Vì sao đồng NDT phá giá lại gây sốc?
Việc Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nội tệ trong suốt tuần trước được nhiều nhà kinh tế học đánh giá là “sự kiện tháng 8”. Đây là khoảng thời gian từng diễn ra các sự kiện tồi tệ đối với nền kinh tế thế giới, từ việc Nga vỡ nợ năm 1998, tình trạng cạn tín dụng năm 2007 trên toàn cầu cho đến việc hãng xếp hạng S&P quyết định đánh tụt hạng tín dụng của Mỹ khỏi mức cao nhất AAA hồi năm 2011.
Động thái phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc ảnh hưởng tới nhiều quốc gia.
Trong suốt tuần qua, Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống khoảng 4,6% so với đồng USD. Tuy đây được xem là mức giảm trung bình, nhưng đó lại là mức giảm giá lớn nhất của đồng NDT trong suốt 20 năm qua, và ảnh hưởng từ động thái này lan rộng ra toàn cầu. Vậy việc phá giá đồng NDT sẽ gây ảnh hưởng thế nào đối với thế giới?
Kinh tế Trung Quốc đang suy yếu?
Một số nhà kinh tế cho rằng, việc phá giá đồng nội tệ cho thấy các nhà lập pháp Trung Quốc đang trong tình trạng hết sức lo lắng do nền kinh tế đứng thứ hai thế giới này không thể đạt được mức tăng trưởng 7% trong năm 2015 như dự báo. Trung Quốc hiện đang nỗ lực chuyển đổi từ nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhờ xuất khẩu sang một nền kinh tế dựa trên mức chi tiêu của người tiêu dùng. Động thái hồi tuần trước, trong đó áp dụng tỷ giá thả nổi giữa đồng NDT và USD, cho thấy giới chức Trung Quốc đang mất kiên nhẫn trong nỗ lực chuyển đổi trên.
Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Paul Krugman đã mô tả quyết định này là “miếng cắn đầu tiên”, ám chỉ rằng Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục có các động thái phá giá tương tự trong tương lai.
Hàng xuất khẩu Trung Quốc giảm giá
Trung Quốc từ lâu đã được coi là một phân xưởng lớn chuyên cung cấp hàng loạt các mặt hàng giá rẻ cho phần còn lại của thế giới, từ những chiếc áo phông cho đến đồ điện tử, đồ dân dụng… ở nhiều nước đều có dãn nhãn “Made in China”. Việc giá trị đồng NDT giảm không hẳn sẽ khiến giảm giá hàng hóa xuất khẩu của nước này, mà nó còn phụ thuộc yếu tố khác, ví dụ như: Mức lương của người Trung Quốc đang gia tăng, khiến các mặt hàng của nước này ít cạnh tranh hơn…
Tuy nhiên, việc phá giá đồng NDT sẽ buộc các đối thủ trong khu vực của Trung Quốc như Indonesia và Hàn Quốc phải có phản ứng đáp trả, và kết quả là giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm giá nhẹ.
Giá dầu thế giới giảm
Việc Trung Quốc “khát” các nguồn tài nguyên thiên nhiên được xem là một nhân tố chủ chốt khiến giá dầu mỏ tăng cao trong những năm gần đây. Bởi vậy mà khi xuất hiện lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, giá dầu mỏ sẽ bị ảnh hưởng, cụ thể là sẽ giảm.
Tuy nhiên, việc giá dầu mỏ có hạ hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như sản lượng dầu của một số nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Dù vậy thì trong tuần trước, sau động thái của Trung Quốc, giá dầu thế giới cũng đã bắt đầu xu hướng giảm, xuống dưới 50USD/thùng.
Lạm phát
Động thái phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc đã kéo theo ngân hàng trung ương của một số nước cảnh báo rằng họ có thể sẽ phải tăng tỷ lệ lãi xuất - đảo ngược biện pháp cắt giảm tỷ lệ lãi xuất đang được áp dụng từ khủng hoảng cạn tín dụng toàn cầu năm 2007. Đồng NDT giảm giá đồng nghĩa với việc giá các mặt hàng mà các nước khác nhập từ Trung Quốc sẽ giảm, và có thể gây nên lạm phát.
Nhiều nền kinh tế bị ảnh hưởng
Australia trong những năm qua đã chứng kiến một nền kinh tế trong nước đột phá đầy ấn tượng nhờ xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có than và quặng sắt, cho các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, và Trung Quốc là nước nhập khẩu đến ¼ tổng lượng tài nguyên của Australia. Bởi vậy, nền kinh tế Trung Quốc suy yếu sẽ là tin xấu đối với nước này.
Một nghiên cứu của hãng tư vấn Oxford Economics hồi tuần trước cũng cho thấy một số nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc phá giá đồng NDT là Brazil, Nga, chile và Hàn Quốc.
Các nước nặng nợ “hứng đòn”
Albert Edwards, nhà phân tích kinh tế của chuyên trang City Analisis, nhận định rằng việc phá giá đồng NDT sẽ kéo theo “một làn sóng lạm phát” đến nền kinh tế toàn cầu, và chịu ảnh hưởng nặng nhất sẽ là các nước đang nặng nợ.
Điều này được lý giải rằng, trong thời điểm lạm phát thì lợi nhuận và lương sẽ giảm trong khi khoản nợ vẫn sẽ không thay đổi, khiến một số quốc gia gặp khó trong việc trả lãi suất. Và các nền kinh tế đang có nhu cầu tiêu dùng và lòng tin thấp sẽ có xu hướng bị ảnh hưởng nặng nề hơn do hiệu ứng giảm chi tiêu mà lạm phát mang lại. Đây chắc chắn là tin xấu đối với Hy Lạp khi đang phải ôm khoản nợ trị giá hơn 170% giá trị nền kinh tế.
Căng thẳng thương mại
Động thái phá giá NDT của Trung Quốc mới chỉ là một phần trong số các biện pháp nhằm mở cửa hệ thống tài chính, điều khiến cho Mỹ phản ứng khá mạnh mẽ. Nghị sỹ New York Chuck Schumer hồi tuần trước nói: “Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc đã chơi trò chơi với đồng nội tệ của họ, gây khó khăn cho lực lượng nhân công Mỹ”.
Trong khi đó, Nghị sỹ đảng Cộng hòa và là cựu đại diện thương mại Mỹ Rob Portman còn cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng giành lợi ích thương mại đối với Mỹ bằng cách “thao túng đồng tiền”.
Nếu Bắc Kinh tiếp tục phá giá đồng nội tệ trong những tháng tới, họ có thể sẽ khiến quan hệ thương mại thêm phần căng thẳng, hoặc thậm chí bùng nổ một “cuộc chiến tiền tệ” như một số nhà kinh tế học từng đề cập hồi tuần trước.