sau đó, chị Phương Hà đã quyết định cho con sang học ở trường Xã Đàn và được giáo viên dạy cho NNKH. Nhưng chỉ có Nguyên được học nên vẫn không thể giao tiếp với gia đình. Khi tham gia dự án IDEO, có giáo viên câm điếc đến tận nhà dạy cho con chị ngôn ngữ câm điếc về màu sắc, con vật, số đếm. Chị cũng học song hành cùng con, trong thời gian con nghỉ ngơi thì nói chuyện với giáo viên để nâng cao kí hiệu của mình. Sau đó, chị học thêm một vài lớp kí hiệu nữa để giao tiếp với con.
Điều tuyệt vời nhất đó là con được tiếp nhận ngôn ngữ kí hiệu, nhờ đó con tôi nhận thấy đó là ngôn ngữ của con. Con có thể nhận thức được những kiến thức trong cuộc sống, giải tỏa được những kiến thức trong bản thân. Qua thời gian học tôi dần có thể nói chuyện với con những câu chuyện đơn giản rồi phức tạp. Khi có thể giao tiếp, con tôi giảm dần các cơn giận, con thích dùng ký hiệu và hay trò chuyện hơn. Đó là một điều trước nay tôi không hề nghĩ tới”.